Du khách sẽ yêu cầu hướng dẫn viên địa phương đi tới các địa điểm muốn ngắm và hướng dẫn viên sẽ thuyết minh cho họ - Ảnh: Visit Faroe Islands
Tọa lạc tại Bắc Đại Tây Dương, nằm giữa Iceland và Na Uy, quần đảo tự trị Faroe (Đan Mạch) vẫn đang đón tiếp các du khách từ khắp nơi trên thế giới thông qua… điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn.
Chúng tôi hi vọng việc đến thăm những hòn đảo xa xôi của chúng tôi qua đôi mắt và thể xác của một người địa phương có thể mang lại niềm vui và cảm hứng cho bạn trong suốt khoảng thời gian đầy thử thách này.
Trang Visit Faroe Islands viết
Tour du lịch ảo
Tuần trước, nhiều trang tin, đặc biệt các chuyên trang du lịch, đã dành lời khen cho Faroe về sáng kiến du lịch tại quần đảo này: du lịch từ xa (hay du lịch ảo).
Cây bút Erin Riley viết trên tạp chí Outside: "Chuyến du lịch ảo này đã cứu chữa tình trạng gác lại những chuyến đi của tôi".
Hình thức du lịch trên - hiện miễn phí - được thực hiện với sự phối hợp của hai bên: du khách và hướng dẫn viên địa phương.
Thông qua camera của hướng dẫn viên, du khách có thể ngắm khung cảnh xung quanh từ những ngọn núi xù xì, những thác nước tuyệt đẹp, những ngôi nhà phủ đầy cỏ xanh cho tới 80.000 con cừu tại Faroe.
Những gì du khách cần làm là đưa ra yêu cầu từ xa cho hướng dẫn viên thông qua màn hình máy tính hay điện thoại.
"Nếu bạn yêu cầu hướng dẫn viên đi bên trái, họ sẽ đi bên trái. Nếu bạn yêu cầu nhảy lên, họ sẽ nhảy. Nếu bạn yêu cầu chạy, họ sẽ chạy" - Levi Hanssen, người phát ngôn Cơ quan Du lịch Faroe, cho biết.
Trong khi đó, hướng dẫn viên tại Faroe - đội một chiếc nón bảo hiểm có gắn camera - sẽ thuyết minh cho du khách nghe. "Đây là chiếc ghế dài của công nương Mary. Bà là người đầu tiên ngồi lên chiếc ghế này" - Sara Jacobsen, hướng dẫn viên địa phương, nói với du khách.
Các tour ảo này trước mắt được mở từ hôm 15-4 tới ít nhất ngày 25-4, và có thể được tổ chức thêm. Các tour diễn ra một hoặc hai lần mỗi ngày. Theo Hãng tin AP, gần 50.000 người đã tham gia các tour đầu tiên tại Faroe.
Quần đảo Faroe có khoảng 50.000 dân, chủ yếu sống tại thủ phủ Torshavn. Đánh cá và nuôi trồng hải sản là các ngành truyền thống, nhưng du lịch cũng đang phát triển mạnh tại đây trong 5 năm qua.
Ngành du lịch tại quần đảo này đã bị chững lại sau khi chính quyền yêu cầu du khách không quay lại tới ít nhất ngày 1-5. Tính đến ngày 20-4, quần đảo này ghi nhận chưa tới 200 ca bệnh COVID-19 và không có ca tử vong nào.
"Ý tưởng trên giúp khơi gợi sự tò mò của mọi người và khiến họ mong muốn đến trải nghiệm ngoài đời thực" - người phát ngôn cơ quan du lịch địa phương Hanssen thông tin.
Nhiều nước dần mở lại du lịch
Nếu Faroe tìm cách duy trì sự quan tâm của du khách dành cho quần đảo này thì một số nơi đã lên sẵn các kế hoạch mở lại ngành du lịch, hoặc dần mở lại dù vẫn còn trong cuộc chiến với COVID-19.
Tại Trung Quốc, Hãng tin Tân Hoa xã cuối tuần trước cho biết thủ đô Bắc Kinh đã mở lại 73 điểm du lịch lớn, chiếm 30,7%. Tất cả điểm du lịch này đều là các khu du lịch ngoài trời, chẳng hạn tại Vạn Lý Trường Thành.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang chuẩn bị ra mắt một hệ thống chứng nhận dành cho các điểm du lịch "không có COVID-19" để làm sống lại ngành công nghiệp này. Bộ trưởng Văn hóa và du lịch Mehmet Ersoy cho biết ngành du lịch nội địa của nước này có thể quay lại bình thường vào cuối tháng 5.
Tại Indonesia, truyền thông địa phương cho biết các khách sạn ở Bali đang có kế hoạch bắt đầu mở cửa vào tháng 5, và giới chức ngành du lịch muốn đón khách Trung Quốc quay lại hòn đảo này vào khoảng tháng 6.
"Chìa khóa quyết định chính là không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng địa phương. Khi đạt được điều đó, không cần đến tháng 6, chúng tôi có thể bắt đầu đón khách Trung Quốc ngay trong tháng 5" - trang Tribun Bali tuần trước dẫn lời ông Putu Astawa, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali, giải thích.
Tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng ông tin chắc đại dịch COVID-19 sẽ chỉ kéo dài tới cuối năm nay, và ông mong đợi ngành du lịch sẽ "bùng nổ" vào năm 2021.
"Mọi người đang ao ước được đi ra ngoài và muốn tận hưởng vẻ đẹp của du lịch" - ông Widodo nói.
Trước đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết Chính phủ Indonesia hiện muốn thu hút khách du lịch của những nước đang hồi phục nhanh từ đại dịch COVID-19 như Trung Quốc và Hàn Quốc trong hai tháng tới.
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khuyên tạm hoãn các kế hoạch du lịch tại châu Âu trong hè này.
Bà nói: "Vào lúc này, không ai có thể đưa ra các dự đoán đáng tin cho tháng 7 và tháng 8. Chúng ta cần học cách sống chung với virus trong nhiều tháng, có lẽ cho đến năm tới".
Phía Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO) tuần trước nhận định du lịch hiện là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất do COVID-19, và rằng dịch bệnh này đang đặt ra thách thức lớn cho ngành du lịch.
Du lịch châu Âu "quay cuồng"
Trang Business Insider tuần trước dẫn nghiên cứu của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho biết trong tháng 3, chi tiêu của du khách trên khắp châu Âu đã giảm 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái do đại dịch COVID-19, trong đó con số sụt giảm ở riêng Ý lên tới 96%.
Riêng các khoản chi tiêu dành cho dịch vụ và hàng xa xỉ ở châu Âu - từ các thương hiệu Chanel, Gucci tới Louis Vuitton - đã giảm 78%. Business Insider bình luận: "Ngành du lịch của châu Âu đang quay cuồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận