30/08/2021 10:51 GMT+7

Đi bộ 6 phút phát hiện sớm tổn thương phổi ở người F0

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - 'Test đi bộ 6 phút' đã được một số cơ sở y tế các nước đưa vào phác đồ điều trị và đánh giá bệnh nhân bị COVID-19 nhằm phát hiện sớm những bệnh nhân có tổn thương phổi tiềm ẩn.

Đi bộ 6 phút phát hiện sớm tổn thương phổi ở người F0 - Ảnh 1.

Các F0 có thể thực hiện bài test đi bộ 6 phút để phát hiện tổn thương ở phổi. Trong ảnh: các F0 tập thể dục tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1 (TP.HCM) sáng 29-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

GS Dương Quý Sỹ, phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cho biết theo thống kê hiện nay của một số nước, một tỉ lệ đáng kể bệnh nhân bị COVID-19 giai đoạn cấp tính không có biểu hiện ban đầu của tình trạng thiếu oxy mặc dù đã có tổn thương tiềm ẩn ở phổi và tình trạng giảm oxy máu sớm chỉ phát hiện ra khi vận động.

Do vậy, trong phác đồ điều trị của một số cơ sở y tế của các nước đã đưa "test đi bộ 6 phút" vào phác đồ đánh giá bệnh nhân bị COVID-19 nhằm phát hiện sớm những bệnh nhân có tổn thương phổi tiềm ẩn.

Thực hiện test đi bộ

Các bước thực hiện test đi bộ 6 phút tại nhà cho người bị nhiễm COVID-19:

1. Đo SpO2 đầu ngón tay và ghi nhận chỉ số trước khi làm test.

2. Tự canh mốc thời gian, đặt chế độ bấm giờ 6 phút trên điện thoại hoặc nhờ người sống cùng là F0 bấm hộ để thông báo khi hết 6 phút.

3. Đi bộ vòng quanh phòng hoặc khoảng trống trong sân nhà liên tục trong vòng 6 phút không nghỉ.

4. Ghi nhận chỉ số SpO2 ngay khi vừa hết 6 phút, sau đó ngừng đi bộ ngồi nghỉ.

5. Diễn giải kết quả:

Nếu sau đi bộ 6 phút SpO2 vẫn không thay đổi và vẫn ≥95%, tình trạng oxy hóa máu tốt. Nếu chỉ số SpO2 còn 93 - 94% thì tình trạng oxy hóa máu giảm lúc vận động cần theo dõi và có thể thực hiện test đi bộ sau 6 - 8 giờ; nếu vẫn không cải thiện nên theo dõi sát và xin ý kiến tham vấn bác sĩ gia đình hoặc các đơn vị chăm sóc tại nhà.

Nếu chỉ số SpO2<93% thì tình trạng oxy hóa máu giảm cần xin ý kiến tham vấn bác sĩ gia đình hoặc các đơn vị chăm sóc tại nhà. Nếu chỉ số SpO2 giảm so với ban đầu > 3 chỉ số %, xin ý kiến tham vấn bác sĩ gia đình hoặc các đơn vị chăm sóc tại nhà.

Các lưu ý cần biết

Một số lưu ý khi đi bộ nên đi theo bước chân thường ngày đi tập thể dục hoặc theo nhịp sinh hoạt bình thường, không nên gắng sức đi nhanh gây khó thở.

Trong quá trình đi bộ nếu thấy có các dấu hiệu bất thường sau đây thì phải ngưng ngay và ngồi nghỉ cho đến khi hết triệu chứng, thông báo cho người nhà hoặc bác sĩ gia đình: đau đầu, chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho nhiều.

Để tránh trường hợp đi bộ chậm quá mức thì những người thường xuyên đi bộ tập thể dục có thể lấy mức khoảng cách tối thiểu đạt được khi đi bộ 6 phút của nữ dưới 60 tuổi là 400m và nam là 480m. Lưu ý duy trì nhịp hít thở sâu và điều hòa khi thực hiện test đi bộ 6 phút.

Nếu chỉ có một mình trong phòng khi thực hiện test thì có thể không cần đeo khẩu trang trong 6 phút đi bộ. Có thể lập lại test mỗi 6-8 giờ và mỗi ngày để theo dõi tình trạng oxy máu ổn định hay không ổn định và ghi vào sổ theo dõi sức khỏe cá nhân. 

Những người (dưới 60 tuổi) không có bệnh hô hấp, tim mạch trước đây nhưng có SpO2 trước khi thực hiện test đi bộ 6 phút < 95% không nên thực hiện test và lưu ý theo dõi thêm hoặc báo cho bác sĩ gia đình hoặc đơn vị chăm sóc y tế.

Ngoài ra, tại các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, việc thực hiện test đi bộ 6 phút cho bệnh nhân trước khi xuất viện cũng giúp đánh giá được tình trạng suy hô hấp của người bệnh đã ổn định hay chưa.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: F0 nào ở TP.HCM nhận thuốc kháng virus Molnupiravir? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: F0 nào ở TP.HCM nhận thuốc kháng virus Molnupiravir?

TTO - TP.HCM không phát hết thuốc kháng virus Molnupiravir cho tất cả F0. Người có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được sử dụng thuốc này, nếu đúng chỉ định.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp