Khách du lịch tham quan trung tâm TP.HCM trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là nhận định mà các doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị Công tác phòng chống dịch bệnh, tình hình hoạt động du lịch và giải pháp ứng phó với dịch COVID-19, do Tổng cục Du lịch kết hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 20-2.
Phải chung tay kéo khách
Đang tăng trưởng cao, ngành du lịch Việt Nam đã gặp "cú sốc" COVID-19. Nhiều địa phương đang nhộn nhịp đón khách thì đột ngột sụt giảm mạnh lượng khách, thậm chí "trắng khách", trong khi các doanh nghiệp du lịch vừa gồng mình phòng chống dịch, vừa giải quyết các tình huống phát sinh.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Asia Trails, cho biết lượng khách đặt tour mới từ nay đến cuối năm hiện rất thấp, gần như không có khách mới cho đến tháng 10-2020. Dù không hủy tour đã đặt, nguồn khách mới đến từ châu Âu chần chừ đặt tour vì không biết diễn biến dịch sẽ như thế nào trong những tháng cuối năm.
Nếu đặt mua tour sớm mà không thể đi được sẽ rất dễ bị mất tiền, doanh nghiệp nhận tour cũng bị phạt.
"Nếu các khách sạn có chương trình kích cầu giảm giá và chính sách cho hủy, trả phòng linh hoạt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm nguồn khách mới bù lại" - bà Tiên gợi ý.
Theo bà Tiên, điều doanh nghiệp cần lúc này là các đơn vị trong hệ sinh thái như cơ sở lưu trú, điểm đến... có thể ngồi lại cùng thống nhất, có chính sách linh hoạt trong trường hợp hủy tour, tuyến như cho phép khách hủy trước ba ngày mà không bị phạt. Nếu có hẳn một chính sách riêng này, khách sẽ an tâm mua tour, chứ không phải chần chừ như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng ngành du lịch đang có chiến dịch truyền thông về điểm đến an toàn với các đối tác, du khách quốc tế thì cũng cần nhất quán. Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Việt Nam có cơ hội để trở thành quốc gia chống dịch hiệu quả, tiếp tục thu hút du khách. Tuy nhiên, khi khách đến trước cửa, chúng ta lại bảo "không vào được" như một số địa phương từ chối các đoàn tàu biển thời gian gần đây.
"Cùng một chuyến tàu nhưng có cảnh ở tỉnh này đón, tỉnh khác lại từ chối. Chúng ta đang đẩy mạnh truyền thông du lịch an toàn, chống dịch nhưng vẫn không quên nhiệm vụ thu hút khách quay lại. Vì vậy nên có một hành xử thống nhất, tránh lúng túng trong ban hành các chính sách, các DN gặp khó lại càng khó hơn" - ông Tài đề nghị.
Nhiều chương trình kích cầu du lịch
Ông Nguyễn Đăng Cường, trưởng phòng phát triển bán và tiếp thị Vietnam Airlines, cho biết để chung tay cùng ngành du lịch phục hồi sau dịch bệnh, Vietnam Airlines đang chủ động đưa ra các chương trình kích cầu ở cả 3 mảng nội địa, inbound và outbound. Theo đó, hãng này đã triển khai chương trình vé khuyến mãi cho khách lẻ, với nhóm khách đoàn sẽ có mức giảm riêng để doanh nghiệp có thể kết nối với các dịch vụ còn lại trong một gói tour hoàn chỉnh.
"Chương trình năm nay diễn ra trong bối cảnh nhu cầu của thị trường đang rất cao, tâm lý người dân ngày nay là rất muốn và sẵn sàng đi du lịch nhưng lại đang bị nỗi sợ dịch COVID-19 cản trở. Vì vậy, nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, tâm lý du khách được trấn an, chương trình kích cầu sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều so với chương trình các năm trước" - ông Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết ngành du lịch Việt Nam đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khai chương trình Du lịch Việt Nam an toàn. Dự kiến triển khai cuối tháng 2-2020 nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến Việt Nam, đồng thời tích cực quảng bá giới thiệu điểm đến Việt Nam với du khách nước ngoài để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chương trình hành động mà cơ quan này đang hoàn thiện có 5 nhóm vấn đề gồm thuế, các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, chính sách thông thoáng thị trường (visa), đẩy mạnh chương trình xúc tiến, quảng bá và cuối cùng là các chính sách hỗ trợ lao động việc làm, khắc phục hậu quả dịch bệnh.
"Với chương trình kích cầu du lịch chung cả nước, doanh nghiệp đều nhận thức rõ chỉ có chung tay, liên kết, cùng quyết tâm... mới vực dậy được thị trường. Các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá, đề xuất TP tăng thêm kinh phí cho hoạt động này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang làm việc với các bộ ngành khác để thúc đẩy các phương án hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch" - ông Siêu thông tin.
Chương trình hành động "Du lịch Việt Nam an toàn"
Du khách Hàn Quốc tham quan cửa hàng đồ lưu niệm tại chợ Hàn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Theo dự thảo xây dựng tiêu chí cho chiến dịch "Du lịch Việt Nam an toàn" đang được Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến, các doanh nghiệp lữ hành phải có biện pháp theo dõi sức khỏe của hướng dẫn viên sau tour, giữ liên lạc với khách du lịch ít nhất trong vòng 14 ngày. Nếu có trường hợp (nghi) nhiễm dịch COVID-19 phải kịp thời báo ngay các cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải rà soát kỹ danh sách khách trong tour để đảm bảo không có khách đến từ vùng có dịch, hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cũng theo dự thảo, "Du lịch Việt Nam an toàn" là một chương trình hành động của ngành du lịch với các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch và các đối tượng tham gia hoạt động du lịch trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Theo đó, cần triển khai các biện pháp bảo vệ du khách, điểm đến như bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay, hướng dẫn khách thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh... Bố trí khu vực cách ly cho khách nghi nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Chính sách hỗ trợ cần bám sát thực tiễn
Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, tổng giám đốc Công ty CP du lịch Hòa Bình, cho biết DN này vừa hoàn thiện một dự án khách sạn 5 sao, chuẩn bị đưa vào hoạt động nhưng dịch nổ ra khiến DN bị thiệt hại nặng do mất trắng lượng khách Trung Quốc, khách nội địa cũng giảm đến 80%. Tuy nhiên, khi DN làm đề xuất việc hỗ trợ, ngân hàng cho biết chỉ khoanh nợ cho những dự án đã hoạt động. "Thiệt hại là thấy rõ nên các chính sách hỗ trợ của ngân hàng cũng phải bám sát thực tế" - bà Lệ nói.
Theo bà Thượng Mỹ An - tổng giám đốc Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn, các gói hỗ trợ hiện nay cũng chưa đề cập đến những DN đặc thù như đơn vị tổ chức hội chợ. "Chúng tôi là một phần của du lịch MICE, dịch bệnh xảy ra thì lượng khách tham dự hội chợ cũng hủy, mất khách, chúng tôi mong muốn xem xét giảm tiền thuê đất để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn" - bà An chia sẻ.
TP.HCM xây dựng chiến lược du lịch
Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 ngày 20-2, đại diện Công ty Roland Berger, đơn vị tư vấn chiến lược dự án này, cho rằng ẩm thực, văn hóa và di sản cùng mua sắm là ba sản phẩm du lịch trọng điểm TP.HCM sẽ được tập trung để xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM.
Do đó, TP phải nghĩ đến nhiều cách thức, thậm chí cần sửa đổi các quy định và quy trình hỗ trợ để kích thích chi tiêu của du khách nhiều hơn.
Chiến lược đã xác định tầm nhìn du lịch TP.HCM đến năm 2030 trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, lối sống trong một TP thông minh, mang đến sự hứng khởi và cảm xúc trên mỗi hành trình.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện chiến lược đúng đắn sẽ đưa TP.HCM vào top các điểm đến toàn cầu và khu vực cũng như cải thiện thời gian lưu trú của khách quốc tế và duy trì thời gian lưu trú khách nội địa.
Dự thảo chiến lược dự kiến được giới thiệu chính thức vào quý 2-2020, sau khi được lãnh đạo TP.HCM thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận