Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã tổ chức hội nghị cán bộ, nhân viên, giảng viên cơ hữu (đột xuất) vào sáng 14-7-2011 với gần 140 người tham dự. Từ đó đến nay, tình hình nhà trường liên tục bất ổn - Ảnh: Trần Huỳnh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS Hà Hữu Phúc - vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, người được lãnh đạo Bộ GD-ĐT phân công phối hợp với UBND TP.HCM xử lý vụ việc trên - cho biết cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM có nhận được tin ông Đặng Thành Tâm - chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - ra thông báo cho toàn bộ giảng viên và nhân viên nhà trường nghỉ việc.
Nhận thấy đây là việc sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm giảng viên và nhân viên nhà trường, chúng tôi đã mời chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT, các thành viên ban giám hiệu, chủ tịch và phó chủ tịch công đoàn trường, đại diện Đảng ủy trường đến trụ sở cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM để báo cáo toàn bộ sự việc vừa diễn ra ở trường.
Trong buổi làm việc đó, chúng tôi cũng mời bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM và lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cùng tham gia.
* Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM có báo cáo sự việc cụ thể ra sao, thưa ông?
Từ tháng 6-2013 đến nay, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không có hiệu trưởng chính thức. Từ ngày 15-6-2015, nhiệm kỳ HĐQT Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng hết. HĐQT có trình UBND TP.HCM nhân sự hiệu trưởng mới nhưng không được chấp thuận vì HĐQT có 10 thành viên nhưng ba thành viên không dự nên không đủ 75% theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp đặc thù như vậy, từ tháng 6-2015 đến nay, HĐQT vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để trường tiếp tục các hoạt động bình thường (giảng dạy cho số sinh viên chưa tốt nghiệp, trả lương, đóng bảo hiểm cho hơn 100 giảng viên và nhân viên nhà trường, lên lương cho người đến niên hạn…).
Về thẩm quyền ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng lao động: theo quy định của pháp luật thì người nào có thẩm quyền ký hợp đồng lao động thì người đó có quyền ký thanh lý hợp đồng lao động.
Việc ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng lao động trước hết phải tuân thủ những quy định của Bộ luật lao động, phù hợp với các quy định liên quan của các luật khác, nếu có.
Theo báo cáo của nhà trường, do năm qua (từ năm 2012 đến nay) trường không được tuyển sinh nên không có nguồn thu, do đó nhà trường cần phải cơ cấu lại đội ngũ giảng viên và nhân viên.
Lúc đó, trường cho biết có 79/105 người lao động đã đồng ý thanh lý hợp đồng, còn 26 người chưa đồng ý thanh lý hợp đồng. Nhà trường sẽ ký lại hợp đồng với người lao động đủ điều kiện và có ý muốn làm việc tiếp ở trường.
* Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM chỉ đạo nhà trường giải quyết vụ việc này ra sao?
- Sau khi nghe các bên báo cáo, đại diện Đảng ủy khối, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và lãnh đạo cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã phân tích, chỉ đạo và hướng dẫn nhà trường xử lý tình hình theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, yêu cầu nhà trường khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
Hiện nay trường còn 50 sinh viên chưa tốt nghiệp, đề nghị HĐQT, ban giám hiệu phải đặt lợi ích người học và người lao động lên trên hết. HĐQT, ban giám hiệu cần công khai các chủ trương, chính sách của nhà trường đối với người lao động.
Đề nghị HĐQT, ban giám hiệu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động đào tạo cũng như trong sử dụng người lao động. Vì quyền lợi của người học, người lao động, đề nghị HĐQT, ban giám hiệu, Đảng ủy, công đoàn ngồi lại với nhau và gặp gỡ người lao động cùng chia sẻ những khó khăn, tìm cách giải quyết nhằm ổn định tình hình nhà trường.
Đề nghị HĐQT, ban giám hiệu thực hiện nghiêm túc công văn số 4280 ngày 21-8-2015 của bộ, trong đó chú ý ba nội dung: đảm bảo cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên và giải quyết mâu thuẫn nội bộ.
* Tuy nhiên, nhà trường vừa ký tiếp 25 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với tất cả cán bộ, nhân viên, giảng viên còn lại của trường. Tất cả cán bộ giảng viên của trường sẽ nghỉ việc kể từ ngày 5-4. Cán bộ giảng viên bị đơn phương chấm dứt hợp đồng có quyền gì, ai bảo vệ quyền lợi cho họ?
- Người lao động của trường có quyền yêu cầu nhà trường và bản thân mình cần làm đúng quy định của pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
* Ông Bùi Trúc Lam - thư ký HĐQT Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - cho rằng: “Trong trường hợp xấu nhất trường bị đình chỉ hoạt động, theo quy định các cổ đông vẫn làm lại được. Cùng lắm là xin lại từ đầu tất cả việc mở ngành đào tạo và đăng báo rộng rãi để tuyển giảng viên trong một tuần là có đủ”. Với thực tế hiện nay, nhà trường có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Luật giáo dục đại học và trường có bị đình chỉ hoạt động? Trường hợp nhà trường bị ngừng hoạt động thì có bị giải thể?
- Điều kiện để trường được phép hoạt động đào tạo khi nhà trường thực hiện nghiêm túc khoản 1 điều 23 Luật giáo dục đại học. Trường bị đình chỉ hoạt động đào tạo khi vi phạm khoản 1 điều 25 Luật giáo dục đại học và trường bị giải thể khi vi phạm khoản 1 điều 26 Luật giáo dục đại học.
Luật giáo dục đại học Điều 23: Điều kiện để được cho phép hoạt động đào tạo 1. Cơ sở giáo dục đại học được cho phép hoạt động đào tạo khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học; b) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo; địa điểm xây dựng bảo đảm môi trường sư phạm, an toàn cho người học, người dạy và người lao động theo nội dung dự án đã cam kết; c) Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định; d) Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; đ) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; e) Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Điều 25. Đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học 1. Cơ sở giáo dục đại học bị đình chỉ hoạt động đào tạo trong những trường hợp sau đây: a) Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo; b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 23 của luật này; c) Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền; d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động; đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Điều 26. Giải thể cơ sở giáo dục đại học 1. Cơ sở giáo dục đại học bị giải thể trong những trường hợp sau đây: a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật; b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ; c) Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; d) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục đại học; đ) Không thực hiện đúng cam kết theo dự án được phê duyệt sau thời hạn 5 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận