Lễ động thổ và ký kết thành lập liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore năm 1996. Thủ tướng Goh Chok Tong và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ ký này - Ảnh: X.Lộc |
Đến nay các khu công nghiệp VSIP lần lượt ra đời trải dọc từ Bắc đến Nam, trở thành những khu công nghiệp kiểu mẫu không chỉ ở VN mà còn ở tầm khu vực.
Đây cũng là biểu hiện mạnh mẽ nhất cho quan hệ kinh tế VN-Singapore gắn với dấu ấn của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu.
Là một trong những người chứng kiến thuở ban đầu mối quan hệ này, nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã những chia sẻ về kỷ niệm trên với Tuổi Trẻ.
Ông nói: “Mọi chuyện bắt đầu từ việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ ông Lý Quang Diệu nhằm mời gọi đầu tư của Singapore vào VN. Trên cơ sở đó, hai vị đã thống nhất đưa vốn đầu tư về tỉnh Sông Bé.
Ý định ban đầu là một khu công nghiệp lớn sẽ được xây dựng tại tỉnh Sông Bé, nhưng nằm trên trục xa lộ Hà Nội đi Đồng Nai, thuộc địa bàn huyện Dĩ An, gần ĐH Quốc Gia TP.HCM hiện nay.
Sau khi được thông báo về việc này, tôi đã đi khảo sát và có kiến nghị nếu làm ở gần khu ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ rất bất tiện do đất trống ở đây không còn nhiều, phải giải tỏa đền bù lớn.
Trước tình hình đó, tôi đề xuất chọn nơi xây dựng VSIP I tại huyện Thuận An vì thấy khu đất này có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cụm công nghiệp.
Thứ nhất, quỹ đất khu vực này rộng. Thứ hai, nếu triển khai không phải giải tỏa hay đền bù nhiều như ở bên kia, khoảng cách từ khu vực này xuống TP.HCM cũng chỉ 20km. Chưa kể điều kiện hai bên không quá khác biệt.
Ban đầu khi kiến nghị với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các bộ ngành về địa điểm trên, tôi đã bị phản biện khá căng. Tôi vẫn kiên trì thuyết phục. Sau đó chúng tôi chủ động liên hệ và mời phía Singapore sang khảo sát, tìm hiểu.
Đến năm 1995, đích thân ông Lý Quang Diệu sang VN khảo sát địa điểm đề xuất xây dựng Khu công nghiệp VSIP đầu tiên. Tôi, khi đó đang là bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, đã trực tiếp trình bày kiến nghị của mình.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tiếp ông Lý Quang Diệu tại Hà Nội năm 2009 - Ảnh: AFP |
* Phản ứng của ông Lý Quang Diệu khi nghe kiến nghị của ông lúc đó như thế nào, thưa ông?
- Ông ấy hơi do dự. Nhưng ông Lý Quang Diệu là một người rất chịu lắng nghe. Tôi dẫn ông đi xem và nhận được đồng tình từ những phân tích đó...
Tuy nhiên có một điều ông băn khoăn là nguồn nhân lực. Vì đầu tư ở khu vực ban đầu có thể sẽ tận dụng được nguồn nhân lực từ TP.HCM thuận lợi hơn, trong khi khu vực mới sẽ khó được cung ứng đầy đủ. Tôi đã thuyết phục vẫn có thể tranh thủ nguồn nhân lực từ TP.HCM tăng cường.
Để chắc chắn, ông Lý Quang Diệu đã đi khảo sát ngành giáo dục của tỉnh, tìm hiểu tình hình học vấn, các thống kê trình độ nhân lực trên địa bàn... Và cuối cùng tôi nhận được sự đồng tình từ ông Lý Quang Diệu.
Thời điểm đó trung ương cũng ngại vì thay đổi được ý của ông Lý Quang Diệu là điều khó. Tuy nhiên, sau đó hai bên thu xếp xong và VSIP được động thổ xây dựng, phát triển tại huyện Thuận An như hiện nay.
* Nhiều ý kiến nhận định rằng VSIP là biểu tượng cho sự hợp tác hữu nghị giữa VN - Singapore, dự án đặt nền móng cho làn sóng đầu tư vào VN sau này, ông nhận định như thế nào về việc này?
- Có thể nói việc mở VSIP đầu tiên đã đặt nền móng cho làn sóng đầu tư của Singapore VN sau này, là duyên cớ cho những khoản đầu tư mạnh mẽ, đưa Singapore vào tốp những nhà đầu tư lớn nhất tại VN hiện nay.
Cho đến nay đây vẫn là khu công nghiệp kiểu mẫu trong quy hoạch lẫn kêu gọi đầu tư, tiếp thị..., trở thành địa chỉ tin cậy của các tập đoàn đầu tư uy tín đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ VSIP đầu tiên được khởi công xây dựng năm 1996, hiện đã phát triển lên năm khu và đang chờ đợi khu thứ sáu.
* Trong cương vị lãnh đạo ở nhiều vị trí khác nhau, ông đã có dịp tiếp xúc với cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?
- Có vài dịp tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu, trước hết tôi thấy ông có một tầm nhìn bao quát, sâu sắc và tư duy chiến lược rất sắc sảo.
Đó cũng là một người chịu lắng nghe, đặc biệt là tiếng nói của người cấp thấp hơn như câu chuyện tôi kể trên.
Cái hay của một người lãnh đạo là vậy. Qua tiếp xúc, mình cũng học được nhiều kinh nghiệm, cách thức xử lý vấn đề, cách nhìn vấn đề nhiều chiều.
* Ông Lý Quang Diệu được xem là người kiến tạo và xây dựng Singapore từ một đảo quốc lạc hậu trở thành một quốc gia thịnh vượng, phát triển như ngày nay. Theo ông, VN có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm phát triển của Sinagpore?
- Khó có thể so sánh giữa VN và Singapore vì ngay bản thân điều kiện hai nước hoàn toàn khác nhau.
Nhưng theo tôi, nếu VN học được một số điều từ tố chất lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu thì có thể chúng ta sẽ đi nhanh hơn.
Tất nhiên học như thế nào là tùy vào góc độ nhìn nhận của mỗi con người. Nhưng theo tôi, với Singapore chúng ta có thể học về tầm nhìn, về quy hoạch và cách quản lý của họ, rất bài bản.
Thứ hai, tính nghiêm minh của pháp luật, sự tuân thủ nghiêm khắc. Những trường hợp vi phạm trên đất nước Singapore được xử phạt theo đúng pháp luật cho dù người nước ngoài hay có can thiệp xin giảm phạt từ chính phủ các nước khác.
Chính tầm nhìn, cách quản lý khoa học, chặt chẽ đã làm nên một Singapore như hiện nay.
Đã có 5 khu VSIP tại VN Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) được hình thành dựa trên nền tảng tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa VN và Singapore. Với sự hỗ trợ từ phía chính phủ hai nước VN và Singapore, một liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước do những tập đoàn có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản như Tổng công ty Đầu tư và phát triển Becamex (Bình Dương) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) được thành lập để thực hiện dự án VSIP. Đến nay VSIP đã và đang phát triển tổng cộng năm dự án trên khắp cả nước với tổng quỹ đất hơn 6.000ha bao gồm đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ gồm VSIP I và II ở Bình Dương, VSIP III ở Bắc Ninh, VSIP IV ở Hải Phòng, VSIP V đang xây dựng ở Quảng Ngãi, và hai VSIP VI và VSIP VII đang được dự kiến đầu tư trong tương lai gần. Các VSIP đang cung ứng hạ tầng cho hơn 500 khách hàng đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng đầu tư 7,4 tỉ USD, cung ứng việc làm cho 140.000 lao động địa phương. |
_____________
Kỳ tới: Ông Lý và những câu hỏi khó
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận