Theo CDC Mỹ, việc sử dụng khẩu trang tại các nơi công cộng ở Mỹ đã tăng lên 76,45 hồi giữa tháng 5, so với tỉ lệ 61,9% trong tháng 4 theo kết quả một khảo sát online với 500 người trưởng thành mỗi tháng - Ảnh: WSJ
Báo Wall Street Journal (WSJ) trích dẫn nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công bố gần đây cho thấy việc đeo khẩu trang giúp giảm lây bệnh COVID-19 từ các giọt dịch bắn hiệu quả như thế nào, dù có thể mức độ bảo vệ của các loại khẩu trang có những cấp độ khác nhau.
Báo WSJ cho rằng những chiếc khẩu trang đang ngày càng chứng tỏ là một trong những thiết bị y tế chống dịch hiệu quả nhất khi có thêm các chứng cứ khoa học khẳng định hiệu quả đó.
Theo đó, những chiếc khẩu trang sẽ sẽ giúp phòng lây nhiễm bệnh ngay cả khi người bệnh có tiếp xúc gần với người khác.
Ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ cũng nói ông tin là đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát trong khoảng từ 4-8 tuần nữa nếu "chúng ta có thể yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang ngay lúc này".
Giám đốc CDC Mỹ đã chia sẻ quan điểm đó từ giữa tháng 7 với Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA) sau một bài bình luận ông viết chung với một số người khác, nhấn mạnh "rất nhiều chứng cứ" cho thấy sự lây nhiễm virus corona không có triệu chứng và dẫn ra những nghiên cứu mới cho thấy khẩu trang đã giúp giảm lây lan viurs corona chủng mới như thế nào.
Trong số những nghiên cứu ông Robert dẫn ra có nghiên cứu công bố ngày 14-7 trên JAMA cho thấy việc sử dụng đồng loạt khẩu trang y tế đã giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm virus corona trong nhóm các nhân viên y tế tại hệ thống chăm sóc y tế Mass General Brigham ở bang Massachusetts.
Quan điểm của ông Robert là thông điệp rõ ràng nhất cho tới nay từ CDC giữa những luồng dư luận tranh cãi gay gắt về việc đeo khẩu trang ở Mỹ.
CDC hiện đang khuyến nghị việc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng. Nhiều bang của Mỹ cũng đã buộc mọi người phải đeo khẩu trang tại những nơi đó.
Một nghiên cứu phân tích công bố ngày 26-7 trên tạp chí y khoa BMJ cho biết hiện tại việc đeo khẩu trang bị bắt buộc thực hiện tại 160 nước để giảm lây nhiễm COVID-19.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới nhận thấy ngay cả việc đeo những loại khẩu trang vải cơ bản cũng giúp phòng ngừa lây bệnh hiệu quả hơn so với việc không đeo gì.
Trong bối cảnh nhiều nơi khan hiếm khẩu trang N95, loại được đánh giá có khả năng phòng bệnh cao nhất nhưng thường ưu tiên dành cho các nhân viên y tế, đã có nghiên cứu chứng minh rằng nguy cơ lây bệnh vẫn giảm đáng kể với những loại khẩu trang đơn giản và có giá thành rẻ hơn N95.
Cụ thể, một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Úc công bố tuần trước trên tạp chí Thorax cho thấy loại khẩu trang y tế 3 lớp làm từ vật liệu không dệt cũng có tác dụng giảm đáng kể các giọt dịch văng ra trong lúc nói, ho hay hắt hơi.
Các loại khẩu trang 3 lớp được chứng minh có hiệu quả hơn các loại hai lớp và một lớp. Nhóm nghiên cứu lưu ý hiệu quả phòng bệnh của khẩu trang cũng giảm theo độ mỏng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc cũng tương đồng đáng kể với những kết luận trong nghiên cứu công bố tháng trước trên tạp chí Physics of Fluids của các nhà nghiên cứu tại ĐH Florida Atlantic.
Giới nghiên cứu hy vọng với các chứng cứ khoa học ngày một nhiều hơn về tác dụng phòng COVID-19 của khẩu trang y tế, người dân sẽ có ý thức chủ động đeo vật dụng này hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận