Ngoài người Trung Quốc, nhiều chủ hàng chợ này cũng là người Việt, họ rục rịch mở lại cửa hàng với hy vọng được như cái thời không lúc nào vắng khách trước đại dịch.
Thị trấn Hà Khẩu được người dân trong vùng cả phía Việt Nam và Trung Quốc xem như một "Lan Quế Phường" của huyện tự trị Hà Khẩu. Nhà cửa san sát, cửa tiệm tấp nập như một góc thu nhỏ của trung tâm buôn bán, ăn chơi ở Hong Kong.
Ngày ăn cơm Tàu, tối ngủ nhà Việt
Ở Hà Khẩu tìm cái gì cũng có, từ các chuyến hàng lớn, mỗi tờ khai hải quan lên cả chục container đến những món đồ bình dân giá vài tệ.
Từ các cửa tiệm thời trang xa xỉ cho đến những khu chợ bình dân. Hà Khẩu còn nổi tiếng cả vùng là một trung tâm ăn chơi khét tiếng, một "Lan Quế Phường" ở xứ tự trị này...
Sáng sớm bà Thanh đã tất tả, tay cầm cuốn "sổ xanh" (sổ thông hành cấp cho người có hộ khẩu giáp biên giới - PV) đứng xếp hàng chờ nhập cảnh vào Trung Quốc.
Cửa khẩu Cốc Lếu (Lào Cai, Việt Nam) và cửa khẩu Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) ở hai bên bờ suối Nậm Thi. Ngày nào cũng có cả trăm người Việt sang Trung Quốc làm việc, tối lại trở về.
Bà Thanh kiếm được một chân dọn dẹp cửa hàng khá ổn định bên Hà Khẩu. Mỗi ngày bà kiếm được ngót nghét 70 tệ (khoảng hơn 200.000 đồng). "Tính ra thì cao đấy, nhưng không đủ ăn bánh bao. Không có nghề phụ thì chết đói" - nói xong, bà đặt chiếc bao tải to đùng vào góc tường.
Trong túi khâu sẵn mấy ngăn bí mật - đồ nghề của những người tranh thủ xách hàng thuê đi lại giữa hai bên. Trong ngăn đã giấu sẵn mấy chục trứng vịt lộn. Còn hơn chục quả, bà nhét vào túi áo khoác và cả vào trong áo ngực. Mỗi quả trứng vịt lộn mang được sang bên kia biên giới, bà kiếm được dăm nghìn bạc.
Ở Trung Quốc không có trứng vịt lộn, cũng không có lò ấp, thế nhưng quán ăn có món trứng vịt lộn lại mọc lên nhan nhản ở Hà Khẩu. Người Việt, người Trung đều biết thứ quà ấy được mang từ đâu về nhưng chẳng ai buồn kiểm tra.
Bà Thanh đã có gần chục năm làm đủ nghề ở Hà Khẩu. Từ xách hàng thuê, bốc vác, dọn dẹp, lau cửa tiệm đến cắt tỉa cây cảnh. Trước khi có dịch COVID-19, Hà Khẩu vô cùng sầm uất, đông vui, bà Thanh kiếm được hơn 200 tệ (hơn 600.000 đồng) mỗi ngày. Từ ngày Trung Quốc mở cửa trở lại đến nay, bà chỉ túc tắc kiếm 100 tệ mỗi ngày, giảm hẳn phân nửa.
"Bây giờ người làm nhiều hơn người thuê, nhưng ở nhà thì biết làm gì?" - bà Thanh chép miệng hy vọng đến ngày Hà Khẩu trở lại là thiên đường mua sắm, ăn chơi của xứ tự trị Hà Khẩu.
Những người "ngày ăn cơm Tàu, tối ngủ nhà Việt" đi đi, lại lại mãi đã quen cả mặt. Biên phòng Trung Quốc nhìn qua đã nhắc được cả tên tiếng Việt, gọi cả biệt danh. Mỗi lần sang tranh thủ giấu ít đồ mang sang, hoặc mang về kiếm thêm yến gạo. "Hàng vặt" xách đi xách lại chủ yếu là quần áo, đôi giày, đồ ăn hoặc những món đồ khác. Nếu không phải hàng cấm, họ xách công khai nếu trị giá dưới 2 triệu đồng.
Những người có tí vốn, mở cửa hàng buôn bán ở Lào Cai hoặc Trung Quốc hay "né" thuế bằng cách thuê nhiều người xách qua cửa khẩu. Món đồ trị giá khoảng dưới 2 triệu đồng tiền Việt không bị đánh thuế. Nếu muốn mang nhiều hơn, nhiều người nhét trong những ngăn bí mật.
"Nếu bị bắt, nhẹ thì bị giữ hàng, giữ sổ thông hành, đợi đến tối thì đến năn nỉ xin lại. Còn hàng cấm thì thu hàng, giữ sổ luôn! Tôi mà bị bắt mang trứng vịt lộn thì coi như "giải nghệ", bà Thanh nói rồi rảo bước khuất dạng trong dãy con phố nhỏ.
Hà Khẩu lúc này như một công trường lớn. Hơn chục dãy phố, phố nào cũng sửa sang cửa hàng. Ba năm đóng cửa, thị trấn này như chìm vào một giấc ngủ dài, giờ tỉnh lại thì biển hiệu, sơn tường cũng xỉn mốc rêu phong.
Hơn chục tòa nhà xây dở loang lổ, lau lách mọc um tùm ở góc tường. Cửa tiệm ở những dãy gần chợ bắc dàn giáo kín mít lên tận lầu 3.
Số người Việt sang kiếm được chân thợ hồ, hàn sắt cũng kha khá. Nhưng ngày công chẳng bằng trước dịch. Chủ người Trung Quốc cũng trầy trật mấy năm qua, bỏ ra vài tệ bạc cũng cò kè, thêm bớt.
Sáng nào cũng có vài trăm người xếp hàng nhập cảnh vào Hà Khẩu, đến tối lại tất tả trở về. Người làm hướng dẫn viên du lịch, người làm nghề đổi tiền, cho thuê xe điện, người làm công, dọn dẹp, trồng cây...
Cũng nhiều người cắt cỏ, chăn lợn thuê, trồng cây ở những khu vườn cách thị trấn cả chục cây số.
Từ lúc mở cửa trở lại đến giờ, mỗi ngày vài nghìn người qua cửa khẩu, có sinh khí hơn hẳn thời còn phong tỏa nhưng vẫn chưa bằng một phần so với trước khi có dịch COVID-19.
"Lan Quế Phường" bị bỏ quên
Chợ to nhất, nhộn nhịp nhất như "Lan Quế Phường" đất Hà Khẩu lại có nhiều người Việt sang làm ăn, buôn bán. Cả khu chợ ba tầng với hàng trăm ki ốt, tầng trệt bán toàn cà phê, kẹo bánh, đồ lưu niệm, giày dép Việt Nam.
Toàn bộ hai tầng lầu là dãy ki ốt kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm". Dịch vụ này đã bị cấm từ khi có dịch COVID-19, đến nay chỉ còn những căn phòng mốc meo, cửa đóng im ỉm.
Dãy ki ốt tầng trệt đã mở lại, có chục căn làm dịch vụ gội đầu. Bà Lụa, quê ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hy vọng: "Mới đầu họ cho mở hàng tạp hóa trước, rồi đến gội đầu. Sau rồi sẽ có massage ở tầng trên", bà Lụa chỉ tay lên dãy ki ốt đóng im ỉm trên lầu.
Bà chủ sạp tạp hóa này đã hơn 15 năm buôn bán ở Hà Khẩu. Mặt hàng bày bán nhiều là cà phê, bánh kẹo, điếu cày, vòng tay gỗ, các mẩu gỗ lũa có mùi thơm...
Bà ta cũng không ngại nói mới có ít khách Việt sang, chưa thấm vào đâu so những ngày đi bộ còn phải len chân ở dãy chợ này. "Ngày ấy đi bộ phải nghiêng người lách qua nhau. Thâu đêm suốt sáng không lúc nào không có khách", bà Lụa tiếc nuối.
Ngày ấy, bà chủ hàng phải bỏ ra mỗi năm hơn 7 vạn tệ (hơn 240 triệu đồng) để thuê ki ốt. Những căn vị trí đẹp lên tới 8 vạn rưỡi tệ, người Việt tranh nhau thuê. Chỉ cần hai tháng làm ăn thuận lợi là họ đã kiếm đủ tiền thuê cho cả năm.
"Bánh kẹo, giày dép Việt được khách Trung Quốc thích! Họ đi mấy trăm cây số đến đây khuân cả thùng mang về", bà Lụa nói. Và chiều ngược lại, khách Việt qua đây cũng tò mò săn tìm nhiều thứ đồ "độc" mà rẻ của Trung Quốc như cái bật lửa giả cổ, máy massage cầm tay, cái đèn pin siêu sáng...
Đến giờ, cả ngày chỉ lác đác khách đến chợ. Người bán hàng nhìn nhau ngáp dài. Bù lại tiền thuê ki ốt lại rẻ như bèo. Mỗi căn mặt tiền 4m một tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng tiền Việt.
Chỉ cần sổ thông hành được du lịch dài ngày
Ông Nguyễn Đặng Thuyên - hướng dẫn viên Công ty Du lịch Lào Cai - cho hay so với trước dịch COVD-19, lượng du khách từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các đơn vị lữ hành đã hồi phục được khoảng một nửa. Mỗi ngày công ty ông đón 2, 3 đoàn khách vào Việt Nam.
Còn khách Việt sang tham quan Trung Quốc vẫn giảm hẳn, đa số qua Hà Khẩu chỉ đi về trong ngày. Họ tham quan thị trấn, mua sắm, ăn bữa trưa ở Hà Khẩu rồi hết giờ về lại Việt Nam.
Chính quyền châu Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc) đã chấp nhận các tour du lịch dài ngày qua sổ thông hành. Người Việt chỉ cần có sổ thông hành, được công ty du lịch bảo lãnh sẽ được lưu trú và tham quan nhiều địa điểm ở châu Hồng Hà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận