15/04/2017 10:16 GMT+7

ĐH ngoài công lập kêu khó vì chính sách phân biệt

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Sáng 14-4, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị các trường ĐH ngoài công lập (NCL) với sự tham gia của 60 trường trong cả nước.

GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: M.G.
GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: M.G.

Năm 1987, hệ thống giáo dục ĐH chưa có trường ĐH NCL. Năm 1994 có 5 trường NCL và đến cuối năm 2016 đã có 60 trường, chiếm tỉ lệ 25,5% số trường ĐH với quy mô đào tạo trình độ ĐH là 232.367 sinh viên, chiếm tỉ lệ 13,16% sinh viên ĐH trong cả nước.

Năm 2016, các trường NCL đã đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng.

Cơ sở thuê mướn, tuyển sinh khó khăn

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu về thực trạng 59 trường ĐH NCL tại hội nghị, mặc dù có sự phát triển nhanh về số lượng, các trường ĐH NCL đang gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của 43/60 trường ĐH NCL là 5.071 người.

Trường có nhiều giảng viên cơ hữu nhất là 1.211 người và ít nhất là 20 giảng viên. Trong số giảng viên cơ hữu có đến 29% trình độ cử nhân.

Nhiều trường NCL xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất khá tốt, nhưng hiện có 12 trường đi thuê 100% cơ sở đào tạo.

Điểm yếu về cơ sở vật chất của các trường ĐH NCL là thư viện nghèo nàn, hệ thống tài liệu học tập thiếu thốn, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động học tập như khu thể chất, xưởng thực hành còn thiếu và yếu. Công tác tuyển sinh gặp khó khăn tại tất cả các hệ đào tạo.

Chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường NCL (chiếm trên 61,17% tổng thu). Điều này hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tục đòi bình đẳng công - tư

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng các cơ chế, chính sách hiện nay chưa bình đẳng giữa trường công và trường tư là nguyên nhân khiến trường tư khó cạnh tranh lại trường công.

Ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng sáng lập Trường ĐH Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương, cho rằng: “Trong năm 2016, các trường NCL nộp ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng và Nhà nước lại lấy tiền này đầu tư cho các trường công lập.

Trường NCL tổ chức đào tạo, chi thường xuyên, nghiên cứu khoa học... tất cả đều từ nguồn thu học phí của sinh viên, trong khi trường công được Nhà nước đầu tư ồ ạt. Như vậy trường tư làm sao cạnh tranh được với trường công. Hệ thống giáo dục xảy ra nhiều bất cập là do bất bình đẳng công - tư”.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Anh Đào - chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) - cho rằng: “Các trường NCL đang đào tạo gần 240.000 sinh viên. Nhà nước không cấp kinh phí đào tạo cho số sinh viên này, giúp tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước rất nhiều. Vì vậy, Nhà nước phải cân nhắc chính sách đầu tư cho giáo dục NCL. Đó là phần đóng góp cho ngân sách nhà nước và Nhà nước cần tái đầu tư cho các trường.

Cần có chính sách giúp các trường vay ưu đãi lãi suất, cho phép các trường NCL có thể sử dụng nguồn lực giảng viên từ các trường công để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên giữa trường công và trường tư”.

Về vấn đề trích đóng góp của các trường NCL để tái đầu tư, giúp các trường tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết đây là ý tưởng đúng và bộ sẽ nghiên cứu đề xuất này, sớm có trả lời cho các trường.

Khó chuyển đổi thành trường không vì lợi nhuận

Theo quy định, hệ thống giáo dục ĐH có hai loại trường: công lập và tư thục. Thế nhưng đến nay vẫn còn 8 trường dân lập chưa chuyển đổi sang tư thục. Trong số này có 3 trường đề nghị chuyển đổi thẳng từ trường dân lập sang tư thục không vì lợi nhuận.

Tuy nhiên cũng theo quy định, các trường dân lập phải chuyển sang trường tư thục (xác định cổ phần, tỉ lệ vốn góp), sau đó mới được chuyển tiếp sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đây là điều vướng mắc khiến nhiều trường chưa thể chuyển sang loại hình tư thục không vì lợi nhuận.

GS Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - cho hay trường ông từng ba lần gửi hồ sơ chuyển đổi từ dân lập sang tư thục không vì lợi nhuận nhưng chưa được đồng ý.

“98% số người góp vốn chiếm tỉ lệ 86,4% vốn điều lệ của trường đồng ý chuyển sang trường tư thục không vì lợi nhuận. Thế nhưng khi làm hồ sơ chuyển đổi vào các năm 2008, 2010 và 2016, Bộ GD-ĐT lại không duyệt vì theo quy định phải chuyển sang trường tư thục trước.

Đây là điều phi lý, lẽ ra thành lập trường tư vì lợi nhuận phải khó khăn hơn không vì lợi nhuận mới phải, đằng này ngược lại. Trong 20 năm qua, chúng tôi chia cổ tức hằng năm bằng lãi suất ngân hàng. Điều này giúp chúng tôi tích lũy được 150 tỉ đồng, 15ha đất.

Muốn đóng góp cho xã hội, vậy mà hơn 10 năm nay bị vướng chính sách mà chưa thực hiện được” - ông Nghị bức xúc.

Tương tự, TS Nguyễn Đình Ngộ - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế) - cho hay: “99,6% cổ đông đồng ý chuyển đổi sang loại hình trường tư không vì lợi nhuận. Hội đồng quản trị cũng có nghị quyết và trường đã làm hồ sơ gửi Bộ GD-ĐT. Nhưng bộ lại bắt phải chuyển thành trường tư vì lợi nhuận trước, sau đó mới tiếp tục chuyển đổi thành trường tư không vì lợi nhuận. Vì sao phải bắt các trường đi đường vòng như vậy?”.

Về vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng Đảng và Nhà nước khuyến khích các trường hoạt động không vì lợi nhuận. Ông chỉ đạo các vụ phải xem xét, sửa đổi ngay thông tư hướng dẫn chuyển đổi trường dân lập sang tư thục, trong đó có việc chuyển sang tư thục không vì lợi nhuận.

Bộ sẽ chỉnh sửa, bổ sung chính sách

Phát biểu kết luận, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng để phát triển hệ thống trường ĐH NCL, sắp tới Bộ GĐ-ĐT sẽ tiếp tục rà soát các quy định đã có và thực tế hoạt động của các trường.

Với những gì bất hợp lý, còn thiếu, chưa phù hợp, bộ sẽ điều chỉnh để từ đó đề xuất Quốc hội chỉnh sửa Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH. Với mô hình trường tư không vì lợi nhuận: bộ sẽ đề xuất cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư và tăng cường rà soát đảm bảo chất lượng, tính bền vững của trường.

Bộ sẽ chú ý sự bình đẳng (không phải cào bằng), tạo điều kiện cho trường công và tư tiếp cận các nguồn lực về đất đai, thuế, học bổng cho sinh viên, nguồn lực giáo viên… Các trường NCL sẽ được tự chủ hơn về tuyển sinh.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp