01/05/2020 11:00 GMT+7

Đến từng nhà dân trao tiền hỗ trợ trong ngày nghỉ lễ

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Ngày 30-4, dù là nghỉ lễ nhưng các cán bộ phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM) vẫn đến từng nhà dân trao khoản hỗ trợ cho các hộ nghèo và gia đình chính sách.

Đến từng nhà dân trao tiền hỗ trợ trong ngày nghỉ lễ - Ảnh 1.

Ngày lễ 30-4, cán bộ phường Linh Trung tới tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân - Ảnh: V.THỦY

Trong ngày mừng lễ, nhiều người dân đã không giấu nổi niềm vui khi được sẻ chia.

Niềm an ủi của người nghèo

"Chị Sớt ơi, ra mở cửa giúp tui", chị Nguyễn Thị Thanh và chị Nguyễn Thị Thu Hằng - chuyên trách giảm nghèo của phường Linh Trung - dừng trước căn nhà nhỏ xíu ở đường số 10, khu phố 3, phường Linh Trung và gọi to.

Gia đình bà Sớt (61 tuổi) là một trong 47 hộ nghèo của phường được nhận tiền từ gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. 

Nghe chị Thanh bảo ký nhận khoản tiền 1,5 triệu đồng, bà Sớt mừng mừng tủi tủi. Nhà bà có 4 người, người con lớn mắc bệnh tâm thần, người con thứ hai bị khiếm thị, vợ chồng bà đều đã trên 60 tuổi. Bà Sớt làm công việc cắt chỉ ở một xí nghiệp may, "100 cái được 25.000 đồng", chồng bà làm phụ hồ, nhưng mùa này cả hai đều thất nghiệp.

"Lúc trước cứ làm hai tuần lãnh tiền một tuần, về lo chi tiêu. Hai tháng nay xí nghiệp không có hàng làm nên chẳng có gì. 

Ăn uống đều nhờ gạo, muối phường phát cho mấy đợt. Nghe nói Chính phủ hỗ trợ tiền tui mừng lắm, cũng trông mấy bữa nay, có tiền đóng tiền điện, đóng tiền nước, lo tiền chợ. Kiếm được đồng bạc mấy ngày này khó khăn lắm", bà Sớt kể.

Trao tiền cho bà Sớt, chị Thanh và chị Hằng tiếp tục luồn lách vào một con hẻm nhỏ tới gia đình anh Nguyễn Văn Tâm (49 tuổi) - hộ nghèo khác của phường. Anh Tâm chống nạng ra đón, rồi cũng bất ngờ vì không ngờ ngày lễ mà "cán bộ phường còn tới trao tiền".

Anh Tâm bị tai nạn lao động phải cắt bỏ một chân từ 4 năm trước và sức khỏe cũng chỉ đủ để làm công việc cắt chỉ cho xí nghiệp may. 

Cả nhà 5 người chỉ trông vào xe nước mía được hội phụ nữ phường hỗ trợ trang bị cho mấy năm trước và cái tiệm tạp hóa nhỏ. 

Chị Hằng lấy phong bì với khoản tiền hỗ trợ 3 triệu đồng trao cho anh: "Nhà mình có 5 người nhưng anh nhận hỗ trợ diện bảo trợ xã hội cho người tàn tật 1,5 triệu, đầu tuần cán bộ bảo trợ sẽ trao; 4 người còn lại nhận hỗ trợ diện hộ nghèo, mỗi người 250.000 đồng/tháng trong 3 tháng, tổng cộng là 3 triệu".

Cầm khoản tiền trên tay, anh Tâm rưng rưng: "Mấy tháng nay xí nghiệp không có việc làm, bán hàng cũng ế ẩm lắm, bữa nào nhiều thì được trăm ngàn lo ăn uống. Được Nhà nước hỗ trợ vầy tui mừng rớt nước mắt".

Đến nhà hai mẹ con chị Bảo Trân (38 tuổi) - một gia đình hộ nghèo khác ở phường. Chồng chị Trân đã mất nhiều năm trước. 

Chị bệnh tật, đau yếu liên miên không thể đi làm, chỉ nhận vẽ tranh trên ly cốc cho vài trường học làm quà hoặc cho cửa hàng nào đó ở chợ để kiếm tiền nuôi con gái đang học lớp 2.

"Cũng theo dõi thông tin nhưng tui đâu có đọc kỹ. Tui cũng nghe lao động mất việc được Nhà nước hỗ trợ mà trước giờ công việc chập chờn, đâu có nghĩ mình cũng thuộc diện đó", chị Trân chia sẻ.

Tiền rót tới đâu, trao tới đó

Cả một buổi chiều vòng vèo qua các con hẻm, tới nhiều hộ dân nhà đã khóa cửa đi vắng, chị Thanh và chị Hằng đành phải "để bữa khác quay lại". Làm cán bộ cho nhóm hộ nghèo, bảo trợ xã hội và người có công đã nhiều năm, hai chị đã thuộc đường đi đến từng nhà. 

"Phường có 96 người bán vé số đã được ưu tiên trao hỗ trợ hai đợt vừa rồi. Cứ có tiền rót xuống là chúng tôi tranh thủ đi trao liền vì biết đó đều là các hộ khó khăn, họ trông chờ từng ngày", chị Thanh chia sẻ.

Nhận kinh phí phê duyệt mới chỉ một ngày trước, các chị mới rốt ráo in danh sách và chiều hôm sau (30-4) đi trao tiền những hộ đầu tiên này. 

"Chúng tôi phải đến trao tận tay người dân để đảm bảo chính xác chứ không thông báo để họ lên phường lãnh, tránh tập trung đông người. Phường có 47 hộ nghèo, 108 hộ cận nghèo và 148 người có công. 

Dù nay là 30-4, mai cũng là ngày lễ, sau đó là thứ bảy, chủ nhật nhưng chúng tôi sẽ tranh thủ lần lượt đi trao ngay cho bà con", chị Hằng nói.

Trong ngày đầu tiên trao tiền hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Cựu và ông Nguyễn Văn Vận - hai cựu chiến binh ở khu phố 3 - cũng là những người đầu tiên mà chị Thanh và chị Hằng ghé vào trao vì nằm trên cùng trục đường. 

Khi chị Thanh nói đến trao khoản tiền Chính phủ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hai ông đều xúc động. 

"Chúng tôi đã về hưu, hằng tháng lãnh khoản trợ cấp của Nhà nước và con cái chăm lo. Giữa lúc khó khăn mà được Nhà nước quan tâm như thế này thì quý lắm", ông Cựu (70 tuổi) chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Vận (75 tuổi, ngụ phường Linh Trung), cựu chiến binh, chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào vì đất nước chung sức chống dịch, mọi người đều đồng lòng. Anh em chúng tôi đã lớn tuổi, trước chỉ có thú vui là tối nào cũng gặp nhau ngoài công viên trước nhà bàn luận chuyện nọ chuyện kia.

Nhưng thời gian cách ly cũng không gặp nhau. Công viên trước nhà, khu phố giăng dây để tránh người tụ tập; tổ trưởng dân phố, dân phòng và cả nhà dân quanh đây thấy nhiều người tới cũng ra nhắc nhở.

Loa thông báo của phường phát liên tục. Phường cũng tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn, phát gạo, phát khẩu trang.

Chúng tôi trước là lính, giờ là dân thì cũng đồng lòng làm tròn trách nhiệm với cộng đồng. Đất nước mình có khó khăn nhưng lo được cho dân như thế này thì quý lắm!".

Trao tiền cho người khó khăn do COVID-19 ra sao? Trao tiền cho người khó khăn do COVID-19 ra sao?

TTO - Chính phủ đã có nghị quyết về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng dành cho người dân gặp khó khăn do COVID-19.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp