05/02/2020 09:42 GMT+7

Đến Nhật xem chuột capybara tắm nước nóng

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Những con chuột lang nước to lớn ở vườn thú Izu Shaboten thư thái ngâm mình trong suối nước nóng giữa ban ngày. Chúng nhắm mắt mặc kệ sự đời, mặc kệ thế nhân tò mò vây quanh liên tục hướng ống kính camera về mình chụp ảnh.

Đến Nhật xem chuột capybara tắm nước nóng - Ảnh 1.

Chuột lang nước capybara ngâm nước nóng ở vườn thú Izu Shaboten - Ảnh: Reuters

Năm Canh Tý 2020, với sự lên ngôi của hình ảnh con chuột, loài chuột lang nước capybara được coi là ngôi sao của vườn thú Izu Shaboten, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản hai giờ đi tàu lửa về phía nam.

Ngôi sao năm Canh Tý

Theo Reuters, nhân viên vườn thú rất lạc quan với khả năng hấp dẫn du khách của loài gặm nhấm lớn nhất thế giới này, nhất là khi Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè đúng vào năm Canh Tý trong âm lịch.

Ông Masahiro Takeda, phó giám đốc vườn thú Izu Shaboten, cho biết: "Chuột capybara là điểm nhấn của vườn thú, vì vậy năm chuột là cơ hội để chúng tôi quảng bá về chúng hơn nữa. Hi vọng thông tin này sẽ đến được với du khách quốc tế đến thăm Nhật Bản".

Ông Takeda ước tính lượng khách đến vườn thú tăng từ 20-30% trong mùa đông kể từ khi họ giới thiệu đến du khách cảnh chuột tắm suối nước nóng vào năm 1982.

Trong mùa đông, chuột được tắm suối nước nóng hằng ngày và cảnh này luôn làm du khách trầm trồ. Lịch sử của truyền thống này được phát hiện một cách tình cờ.

Cách đây 38 năm, một nhân viên sở thú rửa bút bằng nước nóng. Khi quay lại phía sau, thật bất ngờ, người này thấy những con chuột rúc vào nhau, cố gắng thu mình ngồi trong vũng nước còn ấm và có vẻ rất hạnh phúc.

Các suối nước nóng là "đặc sản" của Nhật Bản. Nước này có gần 3.000 khu nghỉ dưỡng suối nước nóng. Do vậy, sắp xếp cho chuột lang nước được ngâm nước nóng thư giãn không khó khăn và điều này nhanh chóng trở thành lệ ở vườn thú Izu Shaboten và các vườn thú khác khắp đất nước mặt trời mọc.

Sự kiện này thú vị với rất nhiều người Nhật Bản. Bất chấp giá lạnh, người Nhật kéo nhau đi xem chuột lang nước ngâm nước nóng chỉ để trầm trồ sao chúng biết hưởng thụ đến thế.

Đại sứ du lịch

Chuột lang nước đã có công thu hút nhiều du khách tham quan vườn thú trong những tháng ảm đạm mùa đông. Video về cảnh loài chuột lớn xác nhưng hiền lành tắm nước nóng, tận hưởng cuộc sống thu hút hàng trăm ngàn lượt xem trên mạng. Nhiều du khách thích thú cho biết: "Tôi chỉ mới nhìn thấy chuột lang nước ngâm trong suối nước nóng trên TV. Tôi rất muốn thấy cảnh này bằng chính mắt mình", bạn Kayo Kogai, một du khách tham quan vườn thú Izu Shaboten, cho biết.

"Chúng có vẻ rất thư giãn, tôi cũng muốn vào ngâm trong suối nước nóng như chúng quá" - Mizuki Aoki, một du khách, vui vẻ nói.

Được yêu thích ở Nhật Bản nhưng loài chuột này có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Chúng có trọng lượng từ 35kg đến 65kg, ăn táo và lá cây. Capybara sạch sẽ, thích tắm và luôn phải sống gần nguồn nước. Chúng có thể ở trong nước hàng tiếng đồng hồ mà không chán.

Vườn thú Izu Shaboten cho chuột capybara tắm một giờ mỗi ngày trong suối nước nóng suốt thời gian lạnh giá mùa đông, từ ngày 21-11 đến 6-4. Nước tắm của chúng còn được bổ sung các loại thảo mộc, hoa hồng, hoa lan và quả có tinh dầu như cam, chanh.

Cứu tinh của vườn thú còn được "thưởng" trong những ngày đặc biệt như được tắm thêm giờ trong ngày đông chí, được tặng quà dịp giáng sinh và táo hình trái tim trong ngày lễ tình nhân.

Dáng vẻ hiền lành của capybara thu hút một lượng lớn du khách đến với công viên Izu Shaboten. Trong vòng 10 năm, từ 2006 đến 2016, số lượng chuột lang nước tại các vườn thú ở Nhật đã tăng từ 126 đến 422 con.

Sản phẩm ăn theo

Tại vườn thú Izu Shaboten, du khách có thể mua thú nhồi bông hình chuột capybara làm quà lưu niệm. Họ cũng có thể thưởng thức bánh mì burger bò với phần bánh mì hình chuột capybara siêu đáng yêu, mắt và miệng được vẽ bằng chocolate đen tại nhà hàng trong vườn thú.

Ngoài ra, ở Tokyo có một quán cà phê chuột capybara, nơi du khách có thể vào âu yếm những chú chuột capybara to xác dễ cưng.

Vì sao chuột trở thành Vì sao chuột trở thành 'linh vật' trong nghiên cứu khoa học?

TTO - Con chuột ngày nay được xem như "linh vật" trong nghiên cứu khoa học, góp phần rất lớn trong việc thử nghiệm và sáng chế các phương thuốc, vắcxin cho con người.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp