Trong khi đó, một số quận huyện khi được Tuổi Trẻ hỏi đã cho hay rằng có tăng cường kiểm tra nhưng việc xử phạt... không dễ.
Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, một số người dân cho biết sau khi có chỉ đạo quyết liệt của chủ tịch UBND TP.HCM, tình trạng karaoke "hung thần" có vẻ lắng lại.
Nhiều người dân trông đợi lần này cơ quan chức năng xử lý triệt để đến nơi đến chốn, đừng chỉ hô hào rồi quên như bao năm qua.
"Tôi mong chính quyền quyết liệt"
Phản ảnh về tình trạng karaoke ầm ĩ tại quán nhậu gần nhà mình trên đường Kênh Tân Hóa (P.Hòa Thành, Q.Tân Phú), anh T. bức xúc: "Họ hát suốt ngày, hát tới tận 11h đêm vẫn không nghỉ. Người dân đã báo công an phường nhiều lần nhưng vẫn đâu vào đó. Nhiều hôm tôi phải uống thuốc ngủ nhưng cũng không ngủ được vì quá ồn".
Chị Lê Thị Ngọc Châu (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) cho biết thời gian gần đây tình trạng tụ tập nhậu nhẹt, ca hát ồn ào vốn quen thuộc tại xóm trọ của chị đã giảm rất nhiều.
"Lúc trước không đợi tới cuối tuần mà ngày nào cũng vậy, cứ chiều chiều là đàn ông trong xóm tụ lại nhậu nhẹt, mở loa hát tưng bừng tới khuya. Có khi 2, 3 chỗ hát một lượt, không nghe được gì. Từ sau tết thì tình trạng này cũng giảm đáng kể, có thể họ sợ dịch bệnh, hơn nữa gần đây báo đài nói nhiều về việc chính quyền sẽ xử lý nghiêm nên họ cũng e dè" - chị Châu kể.
Chị Châu bày tỏ mong muốn sự bình yên này sẽ kéo dài để người lớn được nghỉ ngơi, trẻ em được tập trung học hành.
Anh Minh ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (P.1, Q.3) nói trước đây một số người dân tại chung cư cứ tối đến là mở nhạc hát um sùm, có người còn kéo loa ra hành lang chung cư rồi rủ bạn lại hát hò. "Chung cư khép kín mà hát hò ồn ào như vậy thử hỏi ai chịu nổi, đi học, đi làm về gặp cảnh đó chỉ có mệt thêm. Tôi mong chính quyền quyết liệt dẹp bỏ vấn nạn này" - anh Minh đề nghị.
Thông tin về việc kiểm tra, xử lý tình trạng hát karaoke gây ồn đã được thông báo đến cư dân chung cư Khang Gia, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các quận kêu khó
Bà Nguyễn Thị Thu Nga - phó chủ tịch UBND Q.10 - cho biết từ trước tới nay quận vẫn duy trì việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp karaoke gây ồn. Nhiều trường hợp người dân phản ảnh quận đã chỉ đạo phường đến nhắc nhở, nếu còn vi phạm sẽ lập biên bản và xử phạt hành chính.
Theo bà Nga, dịp tết vừa qua tình trạng này giảm đáng kể, quận không nhận được phản ảnh nào của người dân. Bà Nga cũng cho biết chưa có trường hợp nào cố chấp đến mức vẫn vi phạm dù đã được nhắc nhở dẫn tới phải chế tài nặng.
Ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - cho hay sau chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, quận càng siết chặt việc kiểm tra, xử lý.
Quận đã chỉ đạo cho lãnh đạo các phường tập trung xử lý các trường hợp karaoke dùng loa "kẹo kéo", thường tụ tập hát hò sau các buổi tiệc gây ảnh hưởng hàng xóm.
Nhóm thứ hai là các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke, nhóm này thường do đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý về vấn đề tiếng ồn, an toàn phòng cháy chữa cháy, ánh sáng...
Cả lãnh đạo Q.10 và Q.Gò Vấp đều cho biết việc xử lý tiếng ồn rất khó do khó xác định được cường độ âm thanh có vượt quá quy chuẩn hay không vì không có máy móc chuyên dụng. Một lãnh đạo UBND P.11, Q.Bình Thạnh cho biết hiện nay để đo tiếng ồn thì phải báo cáo, liên hệ với Phòng tài nguyên và môi trường quận bởi phường không có thiết bị.
"Hiện nay nếu nhận được phản ảnh của người dân, chủ yếu chúng tôi cử lực lượng xuống nhắc nhở vì không có thiết bị đo. Đối với một phần tuyến đường Phạm Văn Đồng mà phường phụ trách, giải pháp của chúng tôi là bố trí lực lượng túc trực từ 19h - 22h để nhắc nhở các cơ sở kinh doanh ăn uống không mở nhạc quá lớn hoặc không tổ chức hát hò karaoke. Sau 22h chúng tôi tiến hành xử phạt" - lãnh đạo UBND phường này nói.
Đối thoại với chủ tịch UBND TP mới đây, ông Phan Đình An - chủ tịch UBND P.6 (Q.Gò Vấp) - kiến nghị TP đưa vào sử dụng phần mềm đo tiếng ồn, cán bộ chỉ cần cài đặt phần mềm này để xử lý. "Theo tôi, nếu xây dựng một ứng dụng đo tiếng ồn chung, với một hành lang pháp lý phù hợp thì việc phát hiện, xử lý tiếng ồn của chính quyền cơ sở sẽ dễ dàng hơn rất nhiều" - ông An nói.
Hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn rất thường thấy hiện nay tại nhiều nơi - Ảnh: TỰ TRUNG
2 nghị định cho phép phạt nặng
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 6 nghị định số 167 về xử lý vi phạm hành chính, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi).
Nếu hát karaoke ngoài thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 decibel (dBA) trở lên sẽ bị xử phạt theo điều 17 nghị định số 155. Tùy theo mức độ tiếng ồn mà mức phạt tối đa có thể lên đến 160 triệu đồng đối với cá nhân và 320 triệu đồng đối với tổ chức.
"Phản ảnh hoài có thấy cơ quan nào xử lý đâu!"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, karaoke di động vẫn đang tiếp tục nhộn nhịp ở nhiều tỉnh miền Tây dù người kinh doanh thừa nhận không còn "ngon ăn" như trước. Việc sở hữu loa kéo di động khá dễ, nhỏ thì cầm tay tự hát, lớn hơn thì loa xách, lớn nữa thì một loa kéo, còn "khủng" nhất là dàn loa lớn gộp từ 4-8 loa lại được chở trên các xe kéo.
Dàn loa trên xe kéo có thể hát "cả phố nghe" trước đây giá thuê khoảng 700.000 đồng/buổi, giờ đang giảm chỉ còn khoảng 500.000 đồng. Loại nhỏ hơn thì giá càng rẻ, khoảng 50.000 đồng đã có loa để tụ tập hát hò. Giá thuê loa di động càng rẻ thì nỗi khổ của người dân càng tăng.
Cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang từng ban hành quy định cấm làm ồn trong khu dân cư, cung cấp cả số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ảnh. "Nhưng phản ảnh hoài có thấy cơ quan nào trực tiếp xử lý đâu, nên cứ tồn tại vậy hoài" - một người dân chia sẻ.
Trong khi đó, một số địa phương như Tiền Giang vẫn còn... chờ ý thức người dân là chính. Ông Lê Văn Dũng - phó giám đốc Sở VH-TT&DL - cho biết hiện nay trong toàn tỉnh có hơn 1.900 hộ kinh doanh cho thuê dàn karaoke di động với hơn 2.000 dàn âm thanh.
Từ đầu năm 2021 đến nay, đội kiểm tra liên ngành của tỉnh này đã kiểm tra 2 cuộc, phát hiện 1 trường hợp vi phạm, lập biên bản nhắc nhở và đề nghị người cho thuê điều chỉnh âm thanh không gây ồn ào cho các hộ dân xung quanh, không vượt quy chuẩn tiếng ồn tối đa cho phép.
"Nhưng cái khó khăn ở đây là Sở VH-TT&DL lại không có chức năng xử phạt chính vì liên quan đến âm thanh, tiếng ồn thuộc về lĩnh vực của Sở TN&MT. Bên cạnh đó những người thuê dàn nhạc thường hát lúc 22h trở về sau, khi đó đã hết giờ làm việc hay kiểm tra" - ông Dũng nói.
K.NAM - H.THƯƠNG - C.CÔNG
Các biện pháp quyết liệt để xử lý karaoke "hung thần" được chủ tịch UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể - Đồ họa: TUẤN ANH
Ông Quang Phú (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Chủ tịch TP.HCM đã quyết liệt, tại sao cấp dưới kêu khó?
Mấy ngày qua tôi nghe chủ tịch UBND TP.HCM nói rất quyết liệt, yêu cầu cấp dưới phải triệt để xử lý karaoke gây ồn ào. Tôi rất mừng. Thế nhưng khu vực tôi ở người ta vẫn hát karaoke di động um sùm mà có thấy ai xử lý đâu.
Tôi đã nghe chính quyền nhiều năm nói phải xử lý triệt để thế này thế nọ, các quy định của luật pháp xử lý tệ nạn này đã có đủ, tại sao cứ kêu khó rồi không làm? Tôi cho rằng chỉ thiếu sự quyết tâm.
Tôi mong chính quyền các cấp, đặc biệt là hệ thống quận/huyện, phường/xã làm đi, hãy dẹp bỏ karaoke "hung thần" đi, đừng "sẽ" nữa. "Sẽ" quá nhiều năm rồi, dân khổ với tệ nạn này lắm rồi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận