Các hàng ăn vặt sử dụng lòng đường làm chỗ để xe cho khách trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Duyên Phan |
Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này nhưng khi đi vào thực tế không hẳn dễ giải quyết. Hơn thế nữa, xử lý sao cho "có lý có tình" lại càng khó hơn.
Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu hiến kế của bạn đọc Lê Nguyễn Ái Dân:
"Không riêng gì TP.HCM mà những nơi khác trên cả nước đều cùng cảnh ngộ về cách xử lý khi người dân buôn bán trên vỉa hè, lòng đường trái phép.
Nhiều ngày qua, tôi thường xuyên thấy cảnh người dân buôn bán vỉa hè bị các anh dân phòng và công an đuổi bắt. Tôi cảm thấy lo lắng cho những người đó vì họ sẽ làm gì ra tiền khi không còn chỗ bán? Người dân không biết xin ở đâu để được bán đúng phép thì phải bán trái phép thôi.
Nếu tôi làm lãnh đạo TP.HCM, tôi sẽ giải quyết vấn đề trên theo nguyên tắc: Phải biết những trường hợp nào cần phải cấm và những trường hợp nào cho phép nhưng hạn chế trong một khung giờ nhất định.
Xin hiến kế và đặt hàng lãnh đạo TP.HCM của cá nhân tôi
* Những trường hợp cần phải cấm:
+ Những cơ sở kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe, bàn ghế, ô dù... như quán cà phê, quán bún, phở, tiệm bánh kẹo... có mặt bằng nhưng vì tham lam muốn có thêm diện tích để kinh doanh nên lấn chiếm trái phép mặt đường, vỉa hè...
+ Những người lấn chiếm gần hết hoặc hết toàn bộ phần vỉa hè, không còn nơi dành riêng cho người đi bộ.
+ Những người buôn bán trên vỉa hè, lòng lề đường gây cản trở giao thông, kẹt xe, mất an ninh trật tự...
+ Những người chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường trong thời gian liên tục và thường xuyên trong một ngày và nhiều ngày.
* Những trường hợp cho phép nhưng hạn chế trong một khung giờ nhất định:
+ Nơi có vỉa hè, lòng lề đường rộng người đi bộ có thể đi nhưng chỉ cho phép người buôn bán trong một diện tích nhỏ (bằng hoặc nhỏ hơn 2m2)
+ Người buôn bán trên vỉa hè không gây bất kỳ cản trở giao thông, không gây mất an ninh trật tự.
+ Người buôn bán chỉ được bán trong một thời gian quy định cũng như trong các ngày lễ, tết.
Về lâu dài, cần phải tạo điều kiện giúp những người buôn bán vỉa hè có một công việc ổn định với thu nhập tương đương việc buôn bán ngoài vỉa hè, hoặc tạo điều kiện cho họ có một chỗ bán hợp pháp để an cư lạc nghiệp.
Xin nói thêm, tình trạng buôn bán trên vỉa hè nhiều như hiện nay là do một phần lỗi của Nhà nước vì chưa tạo việc làm cho mọi người. Đồng thời, người lao động còn khó khăn nên nhu cầu mua những sản phẩm, hàng hóa rẻ là điều tất yếu nên người buôn bán vỉa hè đáp ứng được nhu cầu đó cũng là hợp lý.
Giả sử bây giờ “dẹp” hết những người buôn bán vỉa hè, khi đó người lao động muốn ăn một gói xôi hay hộp bánh ướt thì mua ở đâu? Vào siêu thị chăng?
Muốn vỉa hè, lòng lề đường không còn ai buôn bán thì cần có lộ trình cũng như giúp đỡ người dân chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tạo điều kiện cho họ có chỗ kinh doanh phù hợp".
Tuổi Trẻ làm cầu nối Song song với việc đăng các ý kiến ở phần BÌNH LUẬN dưới từng bài viết, bắt đầu từ ngày 18-2, Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) sẽ mở thêm chuyên mục “Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM” để người dân có thể chuyển những ý kiến hiến kế cũng như kỳ vọng của mình đến lãnh đạo TP.HCM. Các ý kiến hay sẽ được đăng tải trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ hoặc chuyển trực tiếp đến những người có trách nhiệm. Kính mời bạn đọc gởi ý kiến đóng góp, hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM về địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc gởi qua địa chỉ email: [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận