19/01/2015 09:52 GMT+7

​Đến ngày hội, vững tin cho ngày thi

TRẦN HUỲNH - MỸ DUNG - MAI HOA
TRẦN HUỲNH - MỸ DUNG - MAI HOA

TT - Hơn 25.000 học sinh, phụ huynh đã đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ÐT tổ chức tại Trường ÐH Bách khoa (ÐHQG TP.HCM) ngày 18-1.

Hàng vạn học sinh đến dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 - Ảnh: Như Hùng

Niềm tin đã thay thế những âu lo, băn khoăn mà các em học sinh mang đến ngày hội.

Trong số hàng chục ngàn học sinh về tham dự ngày hội có rất đông học sinh đến từ các tỉnh thành như Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Ðồng Nai, Bình Phước...

Đổi mới có lợi cho thí sinh

Đến tham dự lễ khai mạc Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM năm 2015 có: anh Nguyễn Đắc Vinh - ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; GS.TSKH Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đồng trưởng ban tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015; anh Nguyễn Phi Long - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN; TS Hà Hữu Phúc - vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM; PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT; PGS.TS Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT; anh Lâm Đình Thắng - phó bí thư thường trực Thành đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM; ông Phạm Đức Hải - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM; ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ và ông Lê Khắc Hiệp - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Sau khi cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2015, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ÐT - khẳng định: “Cách xét tốt nghiệp THPT giống hệt năm ngoái, kể cả đề thi cũng kế thừa đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2014, vì vậy các em hoàn toàn yên tâm".

Ông Nghĩa nói thêm: "Ðể làm tốt bài thi kỳ thi THPT năm nay các em có thể ôn thi như trước đây”.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý thí sinh kỳ thi năm nay có một số nét mới đáng chú ý: thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ sau khi có kết quả thi THPT quốc gia.

Ðiều này có lợi cho thí sinh, thí sinh có cơ sở để chọn ngành, trường ÐH, CÐ phù hợp với mình.

Mặc dù đến tháng 8-2015 thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ nhưng ngay khi đăng ký các môn thi vào đầu tháng 3-2015 các em cần định hướng sẽ học trường nào đó và ngành học phù hợp.

Ðối với thí sinh tự do chỉ đăng ký các môn liên quan đến ngành mình đăng ký xét tuyển (ví dụ như ngành tuyển khối A chỉ đăng ký thi ba môn toán, lý, hóa).

Thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp chỉ cần đăng ký thi bốn môn toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn.

“Các em lưu ý trong quá trình xét tuyển 20 ngày bắt buộc ba ngày/lần các trường phải công khai thông tin xét tuyển. Thí sinh có thể theo dõi nếu thấy điểm của mình có khả năng không trúng tuyển thì có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác" - ông Nghĩa khuyên. 

Ông Nghĩa tư vấn: "Mặc dù các em có thể nộp tối đa bốn ngành nhưng tôi khuyên các em không nên chọn ngành mình không yêu thích. Vì nếu trúng tuyển ngành nào đó rồi thì sau đó sẽ không được xét tuyển nữa, các giấy chứng nhận kết quả thi đều vô hiệu. Các em cố gắng tính toán để trúng tuyển ngay ở vòng 1”.

Nhiều trăn trở

Dù ông Nghĩa đã đưa ra nhiều lời khuyên về những đổi mới của Bộ GD-ÐT trong năm nay nhưng rất nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh vẫn tỏ ra lo lắng và nhiều trăn trở.

Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Ðức, TP.HCM) thắc mắc: “Thí sinh sẽ nộp phiếu xét tuyển thứ nhất ở đâu? Nếu không đậu hoặc thấy cơ hội không cao tại trường đã nộp thì thí sinh sẽ rút phiếu xét tuyển thế nào?”.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết có hai cách để nộp phiếu đăng ký xét tuyển, đó là nộp trực tiếp cho trường hoặc gửi qua đường bưu điện. Nhưng khi rút phiếu “giữa chừng” thì phải đến rút trực tiếp tại trường ÐH, CÐ.

Nhiều phụ huynh lo lắng 20 ngày sẽ không đủ để thí sinh vừa nộp phiếu xét tuyển ÐH, CÐ tại các trường và thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác này.

TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ÐH Kinh tế TP.HCM - khuyên thí sinh để tận dụng thời gian thì nên nộp hồ sơ trực tiếp và cân nhắc kỹ khi nộp phiếu xét tuyển vào một trường.

Cũng theo TS Hoàng, trong phiếu có bốn ngành của cùng một trường, khi ngành dự định đầu tiên xét tuyển không có khả năng thì có thể chuyển đổi sang ngành khác có điểm số “dễ chịu hơn”.

Một phụ huynh đến từ quận Tân Bình (TP.HCM) thắc mắc với thang điểm 20 thì cấu trúc đề thi sẽ như thế nào? Có chia riêng ra phần dành cho học sinh thi tốt nghiệp THPT và thi CÐ, ÐH hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Nghĩa khẳng định: “Phạm vi đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu vẫn là lớp 12, không ra theo kiểu đánh đố học sinh. Ðề thi vừa đảm bảo hai yêu cầu bắt buộc có những nhóm câu hỏi đảm bảo học sinh trung bình có thể làm được và một nhóm câu hỏi để phân loại học sinh là cơ sở để các trường ÐH, CÐ xét tuyển”.

Trong khi đó, một học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) băn khoăn việc năm nay Bộ GD-ÐT quy định kỳ thi THPT quốc gia có ba môn toán, văn, tiếng Anh bắt buộc và một môn tự chọn. Việc các bạn thi ÐH khối D1 thì chỉ cần thi thêm một môn bất kỳ, tức là chỉ thi bốn môn. Còn những bạn có nguyện vọng thi khối A, B phải thi thêm môn hóa, lý, sinh thì phải thi tới sáu môn. Như vậy có bất công đối với thí sinh không dự thi khối D1?

Trương Thị Bảo Trân, học sinh Trường THPT Trương Ðịnh (Tiền Giang), thắc mắc tại sao Bộ GD-ÐT không đổi chương trình học trước rồi sau đó mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Hiện nay học sinh vẫn phải học theo chương trình cũ, chưa hề làm quen với cấu trúc đề thi của kỳ thi THPT quốc gia... Việc này đã làm giáo viên và học sinh hoang mang.

“Muốn các em nhìn xa hơn”

2015 là năm đầu tiên áp dụng kỳ thi chung quốc gia với nhiều thủ tục đã thay đổi so với trước.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (phó hiệu trưởng ÐH Nông lâm TP.HCM) cho biết hầu hết câu hỏi của các học sinh năm nay đều xoay quanh vấn đề về phương thức xét tuyển, cách thức tuyển sinh riêng của các trường, chứ không như những năm trước các em thường băn khoăn về việc chọn ngành nào, theo sở thích cá nhân hay truyền thống gia đình, bố mẹ định hướng...

“Tôi nghĩ việc đổi mới về kỳ thi phần nào cũng làm các em thấy hoang mang, nhất là những em có lực học trung bình. Nhưng dù có đổi mới thế nào thì cũng là lấy người học làm trung tâm, những người làm chính sách luôn mong muốn những điều tốt nhất cho các em”, thầy Hùng chia sẻ.

Dành điều tốt nhất cho con cũng là suy nghĩ của vợ chồng cô giáo Nguyên Minh (Q.8, TP.HCM) khi đưa con đi nghe tư vấn hướng nghiệp. Là giảng viên một trường ÐH lớn ở TP.HCM nhưng bà chưa từng ép con phải thi vào. Cả gia đình ngồi chăm chú nghe các thầy cô tư vấn về cách chọn ngành nghề cho phù hợp, cách giữ gìn sức khỏe trước kỳ thi rồi cặm cụi ghi chép lại.

Bà Minh nói hồi mình chọn trường để thi đại học không có ai tư vấn, chỉ cách phải làm thế nào, nên dù thích ngành báo chí mà cuối cùng lại chọn học kinh tế. “Chọn một nghề để học là chọn một lối vào đời, quan trọng lắm, nên cứ để con nghe rồi về suy nghĩ cho thật kỹ” - bà Minh nói.

Trong ngày hội này, có rất nhiều học sinh ở miền quê chưa từng ra thành phố.

Quá nhiều thứ mới, thứ lạ ở nơi đông đúc này và các em đều tò mò muốn biết. Ðôi khi những câu hỏi đặt ra thật rụt rè, ngượng ngùng. Nhưng dường như điều đó lại khiến những người làm công tác tư vấn thấy thương mến và bao dung hơn với cái ngây ngô dễ thương của tuổi học trò.

“Thưa thầy, ở VN có trường nào đào tạo ngành diễn thuyết không ạ?”. “Thầy ơi, em học cả khối A, khối B thì biết chọn trường gì cho phù hợp? Ở đây em thấy nhiều trường quá mà không biết nên chọn trường nào?”...

“Em muốn nói là trường phù hợp hay trường dễ đậu?” - câu nói đùa của ông Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) ở quầy tư vấn tâm lý - sức khỏe - gỡ rối hướng nghiệp khiến cậu học sinh lớp 12 Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng phì cười theo các bạn.

Ông Tuấn nói thêm: “Tôi muốn các em đang ngồi đây hãy nhìn rộng hơn, hãy chọn một ngành mà mình thật sự thích. Việc làm là vấn đề quan trọng mà bất cứ ai cũng quan tâm, nhưng tôi muốn các em nhìn xa hơn. ASEAN sắp mở cửa, 14 triệu việc làm đang chờ chúng ta, nếu mình giỏi chẳng sợ gì thất nghiệp. Trong tương lai các em có thể phải đi xin việc làm, nhưng cũng có thể làm chủ và tạo việc làm cho những người khác, tôi tin tưởng các em có thể nghĩ được và làm được những điều như vậy”.

* Ông LÊ KHẮC HIỆP (phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup):

Sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tuổi Trẻ

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ là chương trình rất bổ ích, nhiều năm nay đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của các em học sinh trên khắp cả nước, vì mỗi năm có hàng chục vạn học sinh tốt nghiệp phổ thông đứng trước nhiều lựa chọn cho tương lai với nhiều băn khoăn, lo lắng.

Chương trình này giúp các bạn hiểu rõ mình có sở trường gì và nên chọn ngành nào phù hợp nhất.

Qua sự trông đợi, ủng hộ đông đảo mỗi mùa tuyển sinh về, chương trình đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ và ý nghĩa xã hội hết sức tích cực.

Ðặc biệt năm nay việc tuyển sinh vào các trường ÐH, CÐ có nhiều thay đổi lớn nên việc tư vấn tuyển sinh cho các em học sinh càng cần thiết hơn nữa. Sự có mặt của hàng chục ngàn học sinh trong ngày hội hôm nay cho thấy sự quan tâm của các em về kỳ thi sắp tới cũng như sức hút của chương trình.

Ngoài ra, chúng tôi còn thấy có đông đảo phụ huynh, giáo viên cũng đến với ngày hội, điều này khiến chúng tôi rất vui mừng khi được đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ. Ðó cũng là lý do Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng chương trình trong năm năm qua.

Chúng tôi sẽ cố gắng để được tiếp tục đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình này trong những năm tiếp theo.

TRẦN HUỲNH ghi

“Tôi thấy em học quá nhiều”

“Cô ơi, ngày nào em cũng đi học thêm đến 9g tối, sau đó tự học tiếp đến 12g mới ngủ, sáng đi học sớm. Lịch của em như vậy có hợp lý hay không mà sao em thấy mệt quá, học không tập trung được...?” - Thành An (Biên Hòa, Ðồng Nai) đặt câu hỏi.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) mỉm cười trả lời: “Tôi thấy em đang học quá nhiều, cần phải nghỉ ngơi thêm một chút. Thật ra chuyện học thêm như con dao hai lưỡi, kiến thức thì nhiều nhưng đó là của thầy cô, em phải có thời gian để cái đầu mình kịp “tiêu hóa”, biến những kiến thức đó thành của mình mới được".

BS Hạnh khuyên: "Khi đã cảm thấy rất mệt và buồn ngủ, cầm sách lên nhưng thật ra mình đâu có học được gì. Em nên nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy tỉnh táo. Ở trên lớp cũng đừng có giờ môn này lại lôi môn kia ra học, cuối cùng chẳng có môn nào ra môn nào. Có một kinh nghiệm là nên học bài theo đề cương, dàn bài, tức là học theo kế hoạch từng tuần, từng tháng để nhớ lâu hơn, còn các môn phụ em nên cố gắng nắm bài ngay trên lớp để tiết kiệm thời gian, không phải học lại ở nhà. Em đừng rối lên nhé”.

Cậu bé ngồi dưới thấy có người “nói trúng tim đen” thì hơi xấu hổ, khẽ cười thẹn.

Có em lại hỏi ba mẹ thường cho em ăn rất nhiều óc heo để được thông minh, có đúng hay không?

Câu hỏi làm cả khu vực tư vấn cười ồ. Cũng theo lời bác sĩ Hạnh thì quan niệm “ăn gì bổ nấy” trong trường hợp này không đúng, thậm chí trong óc heo còn có nhiều cholesterol, ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

“Giá mà ba mẹ em cũng nghe được những lời này”, cô học trò tên Linh San ngồi dưới khẽ nói.

San cho biết ba mẹ kỳ vọng vào em rất nhiều, nên từ năm em học lớp 12 lúc nào ba mẹ cũng chăm con rất kỹ, ép ăn uống hết thứ này đến thứ khác. Có thông minh hơn hay không chẳng biết, nhưng cô bé 18 tuổi mới chỉ nặng được 37kg.

Có đôi khi sự kỳ vọng và chăm chút của cha mẹ lại gây ra những áp lực tinh thần quá lớn với con.

Như lời Tăng Ðức Bảo, học sinh Trường THPT Mạc Ðĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), kể các bạn trong lớp học thêm nhiều quá, cứ lên lớp là lăn ra bàn ngủ gọi không dậy được.

Tại khu vực tư vấn về nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật - y dược - nông lâm, Bảo ngồi đợi đến trưa khi mọi người về gần hết mới đến bàn của thầy hiệu phó Trường ÐH Khoa học tự nhiên hỏi cặn kẽ về thủ tục xét tuyển, tỉ lệ chọi ảo nếu như mỗi người được gửi tới bốn hồ sơ. Bảo thích ngành công nghệ thông tin và muốn chọn thi vào trường này.

Mẹ Bảo đứng bên cạnh chăm chú nghe cuộc trò chuyện giữa hai thầy trò. Thấy con hỏi chuyện tự tin, đâu ra đấy, bà khẽ mỉm cười.

Trước giờ, gia đình vẫn hướng cho Bảo thi vào ngành y dược, nhưng từ nhỏ cậu đã có năng khiếu đặc biệt về máy tính. Cứ mua cái máy nào về là cậu tháo tung ra, mò mẫm lắp ráp lại, cái gì cũng biết. Bà đành chiều con. Bữa nay, bà đưa cả em trai Bảo mới học lớp 9 đến để xem thông tin về các trường đại học, các ngành học.

“Ðịnh hướng sớm như vậy sẽ tốt hơn, cháu chọn được ngành rồi sau này cứ vậy mà học, không phải lo lắng thêm nữa”.

MAI HOA

TRẦN HUỲNH - MỸ DUNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp