24/09/2024 10:12 GMT+7

Đến ngay nơi bà con đang cần

Hai đội hình với 41 tình nguyện viên đại diện cho tuổi trẻ TP.HCM đã trở lại TP.HCM khuya 23-9 sau chuyến công tác đặc biệt 5 ngày đến với bà con vũng lũ hai tỉnh Lào Cai và Tuyên Quang.

Đến ngay nơi bà con đang cần - Ảnh 2.

Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải (phải) trao quà cho hộ gia đình chị Lê Thị Hồng (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) được hỗ trợ sửa nhà - Ảnh: C.TRIỆU

Chắc chắn những gì mà tuổi trẻ TP.HCM mang đến là rất nhỏ so với bao khó khăn mà bà con vùng lũ phải chịu đựng. Chỉ mong mọi người vững tâm để sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Anh NGÔ MINH HẢI (bí thư Thành Đoàn TP.HCM)

Nói đặc biệt bởi việc kết nối đội hình nhanh gọn và toàn "lính chiến" ít nhiều đã quen với hoạt động tình nguyện. Đặc biệt hơn nữa khi trong 5 tỉ đồng chia sẻ với bà con từ đóng góp của nhiều đơn vị, cá nhân có 2 tỉ đồng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ ủng hộ.

Những mái nhà mơ ước

Ngay khi đặt chân đến tỉnh Lào Cai, đội hình đã bắt tay khảo sát, lên bản vẽ cho ngôi nhà mới của gia đình ông Hoàng Văn Toàn tại thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát). Bí thư Huyện Đoàn Bát Xát Nguyễn Xuân Hùng nói đây là hộ gia đình diện "nghèo bền vững".

Ông Toàn lẫn con trai đều bị chậm phát triển. Mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai người vợ. Căn nhà tình thương cả nhà đang ở được xây tặng đã cũ nay thêm lũ về càng xuống cấp. Dù chậm chạp nhưng hay tin được xây nhà mới, ông Toàn cứ đi theo hỏi: "Có thiệt họ xây nhà mới cho mình không?".

Người hàng xóm nghe ông Toàn khoe cũng bán tín bán nghi. "Nhà này đúng khổ nên biết tin được xây cho nhà mới, tôi còn vui huống gì ông ấy. Căn nhà không dột nát là giấc mơ chứ hoàn cảnh ông bà ấy có làm cả đời may chỉ sửa được cái nền" - người hàng xóm góp chuyện.

Nhận tin đội thanh niên tình nguyện TP.HCM đến lợp lại mái nhà cho mình, chị Lê Thị Hồng (39 tuổi, ngụ xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) ngớ người mất vài phút. Chồng mắc bạo bệnh, con cái đang tuổi ăn học, cả gia sản có mỗi căn nhà cùng ít máy móc, thiết bị điện gia dụng nhưng đã bị nước lũ cao gần 2m nhấn chìm cả tuần lễ.

Chị Hồng thật thà bảo nhìn mọi thứ ngổn ngang cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu nên tính chuyển cả gia đình về ở ké nhà bà chứ cũng không có tiền mà sửa nữa. Trong một ngày, các bạn tình nguyện viên dốc hết sức cùng thanh niên địa phương dọn dẹp, lợp lại mái nhà. Trời nắng rát, mùi oi nồng của lớp bùn đọng lại sau lũ cùng công việc nặng làm ai nấy mệt nhoài.

Nhưng mong gia đình sớm ổn định cuộc sống nên cả đoàn hầu như dốc toàn bộ sức lực. "Rất may trước khi mặt trời lặn mọi việc cũng xong. Quần quật cả ngày nhưng nhìn cảnh gia đình quây quần thấy thương lắm nên mọi mệt mỏi tan biến" - tình nguyện viên Lê Xuân Sinh chia sẻ.

Đến ngay nơi bà con đang cần - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên TP.HCM giúp bà con thu hoạch lúa tại huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) sau bão lũ - Ảnh: D.QUÍ

Giúp đồng bào mình sớm ổn định

Nắng đã lên nhưng huyện miền núi Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) vẫn còn bộn bề khó khăn khi bão lũ đi qua. Dù đỡ thiệt hại về người song nhà cửa, lúa, hoa màu của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều điểm sạt lở vẫn chưa được dọn xong, nhiều nơi đất đá vẫn chắn ngang đường.

21 tình nguyện viên đội hình đến Tuyên Quang tận tay trao quà, tiền mặt, thu hoạch lúa, sửa nhà và cả khám bệnh, phát thuốc cho bà con. Bác sĩ Đặng Quang Toàn (Bệnh viện Chợ Rẫy) nói bão lũ đi qua, điều đầu tiên ảnh hưởng sẽ là môi trường sống nên dễ dẫn đến các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, nhiễm trùng của người dân.

"Sau các đợt khám, khá nhiều người dân có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, viêm da. Bệnh nhân có các bệnh nền trước đó như tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp cũng nặng hơn. Chúng tôi tư vấn kỹ kết hợp với thuốc điều trị" - bác sĩ Toàn nói.

Nhà cách Trung tâm y tế xã Bình Phú (huyện Chiêm Hóa) 4km, ông Nông Viết Quán (64 tuổi) phải tranh thủ đến từ sáng sớm chờ tới lượt vào khám. Ông Quán nói Bình Phú là xã vùng sâu vùng xa nên việc các bác sĩ, tình nguyện viên đến hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi khiến bà con cảm động lắm. "Các bạn ở mãi TP.HCM mà lên tận khu vực này giúp bà con làm chúng tôi rất cảm kích. Mà anh em nào trong đoàn cũng làm việc hết sức nhiệt tình với bà con" - ông Quán bày tỏ.

Cùng các bạn trong đội dọn dẹp nhà cho bà con, đưa tay quệt mồ hôi, anh Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, chỉ huy đội hình tại tỉnh Tuyên Quang - tâm sự đa phần các bạn trong đội không phải lao động dùng sức song chính cảm xúc, tinh thần phải hỗ trợ đồng bào mình nhanh nhất có thể nên ai cũng xắn tay mà làm, không nề hà bất cứ việc gì.

"Dù làm việc khá nặng nhưng ai nấy đều vui vẻ, nhiệt tình vì đó là khoảnh khắc được chia ngọt sẻ bùi cùng đồng đội và với đồng bào ruột thịt của mình" - anh Thành bộc bạch.

Cảm ơn tinh thần xung phong của tình nguyện viên

Sau hai ngày đội thanh niên tình nguyện TP.HCM đến hai tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cũng đã ra thăm hỏi, trao quà đến bà con vùng lũ một vài địa bàn của hai tỉnh này. Anh Hải nói sự thiệt hại, khó khăn do bão Yagi rồi lũ lụt kéo theo sau đó gây ra cho đồng bào nhiều mất mát khó lòng kể hết.

Ân cần hỏi thăm bà con, anh Ngô Minh Hải cũng trân trọng cảm ơn các tình nguyện viên nhanh chóng đại diện cho tuổi trẻ TP.HCM lên đường ngay với hàng trăm tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm sẻ chia cùng bà con vùng lũ. Dịp này, anh Hải đã trao giấy chứng nhận cho các tình nguyện viên xung phong có mặt trong chuyến công tác đặc biệt này.

Ân tình ở lại

Ông Ma Văn Chương (63 tuổi, ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) nói thật lòng rất biết ơn các bạn trẻ đến từ TP mang tên Bác. Trận lũ tràn về đã làm sập hoàn toàn cái chuồng trâu còn nhà ông ở kế bên cũng ngập tới nóc, lở tường, trôi đồ đạc.

Được các bạn giúp dựng lại chuồng trâu, dọn dẹp mớ ngổn ngang sau khi lũ rút, ông Chương xúc động: "Gia đình rất cảm kích trước tình cảm, sự quan tâm của các bạn thanh niên TP.HCM khi đến tận nơi thị sát, hỗ trợ tận tình rồi bỏ công sức phụ dọn dẹp và xây mới lại nhà".

Chút hơi ấm phương Nam đã vượt quãng đường tính bằng nghìn cây số để cùng san sẻ, nắm tay đồng bào mình trong cơn hoạn nạn như thế và sẽ còn ở lại mãi.

Đến ngay nơi bà con đang cần - Ảnh 3.Những trái tim trẻ ra Bắc giúp dựng nhà, nấu bún

Đang lo công việc ở Đức, nghe tin bão lũ, chị Kiều Thị Hồng Vân (thường gọi nàng Mây, 35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) lên các cộng đồng tình nguyện viên Việt Nam trên mạng xã hội để kết nối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp