Thanh Xuân (bìa trái) cùng các học viên thực hành tiếng Anh ở Philippines - Ảnh: NVCC
Miễn phí trọn gói
Năm 2017, tình cờ tại sân bay Myanmar, tôi gặp người bạn Hoàng Nguyên Lãm (28 tuổi) tới xứ sở chùa vàng hành hương. Anh có vẻ xoay xở khó khăn vì nói tiếng Anh ấp úng. Vậy mà bỗng 1 năm sau, anh nói tiếng Anh ro ro, lại còn đảm nhiệm việc phỏng vấn ứng viên bằng tiếng Anh.
Nhờ thông tin của anh Lãm và qua Philippines học, tôi mới thực sự hiểu vì sao Lãm và nhiều người khác làm được điều thú vị đó. Khi mới bước chân vào trường, người đầu tiên tôi gặp là Henry - quản lý học viên VN, còn các bạn Hàn thì gặp Antony, Aiden (người Hàn)...
Họ giúp đỡ tôi kết nối với giáo viên để có lộ trình học tốt nhất. Họ hỗ trợ khi tôi gặp vấn đề cuộc sống hay đơn giản là hôm nay ăn không ngon. Ngoài ra, họ còn làm marketing cho trường.
Ngược lại, Henry, Antony, Mei hay Aiden được trường lo phí ăn, ở và miễn phí lớp học 1:1 trong 6 tháng đầu. Tiền lương thì tùy trường. Thông thường, 6 tháng đầu thực tập không lương hoặc 5-11 triệu đồng/tháng. Từ tháng thứ 7, trường ký hợp đồng 1 năm trở lên với mức lương từ 15-25 triệu. Lợi ích nhiều, nên càng ngày tỉ lệ cạnh tranh để làm vị trí này càng khắc nghiệt.
Buổi tối, tôi cùng 10 quản lý học viên ghé một quán Việt. Đối diện tôi là cô gái Nguyễn Thị Thanh Xuân (26 tuổi) đang kể chuyện nghề khiến cả bàn cười lăn lộn.
Trong giới quản lý học viên, có những người chấp nhận không lương, miễn được nâng cao tiếng Anh miễn phí. Thanh Xuân kể mới ra trường cô đã có thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng từ việc truyền thông và làm dự án cho một tổ chức ở Mỹ.
Ngoài ra, cô cũng là tác giả 6 đầu sách, trong đó 3 tác phẩm đứng tên riêng. "Phải nói lúc đó mình rất cao ngạo, dở tiếng Anh nhưng vẫn có thu nhập tốt, sống khỏe, còn gửi về cho bố mẹ", Thanh Xuân nhớ quá khứ.
Vì sếp là người Mỹ biết nói tiếng Việt, nên Thanh Xuân chỉ cần trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ. Sau đó, cô nhận ra: "Ba năm sau, sếp dùng tiếng Việt rất giỏi, còn mình không có thêm mẩu tiếng Anh nào. Lúc họp, đồng nghiệp lâu lâu nói tiếng Anh, mình không hiểu, họ vui vẻ dịch. Nhưng rõ ràng, mình đang bị tụt lùi".
Quyết định thay đổi, với vốn tiếng Anh bập bẹ nhưng Thanh Xuân vẫn liều ứng tuyển làm quản lý học viên tại một trường Anh ngữ ở Phil sau khi kết thúc công việc tại VN. May mắn là trường này chỉ xét hồ sơ, không phỏng vấn. Dồn hết "công lực", với vốn từ vựng giới hạn, ngữ pháp lủng củng, Thanh Xuân viết CV tiếng Anh với khát khao thay đổi, và cô vẫn được chọn nhờ có kinh nghiệm dày dạn.
"Ở VN sống thoải mái, tự hào, giờ bắt đầu lại với số 0. Họ không cần biết mình ở VN ra sao, họ chỉ quan tâm mình dở tiếng Anh. Áp lực, khóc, muốn dừng lại, nhưng mình không bỏ cuộc", Thanh Xuân cảm thấy hạnh phúc khi giờ đã tự thắng mình. Từ sợ hãi, giờ cô đã yêu và nói tốt tiếng Anh vì vừa được làm việc vừa học tiếng Anh miễn phí.
Sau 6 tháng, các quản lý phải tự học tiếng Anh. Để thành thạo giao tiếp như hiện tại, Henry chọn học từ trải nghiệm: "Mình hỗ trợ học viên VN. Có lần học viên Việt đau nặng, mình đưa đi bệnh viện khám và chăm sóc qua đêm, hay hôm kia là trường hợp bạn Nhật Bản. Mình gặp bác sĩ, nói tình trạng bệnh của bạn nên từ vựng y tế tăng lên. Hay có bạn bị thất lạc đồ đạc, mình giúp bạn liên hệ cảnh sát, quản lý cửa hàng để tìm giúp. Cuối tuần, mình đi chơi với học viên, giao tiếp các chủ đề trong cuộc sống và trải nghiệm văn hóa Philippines".
Tiếng Anh đã giúp anh Peter và vợ nên duyên - Ảnh: NVCC
Học, trải nghiệm và yêu
Sang Philippines, Lê Oanh (26 tuổi, từng dạy trẻ tự kỷ) vừa cải thiện tiếng Anh miễn phí vừa làm quản lý học viên. Trường chỉ toàn trẻ em. Mỗi ngày Oanh cũng học tiếng Anh theo cách đặc biệt: "Học viên nhỏ tuổi, mình phải chăm sóc cẩn thận. Bé nào bệnh thì phải chia thuốc mỗi ngày cho uống, có khi nhỏ quá mình phải cắt móng tay cho. Hay dẫn đi chơi, du lịch...". Qua công việc, mỗi ngày Lê Oanh có thêm vốn từ đa dạng và thêm yêu mến trẻ thơ.
Biết Trương Thị Thùy Trang (24 tuổi) từ khi học đại học, ấn tượng của tôi về Trang là một cô gái bản lĩnh. Đang học đại học, Trang tạm dừng, qua Cebu, Philippines để học tiếng Anh.
"Ngã rẽ lớn trong cuộc đời" là cách Trang nói về Phil. Cô nhớ như in khoảnh khắc: "Về VN sau khi đi luyện tiếng Anh, mình tự nhiên nghe hiểu bài "Hello Viet Nam" được phát trên máy bay. Mình vui mà rưng rưng nước mắt". Sự thay đổi này giúp Trang quyết ứng tuyển làm thực tập sinh 5 tháng tại Bacolod với vai trò quản lý học viên. Sau đó, cô về nước tiếp tục học và làm việc.
Hiện Trang đã lập tổ chức giáo dục mang tên Gap Direction International, thiết kế trải nghiệm Gap Year với các chương trình ngắn hạn, kết hợp cố vấn, định hướng nghề nghiệp, kết nối cơ hội đi giao lưu văn hóa, học tiếng, du học ngắn hạn, tình nguyện, thực tập, du lịch trải nghiệm cho các bạn trẻ từ 12-35 tuổi.
Dù là học viên hay quản lý, tất cả qua Philippines với mục đích chính là học tiếng Anh, nhưng có những người nhờ đó lại nên duyên. "Anh Peter tháng 10 này lấy vợ, mà biết vợ ảnh là ai hông?", một người bạn hào hứng hỏi tôi. Tôi không thể đoán. Bạn đáp: "Không biết ảnh tư vấn sao mà giờ thành vợ ảnh luôn kìa!".
Tìm danh bạ, tôi gọi anh Nguyễn Minh Phụng (Peter Nguyen, 31 tuổi, từng làm quản lý học viên). "Cô ấy cười tươi lắm, có định hướng rõ ràng, nên anh phải cưới ngay", Phụng nói giọng sôi nổi. Chuyện là trước đó, cô gái sau là vợ Phụng tới hỏi du học tiếng Anh. Phụng tư vấn cô ấy qua Philippines học 3 tháng, rồi liên lạc với nhau qua mạng và dần tâm đầu ý hợp. Người thương vừa về nước, tầm 3 tuần Phụng đã hỏi cưới. Anh nói: "Philippines không những dạy mình tiếng Anh, mà còn cho mình thêm một cô vợ tâm đầu ý hợp".
Một chiều tháng 8, anh Tom (tức Nhàn, 26 tuổi) dẫn tôi tham quan một trường học ở Baguio. Dạo quanh, chúng tôi gặp anh Alex (Huy, 34 tuổi). Sau khi học 6 tháng ở trường Anh ngữ, hai anh tiếp tục học khi thi đậu vào một trường đại học tại Philippines.
Trong lúc nói chuyện, Alex bỗng chọc vui: "Biết sao Tom giỏi tiếng Anh không? Nó có bạn gái người Phil đó. Anh cũng đang muốn có bồ để được giỏi tiếng Anh nè". Nói vui và cũng là thật, vì từ khi yêu, Tom không chỉ tiếng Anh giỏi mà còn hát được cả tiếng Filipino...
Tiếng Anh giọng Phil
Thầy John, giáo viên Mỹ đang dạy tại Philippines, cho biết: "Người Phil có giọng tiếng Anh riêng, rất khác giọng Bắc Mỹ. Điều này tương tự với mọi người và mọi quốc gia nói tiếng Anh. Giọng của người Áo và New Zealand có thể khó hiểu đối với người nghe thiếu kinh nghiệm, chưa kể đến giọng Ireland và Scotland.
Bất cứ nơi nào bạn chọn đi học tiếng Anh, bạn sẽ phải đối mặt với các giọng và cách biểu lộ được sử dụng ở đó. Người học phải nhớ rằng tiếng Anh có thể không phải là ngôn ngữ đầu tiên của quốc gia họ chọn. Do đó có thể có lỗi ngữ pháp, từ vựng. Chúng tôi cố gắng dạy đúng ngữ pháp, cách nói phổ biến để học sinh có thể sử dụng và nghe được khi họ đến các quốc gia khác, nói chuyện với người dùng tiếng Anh bản ngữ".
>> Ở Philippines, tiếng Anh không chỉ ngôn ngữ thứ hai mà còn là "kho vàng" khi họ khai thác nó để trở thành nền kinh tế dạy tiếng Anh nằm trong chiến lược "du lịch giáo dục" ...
Kỳ cuối: Tiếng Anh là ngôn ngữ sống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận