Những "đạo cụ" cho mùa Giáng sinh được phát minh từ rất lâu và có khi rất tình cờ - Ảnh: Dreamstime
Những thứ ấy chính ra là những phát minh có từ rất lâu đời, và nguồn gốc của chúng có khi sẽ khiến bạn... không thể tin được.
Dây đèn trang trí Giáng sinh
Người ta bắt đầu biết treo đèn lên cây thông Noel từ thế kỷ 17, lúc đó chỉ là những cây nến cắm lên các nhánh cây. Bởi thế không ai dám đốt nến sớm trước đêm Giáng sinh vì sợ hoả hoạn.
Đến năm 1882, kỹ sư Edward Johnson - một trợ lý của nhà phát minh lỗi lạc người Mỹ Thomas Edison, đã nghĩ ra cách nối 80 chiếc bóng đèn điện các màu trắng, xanh và đỏ với nhau, sau đó quấn quanh một cái cây.
Dây đèn trang trí đầu tiên đã ra đời như thế.
Những mẫu đèn Giáng sinh được phát minh mới đây với những tính năng hiện đại - Video: YOUTUBE/ĐỒNG LỘC
Những năm 1900, một số tiệm buôn bắt đầu trang trí các cây thông Noel bằng những bóng đèn điện để thu hút khách đến mua sắm, nhưng điều này cũng chưa trở thành một tập quán phổ biến như hiện nay.
Năm 1917 ở thành phố New York (Mỹ) xảy một trận hỏa hoạn chết người do đốt nến Giáng sinh, nên cậu thiếu niên 15 tuổi Albert Sadacca đã nghĩ ra ý tưởng làm những sợi dây dài gắn nhiều bóng đèn điện sơn đủ màu sắc để bán cho mọi người trang trí cây thông thay cho đốt nến.
Thành công rực rỡ từ ý tường này, Sadaccac đã lập công ty Noma Electric và trở thành doanh nghiệp chuyên sán xuất đèn trang trí Giáng sinh lớn nhất thế giới cho đến năm 1965.
Dải kim tuyến
Các dải dây kim tuyến lóng lánh treo trên cây thông Giáng sinh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1610 ở nước Đức. Mục đích là để phản chiếu ánh nến tạo nên những hiệu ứng ánh sáng lung linh tuyệt đẹp.
Ban đầu chúng được làm từ bạc, trông rất đẹp mắt nhưng quá đắt tiền, chỉ có những người giàu mới mua nổi, và lại bạc thì mau bị xỉn màu. Do đó, người ta thay bằng các kim loại khác rẻ tiền và giữ độ sáng chói lâu hơn.
Những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất đã giúp người ta làm ra những dải kim tuyến từ nhôm với giá thành rất mềm. Từ đầu thế kỷ 20 trở đi, dải kim tuyến trang trí trở nên phổ biến đến mọi tầng lớp xã hội.
Kẹo gậy
Kẹo gậy candy cane - Ảnh: Shopify
Có nhiều đồn đoán về nguồn gốc của cây kẹo gậy (candy cane) yêu thích của đám trẻ nhỏ, nhưng có lẽ nó đã khởi phát từ nước Đức vào năm 1670. Một người chỉ huy dàn hợp xướng nhà thờ đã nghĩ ra cách uốn các que kẹo đường thành hình cây gậy của người chăn cừu để phát cho bọn trẻ làm quà Giáng sinh.
Các cây kẹo gậy ban đầu chỉ có duy nhất một màu trắng, đến thế kỷ 20 mới bổ sung thêm các sọc màu đỏ. Năm 1920, doanh nhân Bob McCormack ở bang Georgia (Mỹ) thường làm kẹo này tặng cho mọi người vào dịp Giáng sinh.
Thời đó, người ta vẫn sản xuất kẹo gậy theo phương pháp thủ công: kéo thanh, vặn xoắn, cắt khúc rồi uốn cong, tất cả đều làm bằng tay nên nặng nhọc, tốn nhiều thời gian, năng suất lại thấp.
Đến năm 1950, Gregory Keller - một người em rể của McCormack, đã chế ra một máy làm kẹo tự động có thể sản xuất với số lượng lớn để kinh doanh. Về sau, con cháu của McCormack đã nghĩ ra cách bảo quản các thanh kẹo được lâu dài để xuất khẩu đi các nước.
Nhờ đó, công ty Bobs Candies của dòng họ McCormack trở thành doanh nghiệp sản xuất kẹo gậy lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20.
Băng dính Scotch
Băng dính Scotch - Ảnh: Amazon
Băng dính (còn gọi nôm na là băng keo trong) là một một sáng chế của nhà phát minh người Mỹ Richard Drew vào năm 1923, khi ông đang làm việc cho hãng 3M.
Nguồn gốc cái tên Scotch của loại băng dính này rất thú vị. Khi thử nghiệm mẫu băng dính đầu tiên, Drew đã gặp trở ngại vì lớp keo chỉ phủ ở 2 bên mép dải băng làm vật muốn dán cứ bị rơi ra.
Một nhân viên đã bực bội bảo với Drew rằng: "Hãy đem mẫu băng chết tiệt này về cho mấy ông chủ Scotch của anh, bảo họ cho thêm nhiều keo vào". Thời đó, từ Scotch còn có thêm một hàm ý xấu là "keo kiệt" (stingy).
Từ đó, Scotch trở thành cái tên để gọi loại băng dính này. Hiện nay nó đã có nhiều màu đẹp mắt chứ không chỉ thuần một loại trong suốt như xưa. Đến nay, băng dính là thứ vật dụng không thể thiếu trong mọi cơ quan, văn phòng cũng như trong các hộ gia đình.
Giấy gói quà
Từ tận năm 105 trước Công nguyên, người ta đã biết dùng một thứ gì đó để bao gói các quà tặng, nhưng nó chưa trở thành một tập quán phổ biến.
Trước những năm 1920, quà được gói trong những tờ giấy mỏng hay giấy thô dày màu nâu nhìn rất đơn điệu. Sau đó, với những tiến bộ trong ngành in ấn, đã xuất hiện những tờ giấy chuyên để gói quà với nhiều màu sắc, hoa văn đẹp mắt như hiện nay.
Chú nai mũi đỏ Rudolph
Chú nai tuyết mũi đỏ Rudolph - Ảnh: Amazon
Chú nai tuyết mũi đỏ Rudolph thường thấy xuất hiện bên cạnh Ông già Noel mỗi dịp Giáng sinh, nhiều người cho rằng nó là con đầu đàn, "sếp" của bầy tuần lộc kéo chiếc xe trượt tuyết chở quà của Ông già Noel đi khắp nơi.
Thật ra Rudolph là "con đẻ" của một người chuyên viết quảng cáo tên Robert May vào năm 1939. Khi ấy May được yêu cầu đặt ra một câu chuyện Giáng sinh để chuỗi cửa hàng Montgomery Ward dùng làm quà tặng quảng cáo cho khách hàng vào dịp lễ này.
Dựa trên một số chi tiết từ chuyện cổ tích thiếu nhi Chú Vịt Con Xấu Xí của nhà văn Đan Mạch Christian Andersen, cũng như những kỷ niệm thuở ấu thơ của mình, May đã tạo nên một chú nai tuyết có cái mũi màu đỏ ngộ nghĩnh đặt tên là Rudolph.
Từ năm 1940, đã có hàng triệu quyển truyện về Rudolph được bán ra trên khắp nước Mỹ. Sau đó, Rudolph là nhân vật chính trong nhiều bộ phim hoạt hình, truyện tranh thiếu nhi cũng như bài hát được nhiều người yêu thích "Rudolph the Red-Nosed Reindeer" làm chú nai mũi đỏ trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận