15/03/2019 09:58 GMT+7

Dẹp nạn chiếm dụng phí bảo trì chung cư: Xóa quyền thu của chủ đầu tư?

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Nhiều chủ đầu tư thu phí bảo trì chung cư rồi tìm cách chiếm dụng. Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị không nên để chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Dẹp nạn chiếm dụng phí bảo trì chung cư: Xóa quyền thu của chủ đầu tư? - Ảnh 1.

Ban quản trị chung cư Newtown (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhiều năm chưa nhận được kinh phí bảo trì - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết đề nghị này xuất phát từ thực tế tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay.

Xử phạt chủ đầu tư không ăn thua!

Ông Lưu Quốc Thái, trưởng ban quản trị (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), cho biết hiện chung cư này đang bị lỗi hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng không có kinh phí để sửa vì chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thái Bình Dương) chưa bàn giao .

Ông Thái cho biết ông mua căn hộ tại chung cư Newtown năm 2009, hợp đồng mua bán căn hộ có ghi rõ giá bán đã bao gồm 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư, tính ra khoảng 20 triệu đồng. Cùng năm đó, chung cư đi vào hoạt động.

Ban quản trị chung cư đầu tiên được công nhận từ năm 2013, nay đã đến nhiệm kỳ ban quản trị thứ 3 nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì.

Năm 2017, ban quản trị gửi văn bản cho UBND TP đề nghị cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì chung cư theo Luật nhà ở 2014. UBND TP chuyển đơn cho Sở Xây dựng TP và cuối cùng cư dân nơi đây được trả lời là chưa có quy trình cưỡng chế nên không thể cưỡng chế chủ đầu tư được.

Tháng 7-2018, UBND TP xử phạt chủ đầu tư chung cư vì hành vi chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Quyết định xử phạt cũng buộc chủ đầu tư phải bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chưa giao kinh phí bảo trì chung cư cho ban quản trị chung cư.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc này, đại diện Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thái Bình Dương cho biết công ty đang khó khăn nên không có tiền trả kinh phí bảo trì cho cư dân!

Tương tự, tháng 10-2018, UBND TP cũng đã xử phạt chủ đầu tư chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) và buộc bàn giao ngay kinh phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị chung cư này.

Nhưng cho đến nay ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương vẫn chưa nhận được kinh phí bảo trì khiến việc bảo trì, sửa chữa những trang thiết bị lớn trong chung cư gặp khó khăn.

Chưa có chủ đầu tư nào bị cưỡng chế

Luật nhà ở quy định chủ đầu tư khi bán căn hộ cho khách hàng phải thu thêm 2% giá trị căn hộ làm kinh phí bảo trì. Đến khi chung cư có ban quản trị thì chủ đầu tư phải chuyển kinh phí này cho ban quản trị.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết đã xảy ra nhiều tranh chấp từ việc chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì chung cư. Các tình huống tranh chấp thường gặp là chủ đầu tư tìm cách chiếm dụng kinh phí bảo trì bằng cách trì hoãn thời hạn bàn giao.

Cụ thể như không tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, trì hoãn việc đối chiếu sổ sách để xác định số tiền phải bàn giao, hoặc chủ đầu tư cho rằng ban quản trị chưa có con dấu nên chưa giao...

Hiện có đến 34 chung cư trên địa bàn TP có tranh chấp về kinh phí bảo trì chung cư.

Theo ông Hải, Luật nhà ở quy định chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND TP ra quyết định cưỡng chế. UBND TP.HCM đã ủy quyền cho Sở Xây dựng TP ra quyết định cưỡng chế.

"Luật nhà ở quy định cưỡng chế tài khoản của chủ đầu tư, nếu tài khoản không còn tiền thì cưỡng chế tài sản khác. UBND TP giao cho Sở Xây dựng TP soạn thảo quy trình cưỡng chế.

Sở Tư pháp TP đề nghị Sở Xây dựng xin ý kiến của Bộ Xây dựng về quy trình này nhưng bộ chưa trả lời nên đến nay chưa có trường hợp nào bị cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì chung cư" - ông Hải cho biết.

Giao ban quản trị chung cư thu phí bảo trì?

Để giải quyết những tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì nhà chung cư, Sở Xây dựng TP đề xuất điều chỉnh nội dung cưỡng chế kinh phí bảo trì nhà chung cư theo hướng để các bên khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án.

Về lâu dài, Sở Xây dựng TP kiến nghị bỏ cơ chế chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì chung cư trong giá bán như hiện nay.

Sở Xây dựng TP đề xuất: "Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu trong quá trình quản lý sử dụng, số tiền thu sẽ do hội nghị nhà chung cư quyết định".

Kiến nghị này của Sở Xây dựng được nhiều người dân sống ở chung cư ủng hộ, nhưng các thành viên ban quản trị chung cư lại phản đối.

Ông Nguyễn Quốc Tú, phó ban quản trị chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 (Q.7), cho rằng ban quản trị khó thu được kinh phí bảo trì này.

"Ban quản trị chỉ là đại diện của cư dân, không có quyền buộc cư dân đóng phí, không được chế tài, không có quyền cưỡng chế... thì làm sao thu đủ kinh phí bảo trì được? Phí quản lý chung cư hằng tháng với số tiền không nhiều mà việc vận động người dân đóng đủ, đúng thời hạn còn khó khăn" - ông Tú nêu khó khăn.

Cùng chung ý kiến với ông Nguyễn Quốc Tú, ông Lưu Quốc Thái cho rằng đề xuất nói trên của Sở Xây dựng TP khó khả thi.

212 chung cư chưa thành lập ban quản trị

Một số chung cư chưa thành lập ban quản trị vì chủ đầu tư chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư nhằm tiếp tục nắm giữ kinh phí bảo trì và quyền quản lý chung cư.

Đây là thông tin do Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra tại hội nghị chuyên đề công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn TP, ngày 14-3.

Theo Sở Xây dựng TP, trên địa bàn TP hiện còn 212 chung cư chưa thành lập ban quản trị. Ngoài nguyên nhân do chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, còn có nguyên nhân do chủ đầu tư muốn quản lý, sử dụng diện tích sử dụng chung của chung cư.

Bên cạnh đó, ở một số chung cư có tình trạng cư dân không quan tâm đến công tác quản lý chung của chung cư như không tham dự hội nghị nhà chung cư khiến các hội nghị không đạt tỉ lệ chủ sở hữu tham gia nên không thành công hoặc không có người ứng cử, đề cử vào ban quản trị chung cư.

D.N.HÀ - PH.TUẦN

Gửi phí bảo trì vô ngân hàng

Theo ông Lưu Quốc Thái, vẫn để chủ đầu tư thu phí bảo trì chung cư khi thu tiền mua căn hộ của khách hàng. Trong hợp đồng mua bán căn hộ phải ghi rõ số tiền đóng phí bảo trì chung cư.

Nếu khách hàng đóng tiền mua nhà qua ngân hàng thì ngân hàng phải trích phần kinh phí bảo trì chuyển vô một tài khoản riêng khác với tài khoản của chủ đầu tư và tài khoản này sẽ bị phong tỏa.

Nếu khách hàng đóng tiền trực tiếp cho chủ đầu tư thì tự nộp phần kinh phí bảo trì chung cư vô tài khoản riêng này.

Khi khách hàng mua nhà được ngân hàng xác nhận đã đóng kinh phí bảo trì chung cư thì chủ đầu tư mới giao nhà. Khi nào chung cư có ban quản trị được Nhà nước công nhận thì ngân hàng sẽ chuyển giao tài khoản này cho ban quản trị chung cư.

Khi chủ đầu tư cố tình ôm tiền phí bảo trì

TTO - Theo ông Hà Quang Hưng - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chủ đầu tư của 507 chung cư thương mại tại Hà Nội đang giữ lại 2% phí bảo trì chung cư, gây khó khăn cho việc bảo trì các tòa nhà.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp