Trong xã hội Êđê truyền thống, nghề thủ công được phân biệt theo giới tính, nếu như công việc của đàn ông là đan gùi và rèn thì dệt vải và làm gốm là công việc của người phụ nữ. Trong đó dệt vải là công việc rất được xem trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá người phụ nữ, bởi vậy người Êđê vẫn lưu truyền những lời nói vần:
Kmêč mrai thoh rai kơ bruăKngan thâo giêng kđiêng kđêˇč(Người khéo léo biết se, nhuộm chỉBàn tay biết dệt, ngón tay biết đan)
Quá trình tạo ra sản phẩm dệt được tiến hành theo từng bước, để bắt tay vào công việc người phụ nữ phải chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền và các màu để tạo ra hoa văn và 2 bộ công cụ chính là khung giăng sợi và khung dệt. Khung dệt của người Êđê chỉ là những bộ phận chuyên dùng đơn giản, tách rời nhau, được sử dụng trong quá trình tạo ra sản phẩm.
Đầu tiên, họ phải giăng sợi dọc tạo thành thảm dài theo đường khép kín, khi giăng sợi xong, toàn bộ số sợi trên thảm dọc được xếp theo thứ tự hàng và nằm sát vào nhau, ở đầu trên cao của thảm sợi là cây păđ buộc chặt vào sàn nhà hoặc song cửa sổ. Còn cây msa ở đầu dưới thấp tạo thành mặt phẳng nghiêng có độ chênh 45º, được buộc dây (klei), vòng ra sau lưng của người thợ dệt, dựa vào một tấm gỗ có bề mặt cong (kđŭk). Trong khi dệt, người dệt ngồi ngay trên nền nhà hay ghế thấp hai chân duỗi thẳng về trước, đạp vào một thanh gỗ cố định nằm ngang, việc làm này giúp người dệt tự điều chỉnh độ căng của thảm sợi. Sản phẩm dệt là những tấm vải dùng làm chăn, váy, địu, khố túi, quai túi, khăn…; chất lượng vải bền, chắc, dày dặn, mặt vải thô.
Nét độc đáo trong các sản phẩm dệt của người Êđê là các hoa văn thể hiện trên mặt vải, được bố cục chặt chẽ theo chiều dọc tấm vải, với những mô típ hoa văn truyền thống về động vật, thực vật (kđêˇč mnga wăt – dải cánh hoa, boh rui – quả rui, čim ruôi – chim dang cánh,...), về sinh hoạt nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng (kwak čing – dây treo chiêng, knuak – móc xích treo nhạc cụ, gơng kút – cột nhà mồ,... ), về sinh hoạt kinh tế (mnga ktơr - hình hoa ngô, boh dêh – co chỉ, kưi hna – bẫy nỏ... Hoa văn không chỉ có tác dụng trang trí, bởi thông qua hoa văn của trang phục ta có thể biết được người đó thuộc lớp người nào trong xã hội ví như trang phục của tù trưởng, thầy cúng.... Do đó khi dệt vải đồng thời dệt các sọc màu, các dải hoa văn:
Ih kđêˇč kơ gŭ jing rup êmôngKđêˇč kơ dlông jing rup mjaKđêˇč rup krah wah tơl thoh rai kơ bruă(Dệt hoa văn dưới hình con hổDệt hoa văn phía trên hình con chồnDệt hoa văn ở giữa khéo léo không ai bằng)
Người phụ nữ Êđê dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc trong gia đình mà còn làm tặng phẩm cho người thân; những sản phẩm đẹp, độc đáo có thể trao đổi với giá trị bằng một con heo, thậm chí là trâu, bò. Ngày nay, nghề dệt vải đang dần bị mai một, tại các buôn Êđê số người biết dệt thổ cẩm ít dần. Để góp phần bảo tồn nghề thủ công truyền thống này, hàng năm, Bảo tàng Đắk Lắk thường tổ chức các hoạt động trình diễn nghề với sự tham gia của các nghệ nhân dệt vải đến từ buôn Akŏ Dhông, buôn Ju... Thông qua các hoạt động này, du khách có thể trải nghiệm quá trình tạo ra sản phẩm dệt cũng như cảm nhận nét độc đáo của nghề thủ công truyền thống này.
Nguồn: Bảo tàng Đắk Lắk
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận