15/11/2005 04:25 GMT+7

Dẹp mãi lộ và quan liêu cho doanh nghiệp hội nhập

Theo Giao thông vận tải
Theo Giao thông vận tải

Chậm nhất, đầu năm 2007 Trung Quốc và một số nước đã có thể được đưa xe vào VN kinh doanh vận tải. Cuộc cạnh tranh sẽ thật sự khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải VN, bởi đa số các doanh nghiệp vận tải vốn quy mô nhỏ bé này đang cực kì khó khăn bươn chải trong môi trường kinh doanh không lành mạnh, đặc biệt với tệ mãi lộ và quan liêu.

gSddLUvY.jpgPhóng to
Chậm nhất, đầu năm 2007 Trung Quốc và một số nước đã có thể được đưa xe vào VN kinh doanh vận tải. Cuộc cạnh tranh sẽ thật sự khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải VN, bởi đa số các doanh nghiệp vận tải vốn quy mô nhỏ bé này đang cực kì khó khăn bươn chải trong môi trường kinh doanh không lành mạnh, đặc biệt với tệ mãi lộ và quan liêu.

Mãi lộ tham gia vào giá thành vận tải

“Tôi dám cá với quý vị là doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào kinh doanh ở VN được, vì không ai có thể chịu nổi tới 30% chi phí cho mãi lộ”.

Quá bức xúc với tệ mãi lộ đang làm cho doanh nghiệp điêu đứng, ông Võ Thanh Tùng - Giám đốc doanh nghiệp Thanh Tùng - doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải lâu đời nhất và hiện có số đầu xe lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy tại cuộc Hội thảo về hội nhập quốc tế do VCCI vừa tổ chức.

Đương nhiên mãi lộ không thể ngăn chặn được các doanh nghiệp vận tải nước ngoài tham gia vào thị trường VN. Hiện tại, nó chỉ đáng kể đến mức trở thành yếu tố gia tăng giá thành vận tải của các doanh nghiệp vận tải VN hiện nay.

Mãi lộ như cái vòng luẩn quẩn cứ tái diễn mãi đối với người khó. Thực hiện nghiêm các quy định thì chắc chắn lỗ, chở quá tải, chạy nhanh để kiếm thêm cước phí, xăm lốp cũ mòn vẫn tận dụng, hỏng hóc chỗ nọ chỗ kia chưa vội thay để giảm chi thì lại phải “làm luật” nhiều.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh cho hay: Xe tôi vừa kiểm định ra, xăm lốp mới, khói xịt ít, hàng chở đúng trọng tải, chững chạc đi qua trạm kiểm soát của Công an, thì: “sao đồng hồ xe lại không chạy?” thế là ít nhất cũng 200.000 đồng tài xế phải vội đưa ngay cho đồng chí công an để chạy chuyến hàng chưa tới một triệu tiền cước.

Tóm lại là có hàng ngàn các lý do khiến cảnh sát có cớ để vòi tiền lái xe, và để có tiền chi phí cho cảnh sát thì không thể thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp được.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN đưa ra một con số về chi phí cho mãi lộ: 30% tổng giá thành vận tải. Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các minh chứng cho con số này.

Quan liêu cũng làm khó cho doanh nghiệp

Rất khó có thể cân đối được tài chính trong tình hình hiện nay, khi các chi phí đầu vào tăng cao, mà ở đầu ra, giá cước vận tải không được phép tăng theo.

Công ty cổ phần xe khách Quảng Ninh là doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách có uy tín trên thương trường, rất năng động trong thời kì hơn 10 năm đổi mới vừa qua, công tác quản trị doanh nghiệp rất chặt chẽ. Song thời gian qua tình hình kinh doanh vận tải của Công ty có thể tóm tắt là: Thu không đủ bù chi.

Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty Cổ phần xe khách Quảng Ninh - ông Đoàn Công Giáo đưa ra một bản hạch toán cụ thể cho thấy: So với năm 2003, 9 tháng đầu năm 2005, các yếu tố giá thành hầu hết đều tăng.

Đặc biệt nhiên liệu tăng 65,13%, vật liệu bôi trơn tăng 59,15%, khấu hao, lương, bảo hiểm đều tăng 33 - 36%, đã kéo tổng chi phí tăng 32,74% và giá thành sản phẩm tăng 63,02%. Trong khi đó giá bán ra giữ nguyên từ năm 1997 đến tháng 10/2005 vừa qua mới tăng 14,29%.

Hạch toán cho thấy mỗi chiếc xe khách 29 chỗ ngồi chạy tuyến Hạ Long - Hà Nội 175km từ năm 2004 đã thu không đủ chi và đến nay chịu lỗ 7.825.000 đồng/tháng.

Có quá nhiều yếu tố thuộc phạm vi quản lý, hành chính, chính sách thuế, phí và lệ phí v.v... không tuân theo quy luật điều tiết của thị trường cùng cộng hưởng đã làm khó cho hoạt động kinh doanh vận tải ôtô:

Giá xe ôtô của VN lắp ráp, giá thành xe nhập khẩu vào VN quá cao so với các nước trong khu vực. Một ví dụ có thể thấy rõ điều này là giá xe ôtô nhập khẩu vào CHDCND Lào hiện chỉ bằng 60% giá xe nhập khẩu vào VN, nên nhiều người VN sang Lào mua xe, đăng kí rồi đưa về VN chạy. Giá xe cao kéo theo khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn, bảo hiểm, thay thế phụ tùng cao theo.

Phí cầu đường, theo quyết định của Bộ Tài chính là mỗi trạm thu phí cách nhau không dưới 70km, nhưng thực tế không bảo đảm.

Ví dụ tuyến đường từ Hà Nội đi Hải Phòng có 100km, lái xe phải qua 2 trạm thu phí, bình quân 50km/trạm. Hay từ Hà Nội đi Quảng Ninh có 175km nhưng có đến 4 trạm thu phí, bình quân 43,7km/trạm. Điều này cũng làm tăng giá thành vận tải...

Thua trên sân nhà

Không bàn đến việc hội nhập sẽ mở mang làm ăn ra sao, ông Nguyễn Thành Lộc chủ nhiệm HTX Thành Tuyên có 68 đầu phương tiện, 155 lái phụ xe thành thật phát biểu:

Đa số phương tiện của HTX có tuổi xe cao 15 - 20 năm, thuế khoá cao, chi phí “làm luật” quá nặng nề, nên HTX gần như không có tích luỹ để mua sắm, sửa chữa ở mức cần thiết. HTX chỉ mong cấp trên tháo gỡ cho một số khó khăn để đứng vững được, chứ chưa dám nghĩ đến phát triển trong vòng vài năm trước mắt.

Ông Vũ Văn Tuyến - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty TNHH Hoàng Long cũng cho biết: Hiện Công ty đang tham gia vận tải với 3 tuyến là Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Quảng Ninh.

Mặc dù công tác quản lý làm rất chặt chẽ, bài bản song hiện thu không đủ chi, tích luỹ không có.

Doanh nghiệp rất muốn đầu tư chạy tuyến đường dài Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tới đây. Muốn đầu tư vào tuyến này chạy cho ra chất lượng cần đầu tư khoảng 50 xe - không dưới 100 tỉ đồng.

Đây là số tiền lớn, Hoàng Long đã đặt vấn đề hợp tác với 1 số doanh nghiệp khác song không thành công vì không huy động được tiền. Các doanh nghiệp đều khó khăn về tài chính do tích luỹ vốn thời gian dài vừa qua không đáng kể.

Thử tưởng tượng tại thời điểm này 2 năm sau, việc một doanh nghiệp nước ngoài đưa vào tuyến vận tải xương sống này 100 xe, thậm chí 200 hay 300 xe khách chất lượng cao.

Với số tiền đầu tư 200 - 300 tỉ đồng VN, họ có thể làm chủ được tuyến vận tải này. Khả năng tài chính của các doanh nghiệp, như Trung Quốc chẳng hạn, là hoàn toàn có thể.

Theo Hiệp hội vận tải ôtô VN, với tổng số khoảng 170.000 xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, 200.000 xe kinh doanh vận tải hàng hoá thuộc 2.500 doanh nghiệp và 40.000 hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vận tải ôtô VN sẽ rất khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế, thậm chí thua ngay trên sân nhà nếu không có những nỗ lực đổi mới trên cả 2 góc độ: Tự thân doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Việc xây dựng phương án kinh doanh, đổi mới quản lý thậm chí hợp tác với doanh nghiệp khác để vươn lên trong cơ chế thị trường là nỗ lực của tự thân các doanh nghiệp, mà Nhà nước, các cơ quan ban ngành chỉ có thể cung cấp được những thông tin, hỗ trợ có tính chất tư vấn.

Làm lành mạnh môi trường kinh doanh hiện nay là việc sớm loại bỏ tệ mãi lộ và quan liêu càng sớm càng tốt, đó là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn.

Môi trường đầu tư lành mạnh đã làm nên ít nhất một nửa thành công của các doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp vận tải ôtô VN khi thời điểm hội nhập đã cận kề.

Theo Giao thông vận tải
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp