Có một phe khi đi du lịch thích hành lý gọn nhẹ, nhưng phe còn lại thích mang nhiều đồ. Thậm chí họ lên kế hoạch sẽ mặc theo concept (ý tưởng) gì cho ảo diệu.
Hành lý váy áo, quà cáp 44kg
Vừa rồi về thăm quê ngoài Bắc và kết hợp du lịch Bắc Kạn, Hà Nội, Lê Ngọc cho biết mình và mẹ mang theo tổng cộng 44kg hành lý. Trong đó 20kg hành lý ký gửi là hạt điều, bánh pía làm quà cho họ hàng, còn lại là đồ đạc của hai mẹ con.
Ngọc nói: "Đi du lịch, ngoài quần áo, tôi đem theo đồ trang điểm, máy sấy tóc. Tôi có một tuần để chuẩn bị và sắm thêm đồ.
Tôi mua váy mới để phù hợp với từng địa điểm, sắm những món đồ trang điểm nhỏ nhỏ để tiện mang theo, rồi giày dép, túi xách… Tổng cộng khoảng 2 triệu đồng".
Do còn trong độ tuổi mới ra trường, Ngọc chia sẻ rằng chi tiêu cho việc sắm đồ đi chơi như vậy là hợp lý.
Theo Ngọc, khi đi du lịch, mang đồ nhiều sẽ tiện lợi và phục vụ nhu cầu chụp hình. Chuẩn bị nhiều đồ đạc, người đi du lịch sẽ chủ động được trang phục và phụ kiện phù hợp nơi đến.
Khi ngồi thuyền ngắm cảnh, cô chọn mặc váy hồng xinh xắn. Còn khi chụp hình ở bờ hồ Hoàn Kiếm, cô chọn áo dài kiểu dáng nền nã trẻ trung.
Tương tự Ngọc, nhiều cô gái trẻ cho rằng tuổi trẻ đi đó đi đây, mình có trang phục đẹp thì nên mang theo để diện. Đây cũng là dịp lưu lại hình ảnh thời thanh xuân.
Chị Thúy Vy (29 tuổi, ngụ quận 3) cũng ưa thích việc chọn lựa những món đồ đẹp kèm theo phụ kiện phù hợp để các chuyến đi trở nên đặc biệt, hào hứng hơn.
Chẳng hạn váy màu xanh sẽ được chị kết hợp với hoa tai cùng tông. Vì vậy, chị không ngại mang theo các phụ kiện như hoa tai, vòng tay, khăn choàng…
Vy cho rằng mỗi khung cảnh khác nhau thì việc lựa chọn đồ mặc phù hợp rất quan trọng để có tổng thể ăn khớp, "slay" (sang chảnh).
Có lần do đi vội, chị chỉ mang theo vài bộ đồ sơ sài, nghiêm túc. Khi đến bãi biển, trong khi các bạn mặc "váy bánh bèo", xách giỏ lưới và mang dép lê chụp ảnh, chị lên hình với áo sơ mi, chân váy.
Khi các bạn đăng hình lên Facebook, chị thấy mình lạc quẻ vô cùng.
Mang máy sấy, bàn ủi, võng đi du lịch
Nhiều người sẽ nghĩ rằng đi du lịch mà màu mè hoa lá hẹ, quan trọng chuyện chụp hình sống ảo quá vậy. Nhưng mỗi người mỗi ý, "đẹp được thì cứ đẹp".
Rút kinh nghiệm từ những lần du lịch mà mang ít đồ, Thu Thắm (quê Khánh Hòa) những lần gần đây mang theo nhiều đồ để đủ dùng.
Thích du lịch Đà Lạt nên mỗi lần đi, Thắm mang theo nào là máy sấy tóc cỡ lớn, máy rửa mặt, ba đôi giày, áo ấm cũng hai cái.
"Cảnh trên Đà Lạt chụp hình mang giày bốt mới đẹp. Còn nếu chiều mát đi bộ nhiều thì mang giày thể thao. Rồi một đôi giày nhựa để đi mưa, lội vườn…", Thắm giải thích.
Còn bạn đi cùng Thắm mang theo võng, bình nước cá nhân. Bạn mang cả một cái chăn mỏng vì không yên tâm với chăn nơi khách sạn.
"Bạn tôi còn mang theo đủ đồ nghề cá nhân như kem đánh răng, bàn chải, dầu gội… chứ không dùng đồ có sẵn của chỗ lưu trú, mang cả bàn ủi loại to, chứ bé quá ủi cũng không tiện. Kéo vali, đeo ba lô, rồi túi xách đeo chéo nữa.
Chưa kể có sẵn chiếc túi vải để mỗi khi ra ngoài thì bỏ áo khoác, nón, chai nước... cầm theo cho tiện", Thắm kể.
Theo Thắm, mang đồ du lịch nhiều như vậy là bình thường. Cô nói rằng do đi xe giường nằm, mang đồ cũng hạn chế, chứ nếu đi xe riêng của gia đình thì còn bung xõa hơn. Có cốp xe, tha hồ chất đồ, kể cả mang ghế xếp, đồ ăn…
Biết cách sắp xếp đồ, du lịch sẽ nhẹ nhàng, thoải mái
Bí quyết của các cô nàng này là biết cách sắp xếp, để dù đồ nhiều nhưng vẫn gọn nhẹ khi đi du lịch.
Thúy Vy cho rằng: "Thật ra chỉ cần biết cách xếp gọn quần áo, lúc đi chơi biết phối đồ thì lượng đồ mang theo sẽ không quá nhiều".
Hơn nữa, đi du lịch ở các vùng đô thị, không phải đi phượt hoặc di chuyển nhiều, việc mang vali rồi để ở khách sạn cũng không nặng nề gì.
Chị Vy thường cuộn tròn trang phục mang theo rồi xếp theo đồ sẽ mặc từng ngày, hoặc áo một bên, váy một bên, đồ ngủ, khăn tắm một góc. Phụ kiện và đồ lót cho vào các túi nhỏ chèn trong vali.
Những món hay lấy ra dùng như kem chống nắng, son, lược, khăn giấy, khẩu trang, kính mát… chị sẽ để trong túi xách cho dễ lấy.
Tương tự, chị Thu Thắm nhận thấy vấn đề không phải là mang đồ nhiều hay ít, mà là biết chuẩn bị một cách ngăn nắp, hợp lý, thừa còn hơn thiếu.
"Đến nơi, tôi chỉ cần lấy đồ theo nhóm đồ. Đồ sắp mặc thì tối hôm trước lấy móc của khách sạn treo lên, hoặc để qua một góc bên ngoài.
Không để đồ theo kiểu gom thành một nùi lộn xộn, đồ sẽ bị nhăn, mất thời gian tìm đồ", chị chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận