24/07/2016 08:39 GMT+7

Muốn biết uy tín một trường đại học, hãy hỏi doanh nghiệp!

TRẦN HUỲNH - ĐÀM NA - KIM LIÊN - THANH THẢO - NGỌC TUYỀN  - DUYÊN PHAN - HẢI QUÂN - PHƯƠNG NGUYỄN
TRẦN HUỲNH - ĐÀM NA - KIM LIÊN - THANH THẢO - NGỌC TUYỀN - DUYÊN PHAN - HẢI QUÂN - PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 do Báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10). Chương trình từ 7g30 đến 17g.

>> Xem tư vấn xét tuyển trên Facebook Live 

Mẹ đưa con đi tư vấn xét tuyển từ 1g sáng 

Hai mẹ con cô Lê Thị Kim Tuyến và em Bùi Thị Bích Ngọc, học sinh Trường THPT Hàm thuận nam, Bình Thuận - Ảnh: Đàm Na

Đó là hai mẹ con cô Lê Thị Kim Tuyến và em Bùi Thị Bích Ngọc, học sinh Trường THPT Hàm thuận nam, Bình Thuận. Dù đang đau chân do bị bệnh khớp lâu năm, nhưng cô Tuyến vẫn đưa con vào TP.HCM để được tư vấn chọn trường cho phù hợp.

Ngồi nghỉ mệt trên ghế đá trong khuôn viên Trường ĐH bách khoa, cô Tuyến thở phào rồi vui vẻ nói: “Hai mẹ con cô bắt xe khách đi từ Bình Thuận lúc 1g sáng. Cô cũng không biết gì nhiều, vì Ngọc lên mạng coi điểm thi nên biết thông tin về ngày hội tư vấn xét tuyển. Giờ con học được bao nhiêu thì mình biết vậy nên đưa nó đi tư vấn để biết thêm”.

Ngồi bên mẹ và cũng khá mệt mỏi sau chuyến xe chạy sớm, Ngọc nói: “Vừa rồi em thi khối D và A1. Khối A1 được 17 điểm tính cả điểm ưu tiên rồi, còn khối D thì thấp quá nên em không xét. Ban đầu em muốn học ngành luật nhưng điểm ngành luật cao lắm nên em chọn học du lịch ở Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn. Nhưng khi điền hồ sơ xet tuyển vào trường thì có nhiều chỗ em không hiểu nên đến đây để được tư vấn”. 

Hùn tiền thuê xe khách đi ngày hội

Nhóm bạn của Trần Thị Diệu Hiền đến từ ngày hội từ rất sớm - Ảnh: Thanh Thảo
Nhóm bạn của Trần Thị Diệu Hiền đến ngày hội từ rất sớm - Ảnh: Thanh Thảo

Cũng có mặt tại ngày hội từ rất sớm, em Trần Thị Diệu Hiền cùng nhóm bạn của mình ở Tiền Giang thuê xe khách lên TP.HCM với giá 800.000 đồng. Hiền cho biết mình chưa tìm hiểu gì về cách thức xét tuyển, cách nộp hồ sơ và cũng như chưa xác định được mình sẽ học trường nào.

“Em nghe lớp trưởng thông báo thông tin về ngày hội nên rủ bạn cùng đi. Năm ngoái em cũng có đến ngày hội này nhưng chỉ đi cho vui. Sáng nay em thấy các anh chị sinh viên trưng bày, trang trí khá nhiều, em cũng hy vọng có một trường nào đó sẽ giúp em có được cảm hứng để học tập chứ hiện tại em cũng chưa biết học gì”, Hiền nói.

Một phụ huynh đang tìm hiểu thông tin các trường - Ảnh: Thanh Thảo
Một phụ huynh đang tìm hiểu thông tin các trường - Ảnh: Thanh Thảo

Thí sinh ở Bình Thuận có mặt từ 5g sáng 

Em Nguyễn Văn Thuần (Bình Thuận) có mặt tại ngày hội tư vấn xét tuyển từ 5g sáng - Ảnh: ĐÀM NA
Em Nguyễn Văn Thuần (Bình Thuận) có mặt tại ngày hội từ 5g sáng - Ảnh: ĐÀM NA

Mới 5g sáng, em Nguyễn Văn Thuần, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, Bình Thuận, đã có mặt tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM.

Thuần cho biết tự bắt xe khách vào Sài Gòn một mình từ ngày hôm qua (23-7), ở nhờ nhà cậu tại Bình Thạnh.

“Sáng nay, em sợ kẹt xe nên đi sớm. Em muốn vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) nhưng thấy điểm vào các năm trước khá cao. Vừa rồi em thi khối A và được 20 điểm nên giờ đi tư vấn xem Trường ĐH KHTN đào tạo hệ cao đẳng ngành CNTT như thế nào, có học liên thông lên ĐH không. Nếu không đủ điểm đậu ĐH ngành này thì em sẽ học CĐ”, Thuần chia sẻ.

Lo điểm chuẩn bất ngờ như năm ngoái

Rời Tiền Giang từ lúc 3g sáng, thí sinh Phạm Ngọc Diễm, lớp 12A9 Trường THPT Cái Bè, Tiền Giang, mang theo nhiều băn khoăn, thắc mắc đến ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ. Diễm cho biết tuy năm nay cách xét tuyển mới không cho phép thí sinh rút hồ sơ, điểm chuẩn sẽ ổn định hơn nhưng Diễm vẫn lo sợ điểm sẽ tăng bất ngờ.

“Vào phút chót nếu điểm tăng đột ngột em không biết phải làm sao. Em đến ngày hội nhằm giải tỏa băn khoăn này và an tâm hơn khi nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, em còn mơ hồ về quy tắc làm tròn điểm vì có những bạn được 3,1 hay 7,9 điểm em thấy lạ quá”, Diễm nói.

Diễm thi khối A được 22,5 điểm và dự định nộp vào khoa kỹ thuật vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Bên cạnh đó, Diễm chọn Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) như một sự lựa chọn khác nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.

Trong khi đó, thí sinh Hoàng Hồng Ân, THPT Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cùng gia đình vào TP.HCM từ 12g đêm hôm qua. Ân cho biết số điểm 21,95 của mình không quá cao cũng không quá thấp khiến Ân băn khoăn khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

“Năm ngoái trường lấy 23,25, điểm em kém điểm năm ngoái hơn 1 điểm nên không chắc chắn về cơ hội trúng tuyển. Quy tắc làm tròn cũng khiến em bối rối, không biết mình được làm tròn lên 22 không”, Ân nói.

Sau khi tham quan ngày hội, Ân cùng gia đình dự định tham quan Trường ĐH Kinh tế để “cho biết môi trường”. Ân chia sẻ một số trường chuyên về kinh tế nhưng học ở Thủ Đức cũng khiến Ân lo ngại đường sá. Ân mong sẽ chọn được trường phù hợp sau khi tham quan tận mắt.

Đúng 8g30, lễ khai mạc ngày hội bắt đầu

Ông Tăng Hữu Phong - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - tặng hoa cho các đơn vị đồng hành - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - tặng hoa cho các đơn vị đồng hành - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thay mặt Bộ GD-ĐT, TS Hà Hữu Phúc, vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT, đã phát biểu khai mạc ngày hội.

Theo ông Phúc trong suốt 15 năm qua báo Tuổi Trẻ luôn đồng hành với thí sinh. Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao những đóng góp của báo Tuổi Trẻ. “Chúng tôi nhận thức được rằng suốt thời gian qua, sự đóng góp của các cơ quan truyền thông trong đó có báo Tuổi Trẻ là rất quan trọng giúp Bộ GD-ĐT chuyển tải kịp thời các thông tin chính sách của bộ” - ông Phúc nói.

TS Hà Hữu Phúc, vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT, phát biểu khai mạc ngày hội - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Hà Hữu Phúc, vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT, phát biểu khai mạc ngày hội - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Phúc cho biết thêm: “Năm nay Bộ GD-ĐT đã phân cấp cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh, ngày hội hôm nay cũng là cơ hội để các trường giới thiệu đến thí sinh phương thức xét tuyển của trường”.

Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói: “Chọn ngành, chọn nghề luôn là nỗi trăn trở của phần lớn học sinh và phụ huynh. Các bạn trẻ sẽ sống và làm việc với ngành mình đã chọn suốt cuộc đời. Nếu chọn đúng ngành mình thích, đúng sở trường và khả năng, các bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống sau này. Nếu chọn ngành không phù hợp, cuộc sống sau này của chúng ta sẽ rất khó khăn khi phải làm điều mình không thích, không có cảm hứng.”

“Báo Tuổi Trẻ luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội, với lo lắng của các bạn học sinh trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời mình. Trong suốt nhiều  năm qua, chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức để chia sẻ nỗi băn khoăn ấy với các bậc phụ huynh và các bạn trẻ thông qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp, định hướng ngành nghề cho các bạn học sinh khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến các vùng nông thôn xa xôi” - ông Phong  cho biết.

Cũng theo ông Phong, đây là năm thứ hai kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức. So với năm trước, việc xét tuyển ĐH năm nay có một số thay đổi rất quan trọng. Hôm nay ngày hội tư vấn xét tuyển với 152 gian tư vấn của 79 trường ĐH, CĐ, TCCN, và ban tư vấn là các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT, các trường ĐH… sẽ tư vấn mọi thắc mắc của thí sinh liên quan đến việc chọn ngành nghề, qui trình xét tuyển, cách thức nộp hồ sơ, chọn trường phù hợp với sở khả năng của mình.

“Và ngay sau ngày hội này, ngày mai 25-7 Tuổi Trẻ sẽ bắt đầu chương trình ngày hội tư vấn xét tuyển online tại địa chỉ tuvantructuyen.vn nhằm đưa thông tin xét tuyển của các trường đến với những thí sinh không có điều kiện về dự ngày hội hôm nay” - ông Phong chia sẻ.

Tham dự lễ khai mạc còn có PGS.TS Trần Thiên Phúc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), bà Dương Thị Hoàn, trưởng ban truyền thông Tập đoàn Vingroup - đại diện đơn vị tài trợ chương trình, và các thầy cô trong ban tư vấn.

Tại sao thay đổi thời gian quá trình xét tuyển? 

9g15, hai khu vực tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành của ban tổ chức tại ngày hội bắt đầu hoạt động.

Ban tư vấn khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, luật, y dược, quân đội, công an... - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ban tư vấn khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, luật, y dược, quân đội, công an... - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế tài chính, luật, y dược, quân đội, công an…, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, đã chia sẻ với thí sinh những thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 và cách thức tham gia đăng ký xét tuyển.

Theo ông Nghĩa, Bộ GD-ĐT vừa điều chỉnh lịch tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Theo đó, thời gian dành cho xét tuyển, công bố kết quả và thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nguyện vọng trúng tuyển có sự thay đổi.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa đang cung cấp những thông tin mới nhất về xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
PGS.TS Trần Văn Nghĩa đang cung cấp những thông tin mới nhất về xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

“Việc điều chỉnh lịch nhằm để thí sinh có thêm thời gian suy nghĩ quyết định chọn trường, giảm bớt áp lực tâm lý và thí sinh sẽ được lợi hơn” - ông Nghĩa nói.

Năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi (giấy báo điểm) do trường ĐH chủ trì cung cấp. Thí sinh nào có đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì mới được cụm thi cấp giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất có mã vạch.

Thí sinh cần lưu ý không dùng giấy chứng nhận kết quả thi đó để đăng ký xét tuyển mà chỉ nộp giấy này vào trường mình trúng tuyển.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng đơn giản hơn. Thí sinh chỉ nộp phiếu đăng ký xét tuyển. Thí sinh chỉ cần điền đầy đủ thông tin gồm: tên thí sinh, điểm thi và nguyện vọng vào học ngành, trường nào.

Thí sinh có thể nộp qua bưu điện chuyển phát nhanh, hoặc nộp trực tiếp tại phòng đào tạo trường ĐH, CĐ (nếu trường cho phép).

Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến (online). Nếu muốn đăng ký xét tuyển trực tuyến bắt buộc thí sinh phải khai số điện thoại di động lúc làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Bộ GD-ĐT cho biết phối hợp với ngành bưu điện để đảm bảo hạn chế những tình huống có thể phát sinh ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh.

Khi đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, các bưu cục sẽ yêu cầu thí sinh khai bản đăng ký, trong đó có số báo danh của thí sinh, mã trường đăng ký xét tuyển…

Một phụ huynh đặt câu hỏi cho hội đồng tư vấn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một phụ huynh đặt câu hỏi cho hội đồng tư vấn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các mốc thời gian đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016

Thời gian nhận đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1-8 đến 12-8. Các trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14-8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19-8 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh). 

Xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 21-8 đến hết ngày 31-8. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4-9; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9-9 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh). 

Xét tuyển bổ sung đợt 2 từ ngày 11-9 đến hết ngày 21-9. Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23-9; thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28-9 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh). 

Các trường ĐH, CĐ chủ động công bố lịch xét tuyển tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo (nếu có).

Kết thúc xét tuyển trước ngày 20-10 đối với bậc ĐH và 15-11 đối với bậc CĐ. 

Ngành kỹ thuật hóa học đã có chứng nhận AUN chưa? Em có được tự do di chuyển trong khối ASEAN để làm việc không?

TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Tường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), giải đáp: Ngành kỹ thuật hóa học của Trường ĐH Bách khoa đã được chứng nhận AUN. Khi theo học ngành này, sinh viên hoàn toàn có thể đi làm trong khối ASEAN.

“Tuy nhiên, để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, em cần khả năng tích lũy trong điểm số và thể hiện năng lực trong quá trình thực tập để có nhiều cơ hội”.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng dự định kiểm định AUN ngành kỹ thuật hóa học vào tháng 9.

PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, cho biết kỹ năng ngoại ngữ là một nhân tố quan trọng để các đơn vị tuyển dụng trong khối ASEAN tuyển dụng.

Thắc mắc về cách làm tròn điểm

Một thí sinh băn khoăn: “Em 22,97 có được làm tròn lên 23 điểm không? Với số điểm này em có cơ hội vào khoa điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) không?”.

TS Lê Chí Thông cho biết điểm thi không làm tròn từng môn nhưng tổ hợp môn có thể làm tròn 0.25 điểm. Do đó, 22,97 sẽ được làm tròn lên 23 điểm.

“Em có thể chọn thêm một ngành điểm thấp hơn hoặc một trường khác để tăng cơ hội trúng tuyển. Ví dụ như ngành kỹ thuật quản lý công nghiệp của trường trong đó có 50% kiến thức khối ngành điện, điện tử. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên khi chọn ngành không nên là điểm số phù hợp”, TS Thông nói.

TS Thông cũng cho biết tại Trường ĐH Bách khoa có rất nhiều sinh viên sau 1, 2 năm không thể tiếp tục chương trình học do không có đam mê yêu thích cho dù ngưỡng đầu vào rất khó khăn.

Xét nguyện vọng có bình đẳng?

Một phụ huynh đặt câu hỏi: “Theo tôi được biết có ba phương án tuyển sinh: phương án bình đẳng NV1 và NV2, phương án 2 thí sinh xét NV2 điểm cao hơn NV1, phương án thứ ba xét hết NV1 hết mới xét đến NV2. Như vậy cụ thể từng trường xét theo phương án nào?”.

Trả lời câu hỏi trên, đại diện các trường đại học đưa ra phương án xét tuyển, đa số thiên về phương án xét bình đẳng NV1 và NV2. Trong đó một số trường chọn thuật toán xét tuyển bình đẳng NV1 và NV2 là Trường Đh Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM…

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM), cho biết tuy Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) cũng chọn cách xét bình đẳng NV1 và NV2, nhưng một số ngành có đề nghị điểm NV2 cao hơn NV1 từ 0.5 đến 1 điểm.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nhận định nắm được thông tin này chứng tỏ nhiều phụ huynh đọc rất kỹ các phương thức xét tuyển năm nay. Bên cạnh đó hai thông tin quan trọng để phụ huynh và thí sinh cân nhắc đó là kết quả tốt nghiệp THPT và điểm ngưỡng để nộp hồ sơ.

“Điểm ngưỡng có khả năng dao động trong 15 điểm. Chúng ta phải chờ thêm hai thông tin đó và hiểu về quy trình xét tuyển để cân nhắc. Phụ huynh và thí sinh lưu ý: đợt xét tuyển đầu tiên là quan trọng nhất vì gần như các trường lớn đã tuyển đủ chỉ tiêu sau đợt một”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Mơ hồ về đăng ký xét tuyển online

Một số thí sinh thắc mắc về hình thức đăng ký xét tuyển online trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.

Một thí sinh băn khoăn: “Em cần vào trang web của từng trường đăng ký hay chỉ vào trang web chung? Em có thể vừa nộp nhiều bộ hồ sơ trực tiếp tại các trường này và đăng ký xét tuyển online tại các trường khác không? Nếu em đậu có thể chọn trường theo thứ tự đăng ký hay trường nào cũng được? Đóng lệ phí khi đăng ký online ra sao?”.

Ông Nam Nhật Minh, phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết để đăng ký xét tuyển có hai cách: Đăng ký xét tuyển trực tuyến và điền vào phiếu theo mẫu có sẵn rồi nộp trực tiếp.

Từ ngày 1-8 cổng thông tin sẽ mở chức năng đăng ký xét tuyển trực tuyến và trên hệ thống phần mềm sẽ kiểm soát số lượng nguyện vọng đăng ký. Khi đăng ký xét tuyển online, thí sinh cần theo hướng dẫn chi tiết và thận trọng đối chiếu thông tin cho chính xác rồi mới xác nhận.

Vì hệ thống quản lý trung tâm sẽ kiểm soát nguyện vọng theo từng đợt nên nếu chúng ta gửi nhiều hồ sơ tới nhiều nơi có khi trường chúng ta muốn học lại đến sau trường chúng ta không muốn học. Về phần lệ phí khi đăng ký online, thí sinh có thể chuyển khoản vào tài khoản của trường hoặc dùng thư chuyển tiền tùy vào phương thức của mỗi trường.

Mất cơ hội xét tuyển tiêu chí phụ

Một thí sinh đến từ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, hỏi: “Nếu trường em định nộp đơn xét tuyển vào có sử dụng tiêu chí phụ bằng tiếng Anh nhưng ở cụm em thi lại thi môn thay thế thì có hội nào cho em không?”

Trả lời câu hỏi này, TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Đối với những trường sử dụng tiêu chí phụ bằng môn tiếng Anh, nếu em không thi môn này thì coi như mất cơ hội xét tuyển theo tiêu chí phụ trong trường hợp cùng điểm nhiều thí sinh khác”.

Khoa học cơ bản và chuyện “cơm áo gạo tiền”

Một thí sinh thắc mắc về ngành vật lý học của Trường ĐH KHTN có cơ hội việc làm ra sao? Sau khi học xong có thể làm các công việc liên quan nghiên cứu vật lý để thỏa mãn niềm đam mê hay không?

“Nếu em muốn làm một nhà nghiên cứu thực thụ thì việc học sau đại học cần thiết như thế nào? Nhà trường có hỗ trợ nếu em học thật xuất sắc hay không?”, thí sinh này hỏi.

PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM ), cho biết: “Ngành vật lý học của trường có chuyên ngành như kỹ thuật hạt nhân, điện tử… để sinh viên sau khi ra trường có thể có việc làm đúng ngành nghề. Nếu học sau đại học, em hoàn toàn có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu để thỏa mãn đam mê nghiên cứu của em. Nếu tốt nghiệp loại giỏi thì em sẽ được tuyển thẳng vào bậc học sau đại học, hoặc hỗ trợ mặt thủ tục khi em có nhu cầu du học. Trung tâm hỗ trợ sinh viên sẽ hỗ trợ em trong việc tìm kiếm việc làm.”

PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ thêm: “Những em học sinh mong muốn theo học khoa học cơ bản như toán lý hóa sinh, bên cạnh ý muốn có việc làm tốt, em cần có khao khát tò mò khoa học cơ bản. Vì lẽ này mà nhiều người chấp nhận làm việc thu nhập không cao nhưng thỏa mãn được cái tò mò yêu thích đó. Nếu muốn học khoa học cơ bản thì phải máu me và yêu thích nó mới học được. Hãy vì niềm đam mê của mình. Chuyện cơm áo gạo tiền của người làm khoa học cơ bản thì cũng khó trả lời”.

Muốn bỏ suất tuyển thẳng ngành y đa khoa

Một phụ huynh đặt câu hỏi: “Em của tôi đạt giải nhất quốc gia môn sinh nên được có tên trong danh sách tuyển thẳng vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Đợt thi vừa rồi, em ấy đạt được 27,75 điểm khối B và có nguyện vọng đăng ký vào Học viên Quân y. Vậy làm thế nào để em tôi hủy suất tuyển thẳng của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Nếu như không may trượt ở Học viện Quân y thì có được xét tuyển lại vào Trường ĐH Y dược TP.HCM không?”

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Nếu em của bạn có tên trong danh sách tuyển thẳng của nhà trường nhưng không có nguyện vọng theo học thì chỉ cần không nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi”.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ thêm: “Hạn chót để nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản chính đối với trường hợp tuyển thẳng là ngày 10-8, nếu nộp quá thời gian coi như tự hủy suất tuyển thẳng. Trong trường hợp, em không nhận suất tuyển thẳng thì có thể chọn cách đăng ký xét tuyển 2 trường bình thường như các thí sinh khác. Theo đó, em đăng ký đồng thời cả hai trường ĐH Y dược TP.HCM và Học viên Quân y.

Vì em đạt giải quốc gia nên sẽ được cộng thêm điểm khuyến khích. Lúc đó em sẽ chờ đợi tới ngày 14-8 các trường sẽ công bố kết quả. Riêng đối với các trường công an, quân đội thì hạn chót công bố là 17-8. Khi đó, em đậu trường nào thì sẽ nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản chính vào trường đó trước ngày 19-8 và chỉ được nộp một trường”.

Chọn ngành không chỉ theo cơ hội việc làm mà còn phải có đam mê

Một thí sinh thắc mắc về sự khác nhau giữa ngành kỹ thuật xây dựng và ngành kinh tế xây dựng. Nhu cầu nhân lực của từng ngành hiện nay như thế nào?

Giải đáp thắc mắc này, PGS.TS Nguyễn Văn Thư chia sẻ hai ngành trên có đặc thù khác nhau: ngành kỹ thuật xây dựng học về kỹ thuật, người học ra sẽ trực tiếp tham gia thiết kế hoặc chỉ đạo thiết kế công trình. Còn sinh viên theo học ngành kinh tế xây dựng sẽ được học về kinh tế xây dựng, hoạch toán và tính toán giá thành công trình. Nhu cầu nhân lực ngành kinh tế xây dựng ít hơn kỹ thuật xây dựng nên ngành kinh tế xây dựng tuyển sinh ít hơn và điểm cao hơn.

Một thí sinh băn khoăn rằng: Ngành công nghệ sinh học ra trường làm trong những lĩnh vực nào?

TS Lê Thị Thanh Mai cho biết về cơ hội việc làm của ngành công nghệ sinh học, tùy theo hướng chuyên sâu của các em mà các em có thể làm việc ở lĩnh vực y học, nông nghiệp, môi trường...

Ngoài ra cô Lê Thị Thanh Mai cũng chia sẻ: ngành này thường thu hút nhiều thí sinh giỏi nên điểm chuẩn khá cao. Nếu các em muốn học công nghệ sinh học hoàn toàn bằng tiếng Việt thì Trường ĐH Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) với truyền thống dạy công nghệ sinh học lâu đời là một lựa chọn tốt. Nếu các em muốn học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì các em có thể theo học Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM).

Tuy nhiên, các em không nên chỉ dựa vào cơ hội việc làm cao mà chọn học ngành công nghệ sinh học; muốn theo học ngành này, các em phải tìm hiểu kỹ và phải yêu thích.

Nếu không vào được ngành công nghệ sinh học, thí sinh có thể lựa chọn những ngành tương tự trong lĩnh vực sinh học, y sinh...

Có cơ hội chọn trường thứ 3 để xét tuyển

Đó là trường hợp của Trường ĐH Luật TP.HCM, bởi trường này tổ chức tuyển sinh riêng bằng bài thi năng lực. Hạn chót đăng ký vào hết ngày 24-7.

Khi phụ huynh đặt câu hỏi việc tuyển sinh bằng bài thi năng lực của Trường ĐH Luật TP.HCM có làm giảm số lượng nguyện vọng của thí sinh không, thạc sĩ Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết việc tuyển sinh bằng bài thi năng lực không làm giảm cơ hội của thí sinh mà còn được xem như là nguyện vọng xét tuyển trường thứ ba cho thí sinh.

Hạn chót để đăng ký kỳ thi năng lực của Trường ĐH Luật TP.HCM là 24g tối 24-7, tức vào tối nay.

Đến ngày 27-7, nhà trường sẽ công bố danh sách sơ bộ và số báo danh, thời gian, địa điểm dự thi cho những thí sinh đủ điều kiện thi năng lực.

Đề thi gồm 4 nhóm kiến thức về pháp luật, xã hội, thực hành ngôn ngữ tiếng Việt và tư duy logic.

Điểm xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ gồm điểm xét học bạ chiếm 20%, điểm thi THPT quốc gia chiếm 60% và điểm kỳ thi năng lực chiếm 20%”.

Đừng chỉ đánh giá trường qua bảng xếp hạng!

Một thí sinh hỏi: “Trường tự chủ tài chính khác gì với các trường khác? Khi học thì em sẽ được lợi gì hơn so với các trường công không tự chủ tài chính?

Bên cạnh đó, em có đọc một bài báo top 30 trường đại học tốt nhất Việt Nam. Em lại không thấy tên các trường quốc tế trong danh sách này mặc dù em nghe là rất có chất lượng. Em không biết tiêu chí nào để đánh giá chất lượng của các trường đại học top đầu”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết điểm khác biệt lớn nhất giữa các trường tự chủ tài chính và không tự chủ tài chính là mức học phí.

Một số trường đầu tiên tự chủ tài chính như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm… có học phí khoảng 17-18 triệu đồng/năm trong khi các trường chưa tự chủ tài chính là 7-8 triệu đồng/năm.

Để xác định chất lượng đào tạo của một trường đại học không nên chỉ dựa vào bảng xếp hạng mà hãy đi hỏi doanh nghiệp ngoài thực tế rằng: sinh viên trường đó làm việc như thế nào.

TS Tăng Hữu Tân, trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết khi tự chủ về tài chính, trường hoàn toàn tự chủ và sẵn sàng trả thù lao cao cho giảng viên, chuyên gia để có chất lượng cao hơn, chương trình đào tạo cũng được nâng cao chất lượng hơn.

Những bảng xếp hạng trên mạng chỉ là một cuộc thăm dò mang tính chất tham khảo chứ không phải thông tin chính thức của Bộ giáo dục và đào tạo, thí sinh cần tìm hiểu thông qua nhiều kênh khác để có cái nhìn đánh giá chất lượng khách quan hơn.

PGS.TS Hồ Thanh Phong cũng cho biết Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) nhận định câu hỏi của thí sinh ẩn cả nội dung chọn ngành yêu thích hay chọn trường chất lượng.

Theo PGS.TS Phong, chính môi trường hay ngôi trường đại học sẽ làm mình yêu thích hơn cái ngành mình yêu thích hoặc cũng có thể làm giảm đi niềm yêu thích ngành nghề đó. Khi đánh giá chất lượng của một trường đại học, có một tiêu chí quan trọng là số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng của trường đó.

Hiện nay, tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN) là một tiêu chuẩn chất lượng khá đáng tin cậy. Khi có được một chất lượng tương đương mức học phí đóng vào thì cũng đáng cân nhắc cho phụ huynh và thí sinh.

Điểm chuẩn có thể thấp hơn năm ngoái

Một phụ huynh hỏi: “Con tôi đạt 23,2 điểm A1, có nguyện vọng đăng ký ngành kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Kinh tế - luật, nếu không đậu có thể đăng ký vào ngành khác của trường hay không?”

TS Lê Tuấn Lộc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), tư vấn: “Hiện nay, rất khó tư vấn điểm chất lượng đầu vào của trường. Kỳ thi vừa rồi có phổ điểm thấp hơn so với năm ngoái nên hy vọng điểm xét tuyển có thể thấp hơn năm ngoái. Phụ huynh và thí sinh nên căn cứ vào sở thích, số điểm đạt được và đối chiếu với điểm chuẩn năm ngoái để chọn ngành phù hợp. Đối với ngành kinh tế đối ngoại điểm chuẩn năm ngoái 25,5 điểm nên với số điểm của em thì khả năng rủi ro cao”.

Ông Lộc cho biết thêm, nhà trường tuyển sinh theo chương trình đào tạo, điểm chuẩn phân bố 28 chương trình trong năm ngoái dao động từ 22-25,5 điểm.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Kinh tế - luật  còn có chương đào tạo song ngành. Thí sinh đậu vào ngành điểm thấp, có cơ hội học chương trình điểm đầu vào cao hơn trong trường và nhận hai bằng khi ra trường.

"Con ông cháu cha mới dễ xin việc cơ quan nhà nước?"

Tại gian tư vấn của Học viện Cán bộ TP.HCM, rất đông phụ huynh và thí sinh đến xin tư vấn về cơ hội việc làm, nội dung học của ngành quản lý nhà nước.

Phụ huynh Vương Thảo My (TP.HCM) chất vấn cán bộ tư vấn: “Những ngành nghề như công chức nhà nước tuy ổn định nhưng tôi cũng thấy có nhiều vấn đề nhạy cảm. Tôi vẫn nghe người ta nói chỉ có con ông cháu cha mới xin được việc vào các cơ quan nhà nước. Làm sao đảm bảo chỉ đi học, không có quan hệ, không nhiều tiền mà xin được việc làm?”.

Cơ hội việc làm cũng là vấn đề quan tâm của nhiều phụ huynh khi đến tham quan và tư vấn tại gian này.

Cán bộ tư vấn giải đáp thắc mắc: “Hiện nay, để làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, mọi người vẫn phải trải qua thi tuyển công chức. Nhà nước cần những người có năng lực để làm việc và quan niệm chỉ con em quan chức mới vào được là không đúng.”

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, cử nhân ngành quản lý nhà nước có đủ chuẩn cấp chứng chỉ tương đương Trung cấp Chính trị - Hành chính để làm những công việc hành chính văn phòng, hành chính nhân sự, hành chính doanh nghiệp… không chỉ trong khu vực cơ quan nhà nước mà còn trong các loại hình doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Học viện Cán bộ TP.HCM còn có những hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Một cán bộ tại gian tư vấn của Học viện Cán bộ TP.HCM đã nói vui như thế với phụ huynh khi hỏi con mình thi được 22,25 điểm có cơ hội vào học viện học không.

Tại buổi tư vấn, cô Bùi Thị Ngọc Trang, trưởng phòng quản lý đào tạo Học viện cán bộ TP.HCM chia sẻ thêm: “ Vấn đề mà tất cả các thí sinh và phụ huynh đến tư vấn đều hỏi là bao nhiêu điểm thì có thể đậu vào ngành quả lý nhà nước của học viện. Tuy nhiên vì là năm đầu tiên tổ chức đào tạo nên hiện tại cô chưa thể trả lời câu hỏi này. Hầu hết các em đến tư vấn đều là con em cán bộ, công chức nhà nước, cũng có vài em ở tỉnh lên”.

Được biết, đây là năm đầu tiên Học viện cán bộ TP.HCM đưa vào đào tạo ngành Quản lý nhà nước trình độ đại học hệ chính quy. Trong ngày hội tư vấn xét tuyển năm nay, ngành học này đã thu hút khá đông thí sinh và phụ huynh đến gian tư vấn của học viện.

Chú Trương Văn Phĩ, phụ huynh của em Trương Vũ Huy Hoàng, sau khi nghe tư vấn xong cho biết: “Chú biết thông tin Học viện cán bộ TP.HCM đào tạo ngành quản lý nhà nước năm đầu tiên khi xem báo nên đưa con đến tư vấn, hi vọng học xong sẽ có cơ hội làm việc trong bộ máy nhà nước”.

Có vẻ tự tin sau khi được tư vấn, Huy Hoàng cho biết: “Em thấy có niềm tin hơn khi được thầy cô tư vấn. Nếu học khá, giỏi sẽ có cơ hội trong tương lai và còn được trường hỗ trợ công việc”.

[Các cán bộ của Học viện Cán bộ TP.HCM đang tư vấn cho thí sinh tham dự ngày hội - Ảnh: Đàm Na]

Các cán bộ của Học viện Cán bộ TP.HCM đang tư vấn cho thí sinh tham dự ngày hội - Ảnh: Đàm Na

11g, chương trình tư vấn buổi sáng tạm thời khép lại. Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh cũng như các phụ huynh đến dự buổi tư vấn hôm nay vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc với những quy định mới của Bộ GD-ĐT về khâu xét tuyển. Vì vậy các thành viên ban tư vấn tiếp tục giải đáp trực tiếp tất cả những thắc mắc bên dưới hội trường.

13g chiều nay chương trình tư vấn sẽ tiếp tục diễn ra. Trong đó, tại sân khấu hội trường A5 sẽ tư vấn xét tuyển nhóm ngành khoa học xã hội - kinh tế - tài chính - luật - y dược - quân đội - công an…

Cùng thời gian này, tại sân khấu nhà B2 cũng sẽ diễn ra chương trình tư vấn xét tuyển nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật - nông lâm - giao thông - công nghệ thông tin…

Ngoài ra, quý vị phụ huynh và các bạn học sinh cũng có thể truy cập vào website: http://tuyensinh.tuoitre.vn để có thêm thông tin chi tiết về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Phụ huynh và học sinh nhận các tờ hướng dẫn của các trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phụ huynh và học sinh nhận các tờ hướng dẫn của các trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các trường mời gọi các thi sinh tham gia gian hàng củ mình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các trường mời gọi các thi sinh tham gia gian hàng của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các em học sinh nghiên cứu thông tin xét tuyển của các trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các em học sinh nghiên cứu thông tin xét tuyển của các trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phụ huynh được tư vấn để chọn trường phù hợp cho con mình - ẢNH: DUYÊN PHAN
Phụ huynh được tư vấn để chọn trường phù hợp cho con mình - ẢNH: DUYÊN PHAN

Ngày mai 25-7, bắt đầu tư vấn trực tuyến tại tuvantructuyen.tuoitre.vn

Để giải đáp tối đa thông tin cho thí sinh, ngoài Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, Báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm kênh tư vấn trực tuyến cho thí sinh ở địa chỉ: http://tuvantructuyen.tuoitre.vn.

Trên trang này, các trường và thí sinh sẽ tương tác trực tiếp với nhau thông qua phần hỏi - đáp bằng văn bản, tư vấn qua camera kết nối với máy tính, chèn các video clip, hình ảnh giới thiệu về trường. Thí sinh có thể đặt câu hỏi trực tiếp với trường mình quan tâm và sẽ nhận được ngay câu trả lời từ trường đó.

Phần trả lời từ trường cũng sẽ được chuyển thẳng đến email của người đặt câu hỏi bên cạnh xuất hiện trên trang tư vấn của báo Tuổi Trẻ. Khi tham gia ngày hội, mỗi trường sẽ có “gian tư vấn” riêng trên Tuổi Trẻ Online. Thí sinh quan tâm đến trường nào sẽ vào gian tư vấn của trường đó để đặt câu hỏi. Các trường tham gia ngày hội sẽ được Tuổi Trẻ cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống và có toàn quyền trên gian tư vấn của mình.

Điểm đặc biệt của ngày hội là các trường chỉ cần có máy tính kết nối Internet và có thể tư vấn ở bất kỳ đâu.

Để giải đáp thông tin cho thí sinh, kính mong các trường tham gia cùng Tuổi Trẻ.

Các trường có nhu cầu tham gia ngày hội online xin vui lòng liên hệ: phòng kinh doanh báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, điện thoại: (08) 39974587 - 0972141234 (gặp anh Thế Trung), fax: (08) 38479493, email: [email protected] để được tư vấn chi tiết.

 

TRẦN HUỲNH - ĐÀM NA - KIM LIÊN - THANH THẢO - NGỌC TUYỀN - DUYÊN PHAN - HẢI QUÂN - PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp