21/12/2021 13:54 GMT+7

Đi chợ hộ, tính nhầm mấy ký thịt vẫn hạnh phúc

ĐOÀN NHẠN ghi
ĐOÀN NHẠN ghi

TTO - Những ngày sống giữa đại dịch, bằng tình người, sự đồng cảm và sẻ chia, họ đã cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn nhất của năm 2021.

Đi chợ hộ, tính nhầm mấy ký thịt vẫn hạnh phúc - Ảnh 1.

Làm "chị nuôi" cho cả khu chung cư, mỗi ngày chị Hoàng Yến và các thành viên trong tổ tình nguyện phải bận đồ bảo hộ kín mít

Tuổi Trẻ Online ghi lại chia sẻ của hai trong số nhiều "anh chị nuôi" ở TP Đà Nẵng đã xung phong hỗ trợ người dân trong những ngày phong tỏa vì dịch.

Từ cái khó, tìm cách để thích nghi

Chị Thanh Hiền, 31 tuổi, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng nhớ về trải nghiệm đi chợ hộ với "sự cố" tính nhầm tiền cười ra nước mắt. Chị là một phóng viên. Những ngày thành phố "ai ở đâu ở yên đó", chị cũng phải làm việc tại nhà.

Khi nhìn đội hình đi chợ hộ cho cả chung cư chỉ toàn mấy anh nam, nghĩ mình là phụ nữ, sẽ lanh hơn chuyện chợ búa, thế là chị gửi con nhỏ và nhận nhiệm vụ đi chợ cùng các anh.

"Thời điểm đó buổi chợ phải xếp hàng giãn cách mất 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mua. Tôi phụ trách mua thực phẩm, phân loại, tính tiền cho các anh chở về. Về đến lại ngồi phân ra từng hộ, chung cư hơn trăm hộ mà mỗi nhà mua vài món khác nhau. Phân phân chia chia mất hàng giờ.

Vui nhất là lu bu ở chợ làm sao tôi lại tính lộn, thiếu mất… mấy cân thịt. Cuối cùng phải bỏ tiền túi ra bù. Mất tiền, mất công nhưng vui.

Đi chợ hộ, tính nhầm mấy ký thịt vẫn hạnh phúc - Ảnh 2.

"Anh chị nuôi" đi chợ hộ và chuyển đến tận các tầng của chung cư cho người dân trong những ngày phong tỏa

Từ cái khó đó, tôi bắt đầu kết nối với các bạn trẻ ở Quảng Nam mua giúp thực phẩm gửi ra cho những cư dân trong khu thời điểm thực phẩm ở Đà Nẵng đang khan hàng vì dịch. Thế là vấn đề thực phẩm được giải quyết.

Ai sống trong các chung cư sẽ hiểu, nhu cầu cần thực phẩm với những nhà có con nhỏ rất lớn. Chịu khó tìm cách, từ vốn trải nghiệm của bản thân, việc tìm "mối" để lấy thực phẩm cũng nhanh hơn, ngon và giá cả cũng tốt hơn. 

Qua đợt cách ly ấy, giờ đây chung cư nơi tôi sống nhiều người đã duy trì nguồn hàng ở các khu vực lân cận để mở các “siêu thị dã chiến” phục vụ hàng trăm người dân". 

Hạnh phúc khi làm được điều gì đó cho bà con

Chị Hoàng Yến (28 tuổi, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bồi hồi kể lại thời điểm tháng 8, tháng 9 khi phường Nại Hiên Đông nơi chị sống là điểm nóng của dịch COVID-19.

Đi chợ hộ, tính nhầm mấy ký thịt vẫn hạnh phúc - Ảnh 3.

Chị Hoàng Yến ngồi bệt giữa hành lang chung cư tính toán hàng hóa trong những ngày đi chợ hộ giúp bà con

"Những ngày đầu trong khu phong tỏa, ai nấy vẫn ổn. Mọi người bình tĩnh, động viên nhau chấp hành theo chỉ đạo của thành phố.

Cho đến vài tuần sau đó, khi số ngày cách ly liên tục được "gia hạn", phát sinh vấn đề thiếu sữa và thực phẩm cho trẻ khi khu chung cư C2 nơi tôi sống có rất nhiều trẻ em. Nhiều người nhắn tin hỏi tôi nhà còn sữa không, nhà có trái cây không; mọi người hỏi nhau xin rau xanh nấu cháo cho em bé…

Mấy ngày đầu, tôi mang thực phẩm nhà mình trữ được san sẻ cho mỗi nhà một ít để cho các em bé dùng. Nhưng đến lúc nhà tôi cũng hết, chưa bao giờ tôi cảm thấy bất lực như trong hoàn cảnh ấy.

Đi chợ hộ, tính nhầm mấy ký thịt vẫn hạnh phúc - Ảnh 4.

Niềm vui nhỏ bé thôi nhưng nó khiến cho những ngày sống trong vùng phong tỏa của tôi trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều

Vài tuần trôi đi, tình hình dịch trở nên căng thẳng hơn. Lương thực đặt mua không có hoặc chậm trễ, các cửa hàng và chợ trong phường đóng cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập, "viện trợ" bên ngoài cũng không thể đưa vào.

Trong khi các cô tổ trưởng tổ phó tổ tự quản đều khá lớn tuổi, việc đi chợ cho cả chung cư rất khó khăn. Thế là tôi xung phong kết nối nguồn mua giúp sữa cho trẻ nhỏ và "gia nhập" đội đi chợ hộ cho bà con.

Thời điểm đó, chồng tôi "3 tại chỗ" ở cơ quan. Ban ngày tôi làm việc tại nhà, vừa trông con nhỏ vừa tranh thủ hoàn thành hết công việc để tối về lại lên danh sách, rà soát các đơn hàng bà con cần mua, hôm sau sẽ đi hết các điểm bán để làm sao có thể mua được tối đa số thực phẩm trong danh sách.

Đi chợ hộ, tính nhầm mấy ký thịt vẫn hạnh phúc - Ảnh 5.

Thời điểm thành phố phong tỏa cứng "ai ở đâu ở yên đó", tổ hậu cần của các khu dân cư lo từng bó rau, con cá cho người dân

Trong những ngày làm "chị nuôi" giữa tâm dịch, tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Tôi cảm nhận niềm vui khi được góp một phần nhỏ vào những bữa cơm đầy đủ của cư dân trong chung cư mùa dịch. Tôi hạnh phúc khi thấy các em bé có sữa, có bánh trái đầy đủ như ngày thường. Tôi ấm lòng khi nhận lại lời cảm ơn ríu rít của bà con, hay những bữa trưa bữa tối hàng xóm mang qua cho miếng bánh, chén canh…

Niềm vui nhỏ bé thôi nhưng khiến cho những ngày sống trong vùng phong tỏa của tôi trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Sự đồng cảm và sẻ chia đã giúp chúng tôi vượt qua thời khắc khó khăn nhất".

Bạn đã vượt qua những khó khăn của năm 2021 như thế nào? Bạn có lời nhắn nhủ gì với bản thân và những người thân yêu, có kế hoạch gì cho năm 2022? Mời bạn gửi bài chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: [email protected]. Bài viết không quá 1.000 từ, có ảnh minh họa phù hợp và thuộc bản quyền của tác giả. Những bài được chọn đăng có nhuận bút.

Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn!

Điều tuyệt vời nhất của năm 2021 bạn đã làm là gì? Điều tuyệt vời nhất của năm 2021 bạn đã làm là gì?

TTO - Nhìn lại một năm đầy biến cố, người trẻ vẫn nhận ra những giá trị của bản thân để làm điều mình thích cũng như sẵn sàng cống hiến cho xã hội, sẵn sàng đón năm 2022 với sự lạc quan, tích cực cho những trải nghiệm mới.

ĐOÀN NHẠN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp