Chỉ vì miếng cơm manh áo, rất nhiều ngư dân nghèo bị sập bẫy "cò", không chỉ bị quỵt tiền mà còn bị hành hạ "thừa sống thiếu chết" trên biển quê hương.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các nhóm "cò" ngư dân đã hình thành và hoạt động ở hai tỉnh ven biển Kiên Giang và Cà Mau từ nhiều năm nay.
Đặc biệt thời gian gần đây, lợi dụng việc "khát" ngư dân đi biển và các địa phương này lỏng lẻo quản lý nên các nhóm "cò" nở rộ, công khai giở chiêu trò rao trả lương hằng tháng hậu hĩnh, cho ứng tiền trước... để bẫy người nghèo.
Trong khi đó, đa phần ngư dân là lao động nghèo, học vấn thấp, trên biển thường không có mạng điện thoại di động nên khi bị buộc phải lao động nặng nhọc, chịu không nổi, muốn trình báo đến ngành chức năng không dễ vì bơ vơ giữa biển.
Chưa kể cầm đầu nhóm "cò" thường là những người có "số má" ở địa phương hoặc thuê mướn người chăn dắt là những côn đồ hung hãn, sẵn sàng tấn công nếu không làm theo.
Vậy nên thường ngư dân lỡ dính bẫy của "cò" thì đành "ngậm đắng, nuốt cay" tự tìm đường trốn chạy hoặc phải đánh liều ôm phao nhảy khỏi tàu.
Trường hợp ngư dân N.V.C. (Bến Tre) - một người dính bẫy "cò" - là thí dụ điển hình. Tháng 8-2023 tin theo lời một "cò" đưa lên một tàu cá ở Kiên Giang nhưng bị ép làm việc kiệt sức, ông C. bị thuyền trưởng ra lệnh một ngư dân khác đánh chấn thương sọ não, chỉ thoát được nhờ một lần tàu vô đảo Phú Quốc sửa chữa.
Còn ông T.V.T. (Kiên Giang) bi kịch hơn khi trải qua hơn 2 tháng bị tra tấn đến mức mang thương tật hơn 48%.
Ông T. cũng được một "cò" giới thiệu xuống tàu để lao động - tháng đầu làm việc bình thường, nhưng sau đó bị ép làm việc, không đồng ý thì liên tục bị đánh đập dã man, bị các ngư phủ khác thay phiên nhau dùng kìm bẻ gãy răng, bấm vào vành tai, dùng cuốc xẻng đánh đập…
Mãi đến khi ông T. mê man mới được gửi một tàu khác vào đất liền cấp cứu, rồi được cơ quan chức năng Cà Mau giải cứu.
Vấn đề đặt ra là tại sao để xảy ra cảnh bà con ngư dân nghèo, lao động hợp pháp trên biển đối mặt rủi ro nghề nghiệp như vậy? Vì sao các nhóm "cò" hoạt động công khai nhiều năm nay mà không bị cơ quan chức năng các tỉnh ngăn chặn?
Trong khi thực tế các "cò" đều hoạt động công khai, có địa chỉ hẳn hoi là các dãy nhà kín cổng cao tường để "nuôi nhốt" các "con mồi" bắt được. Không quá khó để phát hiện, ngăn chặn trừ khi có việc cơ quan chức năng địa phương ngó lơ, để mặc cho "cò" hoạt động.
Để các nhóm "cò" không còn đất sống, không tái diễn những vụ việc đau lòng, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn ngư dân nghèo đang làm việc hợp pháp trên biển, đã đến lúc chính quyền tỉnh Kiên Giang và Cà Mau cần vào cuộc chỉ đạo công an, biên phòng điều tra, xử lý các vụ "cò" cấu kết với chủ tàu, thuyền trưởng hành hung ngư dân, bắt ép ngư dân làm việc quá sức.
Các địa phương ven biển cần phối hợp các đơn vị quản lý về lao động, thường xuyên kiểm tra địa bàn các nhóm "cò" hoạt động, bịt cho được việc các nhóm "cò" chạy từ địa phương này sang địa phương khác hoạt động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần chỉ đạo sở lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh ven biển, cơ sở đào tạo giới thiệu việc làm, hội nghề cá tăng cường hơn nữa độ phủ sóng để tư vấn, mở các sàn giao dịch giới thiệu việc làm tại những nơi có đội tàu đánh cá lớn cần lao động đi biển.
Đặc biệt các trung tâm giới thiệu việc làm cần tăng cường phối hợp với chính quyền, các cảng cá, hội nghề cá và chủ tàu tuyển dụng, cung cấp lao động rõ quê quán, xuất xứ, đủ điều kiện đi biển để xóa trung gian môi giới qua "cò".
Sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng như vậy mới có thể tránh được các vụ việc đau lòng, ngư dân an tâm bám biển mưu sinh. Nếu không, những tiếng kêu cứu trong vô vọng của ngư dân sẽ vẫn có thể diễn ra, như nhiều năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận