17/10/2018 12:39 GMT+7

Dẹp loạn tiếng ồn, phải làm ngay!

KIM SƠN - BẠCH MAI
KIM SƠN - BẠCH MAI

TTO - Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn với kiểu "tra tấn" bằng karaoke trong khu dân cư. Nó là nguyên nhân của hiềm khích, tổn thương tình đoàn kết. Những vụ án nghiêm trọng này sẽ còn xảy ra nếu pháp luật không mạnh tay.

Dẹp loạn tiếng ồn, phải làm ngay! - Ảnh 1.

Công viên bờ biển TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có thông báo cấm ca hát, nhưng người dân vẫn hát đến tận khuya (ảnh chụp lúc 23h30 tối 10-10) - Ảnh: NHẬT DUYÊN

Nơi nơi, người dân già, trẻ, lớn, bé, người đang ốm nặng đến trẻ sơ sinh; người sống gần cửa hàng kinh doanh nơi thành thị, ở từng xóm trọ đến mọi miền quê đều phải chịu tình trạng ca hát mở loa âm thanh to hết cỡ. Kêu cứu với ai?

Bạn tôi bức xúc kể: có lần thử gọi đường dây nóng xử lý tiếng ồn của thành phố (trong giờ làm việc), không ai bắt máy. Ngoài giờ hành chính, nếu hàng xóm gây tiếng ồn, đặc biệt từ 22h đến 6h sáng hôm sau, người dân biết gọi cho ai? Gọi công an phường hay UBND phường, xã? Phản ảnh chuyện này, thậm chí người dân đã làm đơn, chính quyền lại bảo: không có thiết bị đo tiếng ồn. Cũng như không!

Hàng chục năm qua, báo chí bao lần phản ánh chuyện này, bao lần có thương vong do người dân "tự xử" vì không chịu đựng nổi tiếng ồn. Lãnh đạo vài nơi cũng phát biểu: sẽ có biện pháp quản lý, chấn chỉnh... nhưng rồi đâu lại vào đấy với 1.001 lý do: phường thiếu nhân lực, thiếu phương tiện kỹ thuật - thiết bị đo đạc, thiếu chứng cứ để lập biên bản cụ thể, không thể phạt, tịch thu phương tiện... Kẻ gây ồn vẫn vô tư hát hò, phá vỡ không gian sống mà ai cũng mong ước là văn minh, trong lành, an bình.

Được biết ngày 20-5-2018, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ảnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời lập đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý tiếng ồn.

Đây là chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn thành phố. Luật cũng đã quy định việc gây ồn ào nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc bị phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng. 

Nếu mở nhạc gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 17 nghị định 155/2016 từ 1 triệu đến 160 triệu đồng. Có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điểm a, b khoản 1; khoản 3 điều 6 nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Chúng ta chờ đợi và hi vọng nạn "tra tấn" bằng tiếng ồn phải bị dẹp bỏ tận gốc. Cần chỉnh sửa quy định xử phạt: không chỉ sau 22h như quy định hiện nay. Công khai số điện thoại đường dây nóng phụ trách xử lý tiếng ồn từ phường, xã, quận, huyện, bảo đảm hoạt động 24/24 giờ để người dân phản ảnh trực tiếp và nêu rõ thời hạn cơ quan chức năng đến xử lý. Có thể cho phép trích tỉ lệ phạt để trang trải xăng xe và mua sắm thiết bị đo đạc, bồi dưỡng người thực thi chức trách về đêm.

Nếu thực sự quyết tâm, dẹp loạn tiếng ồn, trả lại môi trường sống thanh bình, yên lành cho cộng đồng có lẽ không có gì khó. Chỉ e rằng lập đường dây nóng để đó, mà lòng người thực thi chức trách nguội lạnh thì e rằng dân sẽ phải mãi kêu cứu vì tiếng ồn!

Cấm pháo dễ hơn... cấm gây tiếng ồn

Nhạc xập xình từ các khu biệt thự, chung cư đến những nhà trọ, những khu xóm trọ cũng rền rĩ tiếng nhạc. Tiếng hát riết róng vào tai mọi người như một sự thách thức mang màu sắc bạo lực.

Sao có thể chịu được khi sau ngày làm việc mệt nhọc cứ phải ôm đầu, bịt tai với âm thanh riết róng. Người bệnh cần tĩnh dưỡng vẫn phải buốt óc, đau tim. Trẻ con học bài phải trầy trật giữa sách vở với “vì sao anh nhớ em thế này”, “phận là con gái chưa một lần yêu ai”, “tình em như núi cao biển rộng”... Rất nhiều lời than phiền đầy phẫn nộ chứa đựng cả sự nhẫn nhục đến từ những nạn-nhân-không-lối-thoát này. Việc ô nhiễm âm thanh vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và đang trở thành thảm họa tấn công thô bạo chất lượng cuộc sống của người dân.

Đừng nghĩ đơn giản: “mốt” ca hát này sẽ tự “xẹp”. Cũng đừng nên nghĩ một cách quá... kỹ thuật “phải vượt qua bao nhiêu đề-xi-ben, hay phải qua 22h đêm mới là vi phạm”. Chờ đến lúc phong trào tự suy tàn chắc người dân... chết vì kiệt sức!

Việc đo cường độ âm thanh chỉ thích hợp với tiếng ồn của nhà máy, của các công trình xây dựng, của các trục lộ giao thông hoặc khu vực xung quanh bệnh viện. Còn tiếng ồn từ chuyện hát karaoke gia đình, hàng xóm có thể “đo” hằng ngày. Sự ồn ào đâu cần sử dụng đến máy đo! Cứ nhìn vào người dân, dân không chịu không nổi nữa thì biết.

Chuyện đốt pháo là truyền thống ngày tết còn cấm được (từ năm 1995 đến nay). Chuyện hát karaoke hoặc các thể loại gây ô nhiễm tiếng ồn khác sao lại không thể giải quyết cho dân bớt khổ sở? Vấn đề nằm ở chỗ các bộ phận quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến “nỗi khổ nhiều tập” này!

Ca hát để giải trí là nhu cầu của mỗi người, nhưng xin đừng gây thêm căng thẳng, bức xúc cho nhau nếu tiếng ồn bất chấp thời gian, không gian!

KIM SƠN - BẠCH MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp