Xung quanh dịp Tết Nguyên đán năm nay không chúc tết lãnh đạo, không nhận phong bì phong bao, bạn đọc Nguyễn Duy Xuân gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết góp thêm tiếng nói về vấn nạn này.
"Năm nào cũng thế, đến hẹn lại lên, vừa mới bước sang quí 4, thiên hạ đã rục rịch tính chuyện quà tết.
Vì sao quà Tết ấy lại hành người cho - kẻ nhận và có sức hấp dẫn ghê gớm đến nỗi Thủ tướng phải chỉ đạo Tết nguyên đán năm nay không chúc tết lãnh đạo đồng thời không nhận quà tết?
Dễ hiểu thôi, bởi đó không phải là những món quà giản dị như chai rượu, hộp bánh hay giỏ trái cây của cái thời cách đây vài chục năm về trước. Nó đã "lớn" lên theo thời gian, theo sự phát triển của công nghệ và cơ chế thị trường.
Mười lăm năm trước, tôi có anh bạn là giám đốc một cơ quan cấp huyện ở vùng sâu vùng xa. Năm nào cũng thế, tầm khoảng trước tết mươi hôm đã thấy anh lặn lội từ dưới huyện lên tỉnh để chúc tết lãnh đạo.
Có lần không thấy anh mang theo lỉnh kỉnh nào là hoa trái, của ngon vật lạ từ dưới quê lên, tôi thắc mắc thì anh bảo những thứ đó xưa rồi ông ơi, năm ngoái tôi đã bị quan bà "dạy" cho một bài học đấy.
Khi tôi vừa đặt túi quà xuống, bà ấy vội nói ngay, chú mang về đi, nhà tôi chật chội, không biết để những thứ đó vào đâu, khéo không lại phải vứt vào thùng rác thì mang tiếng lắm. Tôi băn khoăn hỏi, thế năm nay ông chúc tết suông các sếp à?
Anh bạn nhếch mép cười rồi vỗ bộp bộp vào cái ca táp căng phồng, nói: Đây, tất cả ở trong này đây ông. Gọn nhẹ mà hiệu quả gấp bội nhé! À ra thế, ông đổi mới nhanh thật!
Mấy năm sau, anh bạn được cất nhắc lên tỉnh. Con đường chúc tết sếp của anh chẳng ngắn hơn mà lại dài thêm, nó ra tận ngoài Bắc, cả ngàn cây số.
Cùng dãy phố tôi ở, có một vị lãnh đạo chỉ là cấp phòng thôi nhưng cái ghế ông ta ngồi lại cực kì "nóng".
Cũng là trưởng phòng nhưng dưới quyền ông có cả trăm lãnh đạo choai choai và hàng ngàn nhân viên mà lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo thuyên chuyển công tác.
Thế cho nên, năm nào cũng vậy, từ trước tết ông Công ông Táo vài ngày, đã thấy nhà ông tấp nập những khách là khách. Mà ai nấy ra vào trật tự, khẩn trương lắm; người tay xách, nách mang, kẻ túi áo nặng phong bao, cứ cum cúp vừa ra vẻ bí mật lại pha chút lo lắng, sợ sệt.
Giá như có cái camera bí mật ghi hình thì sẽ có những thước phim hay đáo để. Thế rồi, bỗng dưng ông mất chức, tết đến không còn cảnh chen chúc như năm nào. Hàng phố tự nhiên cảm thấy thiêu thiếu một cái gì.
Quà tết bây giờ đã mất đi cái ý nghĩa trong sáng của nó.
Nó không còn là thứ để bộc lộ, sẻ chia tình cảm. Nó trở thành phương tiện để con người ta thăng tiến trên từng nấc thang quyền lực, danh vọng hay công việc làm ăn của mình.
Giá trị của món quà vì thế, thật khó lường nhưng chí ít thì nó cũng phải tương xứng với vị thế của cái ghế đang ngồi hay đang nhắm tới nay mai; tương xứng với công trình đang thực hiện hay dự án trong tương lai.
Nó được người tặng gọi là chút quà mọn nhưng lại có sức "công phá" lớn. Nó là chất xúc tác ươm mầm cho tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Nó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng lãnh đạo ngồi nhầm chỗ; các dự án đội vốn, các công trình xây dựng chưa khánh thành đã xuống cấp, và nhóm lợi ích nở rộ.
Sự biến tướng của quà tết dường như không có giới hạn, ngày càng tinh vi, phức tạp, không dễ chỉ mặt đặt tên. Bây giờ, đơn giản có thể chỉ là một cú "enter" trên bàn phím máy ATM, một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
Vì thế, dẹp nạn quà cáp, biếu xén quan chức dịp tết thật không dễ chút nào, chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ.
Vấn đề đặt ra là sau chỉ đạo của Thủ tướng, việc tổ chức thực hiện như thế nào. Nếu không có chế tài và bộ máy giám sát thì chỉ đạo ấy sẽ bất khả thi, không hiệu quả, thậm chí lại phản tác dụng, làm mất lòng tin trong nhân dân.
Phải xem đây là một cuộc chiến chống tham nhũng thực sự để không lặp lại con đường cũ, miệng hô hào cấm nhưng tay thì cứ nhận".
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Ngoài những "chiêu" tặng quà tết để lấy lòng sếp như tác giả đề cập, theo bạn hiện nay việc tặng quà tết còn theo bạn còn có biến tướng theo hình thức nào khác? Cần phải làm gì để diệt tận gốc biến tướng của quà tết? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận