Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai - Ảnh: Lê Kiên |
Bà Mai đã phát biểu như trên tại tại phiên họp ngày 14-7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9.
“Tôi thấy ở hội trường có những phiên tranh luận cảm nhận được không khí rất hay, lôi cuốn tất cả đại biểu cùng tham gia, đồng thời các cơ quan báo chí rồi cả cử tri quan tâm. Nhưng rất tiếc không phải tất cả các phiên họp đều có không khí này.
Có những phiên họp mà có một số bài phát biểu gần như trùng lặp nhau vì các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn cả, không thể thay đổi lại và đại biểu cũng không rút đăng ký phát biểu. Thành ra nhiều khi nghe rất mệt mỏi” - bà Mai đánh giá.
Bà Mai cho biết bản thân mình “rất thích những đại biểu Quốc hội chuẩn bị trong đầu sẵn nội dung phát biểu, sau đó đến hội trường “nói vo” mà không cần đọc văn bản chuẩn bị sẵn, người ta căn cứ trên diễn biến của phiên họp để mà thảo luận”.
Bà cũng nhắn nhủ báo chí nên khai thác từ nhiều phía khác nhau để tăng tính khách quan, tránh tình trạng trên truyền hình, trên mặt báo lúc nào cũng chỉ có vài đại biểu.
Thừa nhận là các phiên thảo luận phải có tính tranh luận nghị trường mới sôi động nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhìn nhận: “Có những bài chuẩn bị văn bản rất sâu, ví dụ những bài của đại biểu Lê Thị Nga chuẩn bị về từng vấn đề rất sâu sắc. Cũng có những đại biểu đứng lên “nói vo” thì lại không sâu”.
Ông Lý “không hài lòng về kết quả chất vấn, vì một số nội dung chất vấn xong mà hiện trạng không rõ, giải pháp không rõ, trách nhiệm không rõ, nhiều vấn đề cứ lặp đi lặp lại”.
Trong khi Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Ngồi trên ghế điều hành thấy có nhiều bài phát biểu giống nhau, dường như là những bài này được chuẩn bị dựa trên cùng một cái đề án, tài liệu nào đó”.
Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý các cơ quan tham mưu cần chuẩn bị kế hoạch cho một phiên chất vấn tổng kết nhiệm kỳ.
“Dựa trên các báo cáo của Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, lần này chất vấn rất rộng, đại biểu có thể hỏi Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, hỏi ai thì người ấy trả lời.
Đây là đổi mới đây, chúng ta với tinh thần truy đến cùng, không đánh trống bỏ dùi. Như vậy chúng ta sẽ góp phần tổng kết nhiệm kỳ, nhìn lại xem chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì. Sau phiên chất vấn tổng kết này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết thể hiện rõ những gì đã làm được và chưa làm được” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Về việc chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ông Hùng lưu ý: “Đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội phải phù hợp với lòng dân, tô hồng lên hoặc bôi đen là không được. Phải xem nhân dân đánh giá thế nào, trong nước đánh giá thế nào, quốc tế đánh giá chúng ta thế nào”.
Ngành kiểm sát đề nghị thay đổi trang phục vì giống công an Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với các tờ trình của chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao về việc thành lập TAND, viện KSND ở một số huyện, thị xã, thành phố vừa được nâng cấp hoặc thành lập mới. Liên quan đến đề nghị thay đổi màu sắc, chi tiết của trang phục ngành kiểm sát, Ủy ban Tư pháp không đồng tình vì cho rằng sự thay đổi này gây tốn kém ngân sách, hơn nữa ngành này mới đề nghị thay đổi trang phục vào năm 2012. Giải thích về lý do đề nghị thay đổi, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Anh em trong ngành cũng ưng bộ lễ phục này nhưng mặc lên thì lại thấy nó giống lễ phục của ngành công an, một số cán bộ ngành công an có ý kiến nên chúng tôi đã cho tạm thời dừng lại chưa mặc lễ phục mà vẫn mặc thường phục”. Nghe lập luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình: “Có pháp luật quy định rồi thì các đồng chí cứ mặc đi chứ tại sao lại không mặc, các đồng chí không mặc cũng là lãng phí, cất vào kho lâu nó cũng hỏng đi chứ. Một bên là trang phục đã quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một bên là một vài ý kiến của ngành nọ ngành kia thì các đồng chí thực hiện theo cái gì?”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận