Buổi công bố Mô hình ĐH phi lợi nhuận của ĐH Phan Châu Trinh sáng 11-7.Ảnh: Đoàn Cường |
Tới dự có bà Nguyễn Thị Bình- nguyên Phó chủ tịch nước, Ủy viên hội đồng quản trị của trường ĐH Phan Châu Trinh
Th.S Đỗ Thế- phó hiệu trưởng trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết, so với ĐH vì lợi nhuận thì ĐH phi lợi nhuận có mục tiêu vì người học, được điều hành bằng hội đồng trường –bầu ra để đại diện cho tập thể. Nguồn thu chủ yếu là nguồn hiến tặng, tài trợ và học phí (thấp). Giá trị thặng dư đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học bổng, sinh hoạt của SV…không chia cho cổ đông. Toàn bộ lợi nhuận đều được đưa vào hoạt động giáo dục, đào tạo và phục vụ cộng đồng.
Mô hình phi lợi nhuận tại trường ĐH Phan Châu Trinh (với số SV chỉ khoảng 5.000) với phương châm canh tân giáo dục, có tôn chỉ, mục đích đào tạo ra những con người có tư duy độc lập, có ý chí tự do mạnh mẽ, trung thực và có tinh thần trách nhiệm với xã hội, có năng lực hành động trong đời sống hiện đại. Ngành đào tạo chủ yếu tập trung vào các ngành KHXH, có sự tương tác lớn giữa giảng viên và SV. Trường hướng tới là địa chỉ nghiên cứu tin cậy về các vấn đề dân tộc học và khoa học xã hội.
Hiện nay SV của nhà trường đang từng bước được hưởng các quyền lợi: Học phí ổn định và chỉ ngang bằng trung bình chung của các trường công lập, KTX miễn phí, tiếp cận dần với chương trình giáo dục khai phóng, trường dành tối thiểu 10% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng cho SV. Riêng người Hội An được cấp học bổng 50% học phí toàn khóa học.
Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An) là Mô hình ĐH phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Đoàn Cường |
Bà NguyễnThị Bình cho biết: “Trên thế giới này có rất nhiều các trường ĐH phi lợi nhuận, nếu ĐH phổ biến lợi nhuận thì không đảm bảo chất lượng cho đất nước. Trường Phan Châu Trinh đào tạo ra lớp người mới, tự chủ, tự tin, sáng tạo. Cái sự mới thì chắc chắn có nhiều khó khăn nên cũng cần có sự chung tay, ủng hộ quyết liệt”.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ: “Từ khi trường này mới thai nghén về ý tưởng và đến năm nay là 07 năm, tôi đã theo dõi. Ý tưởng sáng tạo ra trường tương đối vĩ đại và có chút gì lãng mạn nên cũng gặp những trở ngại vì thực tế chưa cho phép như vậy. Trong lúc như lúc này đã có những người mà xứng đáng được gọi là hiệp sĩ tài trợ cho trường. Bản chất giáo dục là phi lợi nhuận nhưng giờ đây người ta tính toán lợi ích, lợi nhuận là bao nhiêu chứ không nghĩ đào tạo ra bao nhiêu nhân tài cho đất nước”.
Ông Sự cũng nói thêm, Hội An sẽ giao 15ha cho trường ĐH Phan Châu Trinh để làm giáo dục và với cam kết chỉ làm giáo dục thôi, nếu tính toán chuyện ngoài giáo dục thì dứt khoát không được, sẽ thu hồi lại ngay. Ông Sự cũng lưu ý vấn đề cốt tử là tuyển sinh cho được, nhất là trong năm này. Có người học mới, có giảng viên. Nhà tài trợ nhìn vào đó người ta mới ủng hộ được chứ. “Tôi và những người dân Hội An rất ủng hộ mô hình này”- ông Sự khẳng định.
Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng cho biết sẽ tạo điều kiện hết sức trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là việc quảng bá đến các trường THPT, làm quyết liệt trước ngày 2-9.
Được biết, từ ngày thành lập ĐH Phan Châu Trinh liên tục phải bù lỗ, năm 2013, tổng số tiền lỗ của trường là 12 tỷ đồng, năm 2014 dự kiến lỗ khoảng 3,5 tỷ đồng. Hiện nhay trường đã vận động được 1 nhà tài trợ vĩnh viễn, không hoàn lại là 1 triệu USD và 5 triệu USD – bảo lãnh cho trường vay ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận