24/05/2022 10:56 GMT+7

Đi chợ 'Đồ rừng' - Kỳ 2: 'Ma trận' buôn thú rừng trên mạng

TÂM LÊ - DIỆU QUÍ
TÂM LÊ - DIỆU QUÍ

TTO - Rất nhiều tài khoản Facebook quảng cáo mua, bán động vật hoang dã và sản phẩm liên quan ở các nhóm kín. Nhưng khi muốn mua hàng, chủ tài khoản đều yêu cầu nhắn tin riêng, đồng thời dò xét kỹ người mua, thậm chí đòi chat video rõ mặt.

Đi chợ Đồ rừng - Kỳ 2: Ma trận buôn thú rừng trên mạng - Ảnh 1.

Rao bán cả thịt sơn dương ở rừng mới mổ

Chỉ riêng trang "Nhóm mua bán hàng núi rừng" đã kết nối 9.500 cá nhân và hàng trăm nhóm mua bán khác nhau như "Thợ săn Bắc Giang", "nanh móng ngà 3 miền", "Nanh móng hàng rừng" đến nhà hàng đặc sản ở một số địa phương...

Chợ ảo nhưng muốn thú gì cũng có

Những cá nhân tự đi săn, bẫy được cũng mang lên chợ online rao bán. Khách tìm đến mua để làm cảnh, để ăn nhậu hoặc làm "thuốc bổ dương" cũng có. Nhiều đầu mối còn rao các loại bẫy thú có tính sát thương cao, thậm chí dạy cách bẫy mèo, chồn, rắn, heo rừng.

Nhiều loài thú cấm thường xuyên được đăng bán như mèo rừng, sóc bụng đỏ, rùa núi vàng, móng hổ, gấu, đầu sơn dương, vảy tê tê... Có những con vật sập bẫy chết thảm, bị giết hại, người bán phân ra các bộ phận đầu, thân, chân, da, móng, vảy rồi chụp ảnh đăng bán. Trong đó, nhóm "Nanh, móng, ngà 3 miền" liên tục đăng tải móng, bàn móng hổ, gấu để bán.

Mỗi giờ, chợ online đều có hàng mới, có khi vừa đăng lên vài tiếng đã báo hết vì có người "chốt đơn". Chân sơn dương 500.000 đồng/chân, khỉ bạc má 500.000 đồng/kg, móng tay gấu 800k/cái, mèo rừng 3 triệu đồng/con... Tại "Nhóm mua bán hàng rừng núi", liên hệ một Facebook tên Tuấn Thành ở Hải Phòng để "mua vảy tê tê về làm thuốc", người này báo giá 7,5 triệu đồng/kg sau khi hỏi "ông anh trong biên Quảng Trị".

"Người ngoài thì không có giá 7,5 triệu đồng/cân đâu ạ. Đây là chỗ anh em của em để cho em thì em để lại cho anh thôi. Anh ấy chỉ cho em 100.000 - 200.000 đồng uống nước thôi, chứ em không kê giá. Nếu OK thì nổ tài khoản em gửi xe khách xuống Hà Nội".

Chúng tôi chê đắt tiền, Thành bảo hàng vảy này bình thường không dưới 8 triệu đồng/kg, toàn từ 8 - 12 triệu đồng. Người này cho biết mới đây vừa ship bộ vảy lên Tuyên Quang với giá 8 triệu đồng/kg, đồng thời anh ta đang giữ một bộ để... chơi và quảng cáo đây là hàng thật 100%, nếu không chuẩn sẽ hoàn tiền, "anh cứ vào các hội từ Bắc tới Nam check uy tín em".

Ngoài ra, Thành cho biết đang có một "em" tê tê 12kg còn sống, giá 700.000 đồng/kg, bao ship, nếu lấy thì hôm sau có hàng liền. "Hàng này gửi xe khách có sao không?", chúng tôi hỏi. "Ship bình thường không cần lo sợ gì. Hơn tháng trước em gửi lên Tuyên Quang một cân vảy, đóng thùng bảo là thịt chim. Em gửi xe quen, không kiểm tra đâu, thoải mái", Thành cho hay.

Trong khi đó, Facebook Thợ săn Bắc Giang thì đăng clip đi rừng bẫy rắn, xử lý rắn hổ độc. Thậm chí còn livestream nấu cao rắn, quảng cáo bình rượu ngâm rắn hổ mang. Còn nick Cường Đạt (tự nhận ở Hà Giang) chào hàng chúng tôi một con rùa sa nhân 0,8kg với giá 500.000 đồng. Đạt cho biết chỉ có một con do mới bắt được mấy hôm trước trong lúc đi soi cua đá, có thể gửi xe khách.

Đạt đòi chat video để trao đổi thêm nhưng không được đồng ý. Anh ta tỏ vẻ nghi ngờ, lập tức nhắn "không bán nữa" và không cho biết lý do. Trong khi đó, một người khác trong nhóm chúng tôi chat video thì người này khoe đang có bể rùa chứa 4 - 5 con cỡ vừa.

Đi chợ Đồ rừng - Kỳ 2: Ma trận buôn thú rừng trên mạng - Ảnh 2.

Trưng hình ảnh rùa núi quý hiếm để rao bán công khai

Bán hàng cấm nhưng phải... "thật thà để phúc cho con"

Ở các nhóm, dưới mỗi bài đăng bán đều có người bình luận "bán ké" hàng, thành ra hoạt động mua bán hết sức nhộn nhịp. Số ít thì trao đổi công khai, còn lại đều giao dịch bí mật. Tên tuổi, địa chỉ thật của người bán chuyên nghiệp cũng không được tiết lộ.

Một nick còn thường xuyên lập nhiều trang để quảng cáo bán hàng, nếu khách mua mà hỏi nhiều sẽ bị nghi ngờ là công an, kiểm lâm hoặc người của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã.

Facebook Ngọc Tim, quản trị nhóm "Nanh, móng, ngà 3 miền", cho biết do nhóm bán hàng cấm nên anh ta không thể lộ diện cũng không cho cộng tác viên ra mặt bao giờ. Nhưng khi đặt mua hàng, Tim quảng cáo rất nhiệt tình: "Có nhiều loại móng, gấu, hổ, nanh hổ, lợn rừng... đều là hàng thật hết. Bạn chọn loại nào gửi hình để mình báo giá", rồi gửi một loạt hình ảnh bàn móng gấu đen sì, còn dính nguyên lông lá.

Chúng tôi thử chọn bàn móng gấu khoảng 5cm, Tim báo giá 2,3 triệu đồng. "Móng này loại tự nhiên, không phải nuôi nhốt, được nhập từ Malaysia, Lào, Campuchia, Thái Lan về, không phải hàng Trung Quốc", Tim khẳng định và nói giá anh ta bán đã rẻ hơn thị trường vài trăm nghìn đồng.

Tim cho biết ở Kon Tum, muốn mua phải đặt tiền trước mới chuyển hàng, tiền cọc là 700.000 đồng. Chúng tôi sợ đặt cọc rồi không nhận được hàng, Tim ra sức thuyết phục rằng mình làm ăn lâu năm uy tín, không lừa lọc. Nhận hàng không đúng, cứ gọi lại báo để Tim hoàn tiền.

"Anh tắt máy thì chúng tôi biết tìm ở địa chỉ nào? Tại sao không thể giao tiền lúc nhận hàng?", chúng tôi hỏi với vẻ lo sợ, bởi thi thoảng trên một số nhóm buôn bán động vật hoang dã có người đăng tin cảnh báo lừa đảo vì người bán nhận cọc rồi "mất tích", chặn Facebook, hoặc giao đủ tiền nhưng hàng nhận được khác xa so với quảng cáo.

Lúc này, Tim mới thừa nhận: "Nói thật đây là hàng cấm, tôi không biết người gọi là ai nên không thể lộ diện hay nói địa chỉ, đây là nguyên tắc làm việc". Rồi Tim thề thốt: "Nếu không tin có thể "bóc phốt" (tố cáo - PV) tôi trên các nhóm. Tôi không bán uy tín của mình vài triệu đồng, ít thì cũng phải 200 triệu đồng... Biết hàng trái pháp luật nhưng buôn bán phải thật thà, uy tín còn để phúc cho con cái chứ".

Đi chợ Đồ rừng - Kỳ 2: Ma trận buôn thú rừng trên mạng - Ảnh 3.

Chào hàng bán cả sừng tê giác trên "chợ" mạng

Tai nạn trên đường giao hàng

Sau nhiều ngày chat riêng, vượt qua nghi ngờ của những tay buôn động vật hoang dã chuyên nghiệp, chúng tôi cũng mua được rùa núi viền (thuộc nhóm IB, loài quý hiếm đang được bảo vệ nghiêm ngặt).

Trong "Nhóm mua bán hàng rừng núi", thấy nick Thác Rùng đăng bài "Còn chục em sa nhân, 2 núi vàng, gửi quốc lộ 1A, anh em nào cần inbox", kèm ảnh bể rùa, chúng tôi nhắn tin hỏi mua hai rùa núi vàng.

Người này không dùng ảnh thật làm hình đại diện trên Facebook, đổi tên thật và luôn nghi ngờ khách hàng là nhân viên của ENV. "Tôi thấy bà giống người của bên đó quá. Tui chỉ làm ăn nhỏ lẻ thôi, muốn cài thì tìm bọn lái lớn ấy. Tha cho tui", anh ta nhắn.

Qua nhiều lần trò chuyện, Thác Rùng mới tiết lộ nhà ở Đà Nẵng nhưng hàng chuyển từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), song không nói cụ thể địa chỉ. Sau khi đặt cọc 200.000 đồng, Thác Rùng cho biết gói hàng gồm hai rùa núi viền nặng 6kg (giá 450.000 đồng/kg), tổng tiền 3.200.000 đồng bao gồm cước. Dự kiến 28 tiếng xe chở "hàng" sẽ đến bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Thác Rùng bỗng dừng liên lạc một ngày, sau đó cho biết bị bắt phạt do đăng bán voọc công khai. "Bị phạt hành chính tầm 10 - 15 triệu đồng, mất bữa nhậu. Nhưng tôi đang nhờ người lo", Thác Rùng tiết lộ. Về vụ mua rùa, anh ta cho chúng tôi số điện thoại của lái xe và dặn: "Khi nhận hàng nhớ nói là nhận thùng thức ăn cho cá, lái xe sẽ tự hiểu" - ký hiệu mật để khách nhận hàng.

Chúng tôi gọi cho lái xe, người này ban đầu không trả lời, nhưng khi nói đúng ký hiệu mật thì lái xe lập tức xác nhận. Tuy nhiên, trên đường đi chiếc xe đã gặp tai nạn nhỏ tại Thanh Hóa. Cuộc giao dịch bị hủy, vì để tìm được một tài xế tin cậy vận chuyển hàng cấm phải mất rất nhiều thời gian. Thác Rùng chuyển lại tiền cọc cho chúng tôi.

Trong khi đó, một nhóm khác lại chào hàng chúng tôi "mấy em mèo rừng còn sống đành đạch"...

Đi chợ Đồ rừng - Kỳ 2: Ma trận buôn thú rừng trên mạng - Ảnh 4.

Người bán vảy tê tê "làm thuốc" giá 7.500.000 đồng và cho biết nguồn hàng từ biên giới Quảng Trị

7,5 triệu đồng

một kg vảy tê tê "làm thuốc" được Facebook Tuấn Thành ở Hải Phòng rao bán

Nghi ngờ gài bẫy!

"Chưa mua bao giờ hay sao mà hỏi nhiều thế? Tôi sợ bà bên ENV (Trung tâm Giáo dục thiên nhiên - PV)" - Facebook Thác Rùng nghi ngờ khi chúng tôi hỏi kỹ hàng chuyển từ đâu, chụp ảnh cho xem hàng, đúng hàng mới trả tiền...

(Còn tiếp)

Chim trời, rắn, rùa... muốn gì cũng có! Chim trời, rắn, rùa... muốn gì cũng có!

TTO - Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi đến thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) - nơi từng là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã - bởi có "vựa" chim từ Vườn quốc gia Tràm Chim và nguồn Campuchia về.

TÂM LÊ - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp