Một xe đầu kéo bị lật làm rơi container đè bẹp dúm chiếc ôtô con bên cạnh ở Thanh Đảo, Trung Quốc - Ảnh: Independent.co.uk
Tai nạn do xe đầu kéo (thường được gọi là xe container) không phải là hiếm trên thế giới. Ở Mỹ, theo số liệu của Cơ quan An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia (NHTSA), năm 2016 có 34.439 vụ tai nạn giao thông đường bộ gây chết người, trong đó 4.440 vụ là có liên quan đến xe có tải trọng lớn (xe đầu kéo và các xe tải lớn loại khác) làm thiệt mạng 4.300 người.
Còn ở Việt Nam, tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-6-2018, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người.
Chưa có con số phân tích chi tiết về các loại xe gây tai nạn, nhưng xe đầu kéo cũng là nguyên nhân của một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà mới nhất là vụ việc xảy ra ở Bến Lức, Long An làm ít nhất 4 người chết, hàng chục người bị thương.
Do tính chất kỹ thuật và vật lý đặc thù, xe đầu kéo tiềm ẩn những rủi ro có thể dẫn đến tai nạn giao thông như sau:
1. Quán tính rất cao do trọng tải hàng hóa lớn
Những vụ tai nạn kinh hoàng do đầu kéo - Video: YouTube
Trọng lượng tổng cộng của xe đầu kéo và cái container đầy hàng rất cao (50-70 tấn) khiến xe có quán tính rất lớn. Khi thắng gấp, container hoặc hàng hóa trên rơ-móc (thớt chở container) phía sau xe có thể lao tới đè bẹp buồng lái, khi đó, tài xế xe đầu kéo sẽ là nạn nhân đầu tiên.
Điển hình là vụ tai nạn xe đầu kéo ở Thái Nguyên vừa qua, đầu kéo thắng gấp làm đống sắt thanh chở trên rơ-móc trượt về trước, đâm thủng phần dưới buồng lái, may là nhờ mớ sắt nằm thấp sát sàn xe nên tài xế mới còn sống.
Bởi thế, ở Việt Nam nhiều tài xế chỉnh cho thắng của đầu kéo chỉ "ăn" vừa phải, lực thắng chủ yếu bằng các bánh của rơ-móc chở hàng phía sau.
2. Dễ lật do trọng tâm xe cao và hướng chuyển động của xe và hàng
Xe đầu kéo dễ lật do trọng tâm cao và hướng chuyển động của đầu kéo và rơ-móc lệch nhau. Nếu thắng và đánh lái gấp, đầu kéo chuyển hướng nhưng lực quán tính vẫn đẩy rơ-móc chạy thẳng về trước. Do thế, cái đầu kéo và thớt chở container sẽ bị lật ngã ngang trên mặt đường.
Vì thế, dù bạn điều khiển xe con hay xe máy, cố tránh đừng bao giờ chạy song song với xe đầu kéo. Trong trường hợp có chướng ngại xuất hiện đột ngột phía trước làm tài xế xe đầu kéo phải ngoặt lái hoặc thắng gấp để tránh, cái container vài chục tấn đó sẽ ngã ngang đè lên xe bạn. Có lẽ chỉ có phép lạ nào đó xảy ra, bạn mới có thể sống sót trong tai nạn kiểu đó.
3. Không thể thắng (phanh) đứng như xe con, xe máy
Xe con đời mới dùng hệ thống thắng đĩa thủy lực, gần như không có độ trễ và có khả năng thắng giảm tốc từ 90km/h về 0km/h trên quãng đường dưới 40m.
Xe đầu kéo dùng thắng hơi tang trống có độ trễ lớn, trong trường hợp đang kéo container đầy hàng và chạy với vận tốc 80km/h, từ khi tài xế đạp thắng cho đến lúc xe dừng hẳn, chiếc xe đã trôi đi một quãng đường ít nhất là 120m. Do đó, đừng nghĩ rằng xe đầu kéo có thể dừng đột ngột và linh hoạt như xe con, xe máy.
4. Có nhiều điểm mù
Những điểm mù (blind spot) của xe đầu kéo - Ảnh: WikiHow
Xe đầu kéo thường có chiều dài ít nhất 20m, do đó có nhiều vị trí quanh xe mà người lái không thể quan sát bao quát được, dù có kính chiếu hậu. Vị trí khó quan sát nhất là bên hông phải, sau đuôi xe, sát trước đầu xe. Những vị trí khó quan sát này thường được gọi là "điểm mù".
Đã có nhiều vụ tai nạn bị cuốn vào gầm xe đầu kéo khi xe máy chạy song song bên hông thớt chở container do tài xế đánh lái vào gần lề phải nhưng không biết rằng có xe máy đang chạy núp bên hông.
Nếu muốn vượt xe đầu kéo, hãy vượt bên trái đầu kéo vì phía này người lái sẽ dễ nhìn thấy bạn. Hãy "nháy" đèn mũi nhiều lần để gây sự chú ý cho tài xế đầu kéo thay vì chỉ bật xi-nhan để báo hiệu.
5. Bán kính rẽ quẹo của xe đầu kéo rất lớn
Do xe đầu kéo dài và cồng kềnh nên cần ít nhất là 15m để có thể quẹo rẽ vào cua. Do vậy khi đến chỗ rẽ, người lái đầu kéo phải đánh lái cho xe chạy theo hình vòng cung rộng trước khi quẹo vào cua.
Vì thế, nếu thấy xe đầu kéo bật đèn xi-nhan báo rẽ trái nhưng xe cứ bám lề bên phải, đừng vội chen lên vì họ phải đánh lái như thế thì cả chiếc xe dài ngoằng mới có thể lọt vào ngã rẽ được. Bằng không, đầu xe đã vào cua nhưng thân xe còn kẹt lại giữa đường, không lọt hết vào cua được.
Do đó, khi xe đầu kéo bật đèn rẽ, ví dụ báo rẽ trái, bạn đừng vội chen luồn sang tay phải của xe vì tài xế phải lấy sát sang phải rồi mới rẽ trái được. Nhiều người không biết điều này nên bị đầu kéo ép văng xuống vệ đường hay phải "nhảy" lên vỉa hè.
Một chiếc xe con bị đè bẹp dưới container hàng chục tấn ở Cape Town, Nam Phi - Ảnh: Timeslive.co.za
6. Luồng gió hút khi xe đầu kéo chạy qua
Một yếu tố cần phải đề phòng nữa là luồng gió hút tạo ra khi xe đầu kéo chạy qua với tốc độ nhanh. Vận tốc xe đầu kéo càng cao thì lực hút càng mạnh, vì thế đừng bao giờ chạy song song với xe đầu kéo, lực hút này có thể lôi xe máy và cả ôtô đập vào hông xe đầu kéo.
7. Áp suất lốp rất lớn, có thể gây tai nạn khi lốp bị nổ
Bánh xe của các dòng xe đầu kéo thế hệ cũ thường có cái niềng thép để khóa mép lốp vào vành (các dòng đầu kéo mới hơn dùng bánh có vành đúc liền nên an toàn hơn).
Khi lốp bị nổ, với áp suất hơi rất lớn khoảng 100 Psi (tương 7kg/cm2) của săm xe tải, cái niềng sẽ bị bắn tung ra ngoài với vận tốc cực nhanh, lực va đập của nó có thể gây tử vong cho người. Chưa tính đến lực hơi thoát ra có thể thổi một người nặng 60kg văng ra xa vài mét như chơi.
Ngoài ra, phải tính đến yếu tố con người như tốc độ phản xạ và ý thức đạo đức của người lái xe.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia an toàn giao thông nước ngoài, tốc độ xử lý tình huống của bộ não người lái xe từ khi phát hiện nguy cơ tai nạn cho đến khi đạp thắng trung bình là 2 giây (có tài liệu cho rằng khoảng 2,3 giây).
Có nghĩa ở tốc độ 50km/h, từ khi người lái nhìn thấy chướng ngại phía trước cho đến lúc phản ứng đưa chân đạp thắng, chiếc xe đã chạy được một quãng đường khoảng 25m, còn ở vận tốc 80km/h thì chiếc xe đã chạy được gần 40m.
Như vậy, tức là trong khoảng cách dưới 20m, nếu xe bạn thắng đột ngột, người lái chiếc xe phía sau xe bạn sẽ không kịp có bất kỳ phản ứng gì. Do vậy, nếu phải thắng ở tốc độ cao, hãy liếc kính chiếu hậu trước khi thắng.
Nếu bạn không có được khoảng cách tương ứng 4 hay 5 thân xe (từ 20m-25m) đối với xe đầu kéo (hay xe tải nặng) ở phía sau xe bạn thì đừng thắng gấp. Dù rằng có thể xe bạn sẽ tông vào đuôi xe trước và "lùa" xe đó đi một quãng, thì xác suất sống sót của bạn vẫn cao hơn là để cho khối thép vài chục tấn từ phía sau "dồn" bạn vào đuôi chiếc xe phía trước.
Và, đối với xe đầu kéo, ngoài 2 giây độ trễ xử lý của não, tài xế có thể mất thêm vài giây lưỡng lự vì nguy cơ chính họ cũng bị tử vong: "Nên thắng hay không thắng? Nên ngoặt tránh hay không tránh?".
Nếu bạn thắng gấp trước mũi xe đầu kéo trong phạm vi 20m trở lại, chỉ có bản năng người lái và lòng nhân đạo mới khiến tài xế đạp thắng gấp trước khi kịp suy nghĩ. Nhờ thế bạn mới còn chút hi vọng sống sót.
Những điều bạn cần ghi nhớ để bảo vệ mình
Có những tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra không chỉ do lỗi của người lái xe đầu kéo mà còn do bản thân người lái các loại xe khác. Điều này không riêng ở Việt Nam, mà ngay cả ở các nước Âu - Mỹ cũng có tình trạng tương tự.
Nhiều vụ tai nạn thảm khốc lẽ ra đã tránh được nếu người lái xe con, xe máy hiểu rõ về các biện pháp giữ an toàn khi phải lưu thông bên cạnh những chiếc xe đầu kéo kềnh càng.
Vì vậy, xin luôn ghi nhớ rằng: đừng bao giờ làm người lái giật mình bằng những cú thắng gấp, cắt mặt tạt đầu hay giành đường với họ. Cũng đừng chạy song song bên hông xe đầu kéo vì tài xế sẽ không nhìn thấy bạn. Việc này cũng để phòng xa trường hợp nổ lốp hay bị gió hút vào gầm xe.
Tốt nhất hãy chạy cách xa những "ông khổng lồ" này ít nhất 20 mét. Nếu đôi khi bạn có bị những chiếc xe to xác này lấn ép thì xin nhớ câu "tránh voi chẳng xấu mặt nào", hãy cứ nhường nhịn họ để bảo đảm an toàn cho bạn và người thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận