Các đơn vị liên kết kéo đến Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sau khi biết trường chưa được cấp phép vẫn đào tạo liên thông - Ảnh: NGỌC DIỆP
Sai phạm này đặc biệt nghiêm trọng và hiện Bộ GD-ĐT đang tính phương án xử lý. Làm thế nào trường mở rộng "chân rết"?
Đánh vào tâm lý học nhàn, có bằng nhanh
Theo tìm hiểu, học viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đều đang làm việc tại một nhà thuốc nào đó. Học ĐH liên thông là một bước lo xa hơn cho tương lai với những ai muốn mở nhà thuốc sau này. Trong số này có người muốn học thật - lấy bằng thật nhưng không ít người muốn học nhàn - lấy bằng nhanh. Đa phần học viên tìm trường thông qua người thân quen giới thiệu, ít người chịu tìm hiểu kỹ về ngôi trường mình sẽ học.
Vợ chồng chị L. (Hải Phòng) tốt nghiệp CĐ Y dược Hà Nội cùng dự tuyển vào Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Khi kiểm tra đề án tuyển sinh, chị L. nhận thấy trường không được đào tạo hệ ĐH liên thông, hình thức chính quy ngành dược nên đã thắc mắc với người giới thiệu vợ chồng chị vào học trường này.
Thấy người này phật ý, chị L. đâm ra ngại và quyết định vẫn đăng ký học. Cặp vợ chồng này tuần nào cũng đi xe khách từ Hải Phòng đến Hà Nội học. Suốt thời gian đi học, chị L. mang thai nên đi lại khá vất vả. "Mất bao nhiêu tiền, bao nhiêu công sức, giờ không lấy được bằng" - chị L. than thở.
Đặt "trạm từ xa"
Tháng 8-2018, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã tuyển khoảng 50 lớp ĐH liên thông hệ chính quy ngành dược, tổng cộng là 3.069 sinh viên. Trường này đã liên kết với 20 đơn vị ở cả Bắc - Trung - Nam gọi là đặt trạm từ xa. Học viên ở các tỉnh thành khác học các môn chính trị, ngoại ngữ ở các "trạm" này, sau đó mới về Hà Nội học.
Tại Hà Nội, sinh viên ĐH liên thông được học tại cơ sở 44 Nguyễn Cơ Thạch chứ không được học tại trụ sở chính của trường ở Vĩnh Tuy. TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - đánh giá vụ tuyển sinh "chui" hơn 3.000 sinh viên của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội là "quá liều lĩnh".
"Trường chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đã tuyển, đó là lỗi ý thức chấp hành quy định kém. Nhưng khi tuyển sai quy định với số lượng hơn 3.000 thí sinh thì lỗi đó nặng gấp hai, gấp ba lần. Đây là tuyển sinh liều lĩnh chứ không phải không nắm được quy định.
Một khi đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì trường không thể đảm bảo chất lượng đào tạo được, nhất là với đào tạo ngành sức khỏe. Bộ GD-ĐT phải làm nghiêm vụ này, cần phải xác định rõ việc tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đào tạo các khóa ĐH liên thông ngành dược này" - TS Lê Viết Khuyến nói.
Tháng 7-2020, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thông báo kết luận Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội từ năm 2017 đến 2019 có nhiều sai phạm về tuyển sinh ĐH chính quy, tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu, đào tạo ngành ngôn ngữ Anh dù chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép...
Qua môi giới
Rất nhiều học viên các trường CĐ y dược ở khu vực phía Bắc đã nhắc đến một người "môi giới" cho rất nhiều sinh viên thi vào Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Khi vụ việc vỡ lở, học viên gọi "thầy" đòi tiền thì "thầy" nói… không còn liên quan đến việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận