Không có một hình mẫu nhất định cho lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc. Tuy nhiên, bằng nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt các tập đoàn đa quốc gia, giáo sư Phan Văn Trường - người từng là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, sẽ mang đến các ý tưởng để doanh nhân trẻ định hình cho bản thân chân dung lãnh đạo phù hợp với thời đại số.
Cùng với sự tương tác gợi mở từ host Nguyễn Tiến Huy, tổng giám đốc Pencil Group, trưởng ban nội dung CSMO Miền Nam, trong tập 6 của chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk" mùa 2, giáo sư Phan Văn Trường sẽ lần lượt hé lộ những trụ cột để tạo nên một doanh nghiệp vững mạnh.
Khi nhân hiệu gắn với thương hiệu doanh nghiệp
Giáo sư Phan Văn Trường dẫn chứng: Trên thương trường, không ít trường hợp thương hiệu của một doanh nghiệp gắn liền với hình ảnh của người lãnh đạo (nhân hiệu) như: thương hiệu Alibaba - Jack Ma, Virgin Group - Richard Branson hay General Electric - Jack Welch.
Dẫn chứng từ câu chuyện của Apple, bên cạnh các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, câu chuyện truyền cảm hứng của Steve Jobs về tinh thần sáng tạo và sự kiên trì là giá trị cộng hưởng trên hành trình tạo dấu ấn, thiện cảm và sự gắn kết giữa thương hiệu với khách hàng.
Phát triển thương hiệu bằng nhân hiệu ấn tượng cũng là "con dao hai lưỡi" bởi bất kỳ phát ngôn, hành động nào của người lãnh đạo cũng có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Không chỉ tạo ra mối liên kết với bên ngoài là người tiêu dùng, lãnh đạo xuất sắc còn là người kết nối được những giá trị bên trong công ty, tạo ra nội lực và giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Giáo sư Trường khẳng định: "Thương hiệu cá nhân của lãnh đạo và thương hiệu doanh nghiệp không thể tách rời. Vì cả 2 cùng đại diện cho những giá trị tiêu biểu của doanh nghiệp".
Song song đó, ông cũng chỉ ra một số trường hợp là khi doanh nghiệp đã thành công tạo dấu ấn sâu sắc cho khách hàng bằng giá trị nổi bật về sản phẩm hay dịch vụ, thì khi đó yếu tố thương hiệu không nhất thiết phải gắn liền với nhân hiệu.
Như phân tích trường hợp của Coca Cola, khi không biết chọn loại đồ uống nào, người ta sẽ gọi: "Give me one Coke - Hãy cho tôi một Coca Cola". Lý do mua hàng không xuất phát từ thương hiệu lãnh đạo mà đơn giản là vì Coca Cola đã thành công trở thành "first in mind - sự lựa chọn ưu tiên" của hàng tỉ người qua hàng chục năm".
Phong cách lãnh đạo "lỏng mà chặt"
Trong buổi trò chuyện, host Nguyễn Tiến Huy đặt ra một vấn đề: "Liệu chúng ta đã có văn hóa lãnh đạo mang bản sắc Việt chưa?". GS Phan Văn Trường cho rằng là chưa và chỉ ra những "lỗi" thường mắc phải của các doanh nghiệp Việt.
"Lỗi" đầu tiên nằm ở cách nhìn về người lãnh đạo. "Bây giờ ở đâu bán lớp dạy về CEO thì cả nước nhảy vào. Ai cũng muốn ngồi ở vị trí đó mà không hiểu được rằng không nhất thiết phải trở thành CEO mới có lương cao và hạnh phúc. Mình có lương cao chỉ vì trên thị trường, mình là người có giá trị", GS Phan Văn Trường giải thích.
"Lỗi" thứ hai nằm ở phong cách lãnh đạo. Giáo sư chỉ ra rằng văn hóa lãnh đạo của doanh nghiệp Việt thường là văn hóa kiểm soát và không có niềm tin với cấp dưới. Điều đó thể hiện qua suy nghĩ: "Hễ mình quay lưng lại thì nhân viên sẽ làm điều gì đó không tốt".
Trong suốt nhiều năm giữ vai trò lãnh đạo ở các tập đoàn đa quốc gia, giáo sư Phan Văn Trường luôn áp dụng nguyên tắc nhất quán là "lỏng mà chặt".
Giáo sư Trường phân tích: "Lỏng ở chỗ mình cứ như là một người không biết gì, đi đến đâu cũng chỉ có sự khoan dung và thông cảm. Mình trao cơ hội cho nhân viên nói lên những khó khăn dẫn đến thất bại của họ. Tuy nhiên, điều này lại có tính chặt chẽ vì chính những hành động như vậy sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thương hiệu của doanh nghiệp".
Sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên góp phần xây dựng một "doanh nghiệp vui vẻ". Đó là nền tảng để mọi nhân viên làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, phát huy tính sáng tạo cùng tư duy phản biện để tạo ra giá trị cho thương hiệu.
Giáo sư cũng tiết lộ: "bí quyết" giúp một doanh nghiệp vững mạnh không gì ngoài 3 trụ cột văn hóa: "lãnh đạo, làm việc và tự thân".
Ở trụ cột đầu tiên là văn hóa lãnh đạo, ông khẳng định lợi ích tối đa của doanh nghiệp mới là "sếp", thay vì một cá nhân giữ chức vụ nào đó trong công ty.
Ở trụ cột thứ 2 - Văn hóa làm việc, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa báo cáo đồng bộ để mọi người trong công ty có được thông tin nhất quán. "Điều đó giúp ta tìm được người có tài. Vì khi cả công ty báo cáo, ta sẽ biết được ai là người thấu hiểu vấn đề. Quan trọng hơn hết, chính văn hóa báo cáo cho phép lãnh đạo không cần kiểm soát công ty. Từ đó tạo nên không khí vui vẻ khi làm việc", giáo sư Trường nói thêm.
Còn đối với trục cột thứ 3 - Văn hóa tự thân, ôn hòa và chuyên nghiệp là "chìa khóa" để giải quyết mọi vấn đề bằng lý trí thay vì bị cảm xúc chi phối.
Lời khuyên của giáo sư Phan Văn Trường dành cho các lãnh đạo trẻ là đừng vội vã, hãy kiên trì. Bởi lẽ: "Việc vội vã sẽ tạo nên sự chểnh mảng. Bạn sẽ hối hận vì đã đưa ra thị trường một sản phẩm không chất lượng. Việc xây dựng thương hiệu cần cẩn trọng và không cho phép xảy ra lỗi. Bởi bất cứ một sai lầm nào đều phải trả giá bằng "vết xước" của thương hiệu.
Vì vậy một lãnh đạo cần có tầm nhìn, sự quyết tâm và khả năng truyền cảm hứng để kết nối giá trị bên trong và bên ngoài thương hiệu một cách hiệu quả. Qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, trường tồn và phát triển bền vững.
Mời bạn đọc xem tập 6 của talkshow "Đi cùng thương hiệu: Walk&Talk" mùa 2
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận