Thượng tá Trần Thanh Sơn - trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Sơn La - trao đổi tại họp báo - Ảnh: VŨ TUẤN
Lúc 9h30 sáng nay 3-7, Công an tỉnh Sơn La đã tổ chức họp báo thông tin kết quả vụ triệt phá ổ nhóm ma túy "khủng" ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Như tin Tuổi Trẻ Online đã đưa, từ ngày 27 đến ngày 30-6, Công an tỉnh Sơn La đã triệt phá ổ nhóm ma túy lớn ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông. Đây là chuyên án đặc biệt với 300 cảnh sát, 7 xe bọc thép và nhiều phương tiện khác.
Sau 2 ngày vây ráp, đấu súng nghẹt thở, ban chuyên án đã triệt phá thành công ổ nhóm, tiêu diệt 4 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng đặc biệt nguy hiểm là Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận.
Nguyễn Thanh Tuân quê ở Thạch Thất, Hà Nội, có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Nguyễn Văn Thuận, quê ở tỉnh Hà Nam, có 2 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Chiến dịch vây bắt và tiêu diệt các đối tượng truy nã do Công an tỉnh Sơn La phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triển khai với khoảng 200 công an tham gia phá án
Tại họp báo, thượng tá Trần Thanh Sơn - trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Sơn La - nhấn mạnh 2 đối tượng này là mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, số lượng rất lớn.
"Trong các năm 2012-2013, Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xử lý hình sự, cả 2 đối tượng đã bỏ trốn về bản Lũng Xá và bản Tà Dê của xã Lóng Luông cát cứ, lôi kéo số đối tượng truy nã ở các nơi khác về đây", ông Sơn cho biết.
"Chúng tiếp tục điều hành, mua bán ma túy, vô hiệu quá cấp ủy, chính quyền cơ sở. Điểm trú ngụ của chúng được xây dựng theo hệ thống liên hoàn, nhiều lớp rào bao bọc, có hầm ngầm, có lắp đặt hệ thống camera quan sát, tích trữ gas, xăng, vũ khí quân dụng cố thủ, thường xuyên lôi kéo các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiệm ma túy đến ở, trông coi, bảo vệ".
Nhà Tuân thường xuyên có 14 đối tượng, trong khi nhà Thuận cũng có 3 đối tượng luôn sẵn sàng tử thủ.
Đại tá Phùng Tiến Triển - phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La - thông tin thêm cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhiều đối tượng liên quan đến vụ án này.
Cuộc họp báo thu hút đông đảo các cơ quan báo chí tham gia đưa tin - Ảnh: VŨ TUẤN
Khám nghiệm hiện trường vô cùng nguy hiểm
Trao đổi với báo chí, đại tá Phùng Tiến Triển kể về quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án này hoàn toàn khác với các cuộc khám nghiệm hiện trường khác: "Cực kỳ nguy hiểm vì chúng chuẩn bị khá nhiều vũ khí, lựu đạn, thuốc nổ, bình gas..."
"Cơ quan chức năng đã xác định địa chỉ mua bình gas, bao nhiêu bình. Tại cửa ra vào có 2 bình gas, 4 can xăng và 2 quả lựu đạn. Sức công phá của những loại 'bom tự chế' này rất lớn, tầm sát thương khoảng 200m", ông Triển nói.
Phó giám đốc Công an Sơn La cho biết ban chuyên án đã nghiên cứu, tính toán để lên phương án tiếp cận, sử dụng các phương tiện, công cụ hiện đại của Bộ Công an cung cấp.
"Lựu đạn rải khắp nơi trong nhà, 49 khẩu súng các loại, nhiều khẩu còn mới nguyên, 31 ống ngắm để bắn tỉa. Trong nhà có 2 két sắt, 1 két trống, 1 két là tủ chứa vũ khí. Điều kiện gây nổ rất dễ", ông Triển miêu tả.
Một khó khăn khác là lực lượng khám nghiệm hiện trường không phải là lực lượng chiến đấu, việc đảm bảo cho lực lượng này không dễ dàng. Công an phải xác định đường vào, xác định đối tượng nào đã bị hạ, đối tượng nào còn sống, đồng thời triển khai công tác tuyên truyền, vận động...
Đại tá Phùng Tiến Triển - phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La - trả lời báo chí - Ảnh: VŨ TUẤN
Tại sao đến bây giờ mới đánh án?
Với câu hỏi này từ báo chí, ông Phùng Tiến Triển chân thành chia sẻ: "Vì dân chưa phải của ta, chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt".
Ông Triển cho biết các lực lượng đã phải thực hiện công tác vận động từ sau Tết Nguyên đán 2018. Theo phó giám đốc Công an Sơn La, chính quyền địa phương và nhân dân chưa đồng tình việc triệt phá tụ điểm ma túy này cũng vì người thân của họ liên quan đến ma túy.
"Họ vừa có lợi, vừa không muốn con em, người thân của mình bị bắt. Bộ Công an đã kiên trì gửi thư kêu gọi cho các đối tượng, cho người thân... Bản thân tôi đã trực tiếp về quê nhà Tuân, đưa mẹ hắn đến vận động Tuân", ông Triển kể.
Công an cũng kiểm soát tất cả các tuyến đường, đảm bảo không còn đối tượng khác vào Lóng Luông.
"Khi biết công an bao vây, các đối tượng tội phạm quốc tế ngoài biên giới đã cắt toàn bộ nguồn cung ma túy cho các đối tượng Tuân và Thuận. Tuân và Thuận biết đang bị công an bao vây, chúng cũng chủ động không chuyển ma túy", đại tá Triển cho biết.
"Cách đây 2 tháng, lực lượng trinh sát phát hiện Tuân có dấu hiệu chuyển tài sản, chuyển tiền về cho gia đình. Trong 2 tháng vừa qua, chúng cầm cự bằng khoản tiền nhỏ, thiếu ma túy, thiếu thuốc men..."
Ông Phùng Tiến Triển cho biết công an phải về quê nhà Tuân, đưa mẹ hắn đến vận động Tuân - Ảnh: VŨ TUẤN
Xử lý xong Tàng "Keangnam" thì Tuân và Thuận nổi lên
Câu hỏi "tại sao để tụ điểm này kéo dài?" tiếp tục được đặt ra, đại tá Phùng Tiến Triển cho biết: "Công an tỉnh Sơn La trung bình mỗi năm phát hiện, bắt giữ 1.000 vụ liên quan đến ma túy, thu giữ hàng tạ heroin, nhựa thuốc phiện. Sơn La là một trong những địa bàn trọng điểm về ma túy, tụ điểm nào, 'anh hùng hảo hán' nào xuất hiện, gây nguy hiểm thì phải xử lý trước".
Theo ông Triển, mấy năm trước Tuân và Thuận còn chưa có tên trong danh sách các tội phạm cộm cán, hai đối tượng này mới về địa bàn Lóng Luông được hơn 4 năm.
"Khi đó lực lượng công an, biên phòng tập trung đấu tranh triệt phá đường dây của Tàng 'Keangnam'", phó giám đốc Công an Sơn La nói.
"Bắt được Tráng A Tàng chỉ mới chặt đứt được một mắt xích. Từ vụ Tàng đã phát hiện các toán vũ trang khác, có toán đến 28 đối tượng, có những đêm 5-6 toán đưa ma túy vào địa bàn, có toán vũ trang hoạt động gần 2 năm trời".
Ông Triển cho biết phải mất gần 1 năm rưỡi mới cơ bản xử lý xong các toán vũ trang này vì đó toàn là các tội phạm quốc tế, có vũ khí, khi bắt phải đảm bảo yếu tố pháp lý.
"Xử lý Tráng A Tàng và các toán vũ trang đó thì phát hiện Tuân và Thuận mới nổi lên. Ban chuyên án phải 'chặt' nguồn cung, nguồn cầu để cô lập các đối tượng", ông Triển nói.
Về nguồn gốc số vũ khí "khủng" nêu trên, đại tá Phùng Tiến Triển cho biết phải chờ kết quả điều tra. "Số vũ khí này hiện nay là vật chứng để phục vụ điều tra, h iện chưa công bố được, không loại trừ khả năng vẫn còn vũ khí trang bị cho đồng bọn đang lẩn trốn", ông Triển nói.
Với câu hỏi về xe bọc thép dùng trong chuyên án, ông Triển thông tin đây là xe đặc chủng được Nhà nước trang bị cho lực lượng CAND, chủ trương là phục vụ công tác tuyên truyền, vận động, cụ thể là đưa cán bộ, người thân vào sát nhà Tuân, nhà Thuận để vận động.
Trong thời bình thế này mà để chiến sĩ trong lực lượng vũ trang phải hi sinh là vấn đề tôi đau đáu nhất. Đây cũng là yêu cầu của lãnh đạo. Và kết quả chính thức của lần đánh án này là không có công an, biên phòng, người dân phục vụ nào bị thương. Không có nhà nào trong bản bị thiệt hại về tài sản, hoa màu, gia súc...
Hi vọng có đối tượng ra đầu thú
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc tiếp tục truy tố 31 đối tượng khác ở Lóng Luông và các vấn đề "hậu Lóng Luông", ông Triển chia sẻ: "Đây là vấn đề vô cùng quan trọng. Các vụ án thời gian qua như Tàng 'Keangnam', Tuân, Thuận... mới chỉ là các mắt xích, liên tục mắt xích này bị chặt sẽ có những mắt xích khác xuất hiện".
Phó giám đốc Công an Sơn La khẳng định việc ưu tiên hiện nay là tập trung xử lý 31 đối tượng trong vụ án Lóng Luông: "Hi vọng trong vài ngày tới, khi triển khai kế hoạch, sẽ có đối tượng ra đầu thú. Chúng tôi đã xin chủ trương nếu tội phạm ra trình diện, giao nộp vũ khí sẽ chưa bắt mà giao về cho gia đình, chính quyền địa phương quản lý để thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của luật pháp".
Ông Triển cũng chia sẻ việc "câu nhử" 10 đối tượng ở nhà Tuân và Thuận là yêu cầu bắt buộc trước khi "đánh án": "Đây là 10 tay súng nên phải 'câu nhử' ra ngoài trước. 10 đối tượng này đã được đưa vào Trung tâm '05, 06', một số sẽ được chuyển vào trại tạm giam của Công an tỉnh Sơn La sau khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đối tượng khác không liên quan sẽ được tổ chức cai nghiện".
Về lâu dài, theo ông Triển, phải tiếp tục làm tốt công tác chuyển hoá địa bàn đối với một địa bàn nóng về ma tuý như thế này, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo môi trường lành mạnh.
"Mục tiêu chính trị của tỉnh Sơn La là không còn ma tuý ở khu vực này. Chính quyền sẽ tiếp tục giúp đỡ người dân về giống, vốn, cách làm để bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", ông Triển nói.
“Đại bản doanh” của trùm ma túy sau đợt trấn áp của ban chuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG
Ông Phùng Tiến Triển cũng khẳng định Sơn La hiện không còn tụ điểm nào như tụ điểm của Tuân và Thuận: "Từ kinh nghiệm xử lý các vụ Tráng A Tàng, các toán vũ trang và Tuân, Thuận, Công an tỉnh Sơn La sẽ triệt phá ngay những đối tượng mới nổi".
Với câu hỏi những khó khăn của lực lượng công an, đại tá Triển nói "đây là nhiệm vụ, khó khăn chúng tôi không kêu ca, chúng tôi không nhắc đến".
"Vậy bây giờ Lóng Luông đã bình yên chưa?", câu hỏi được đặt ra. Phó giám đốc Công an Sơn La cho biết nhiều tháng nay, công an, người dân, khách du lịch... vẫn vào Lóng Luông, và đến khi triển khai chuyên án thì "chưa bao giờ công an vào đánh án mà dân đứng hai bên đường vỗ tay".
"Hiện nay đã an toàn, chỉ lưu ý một số đối tượng truy nã, đối tượng khác vẫn còn lẩn trốn", ông Phùng Tiến Triển cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận