Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết El Nino được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang đầu năm 2024. Do đó, nguy cơ cao miền Nam sẽ ít mưa, xâm nhập mặn tăng.
Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, khu vực miền Nam cũng sẽ xuất hiện các hiện tượng như: mưa lớn gây ngập lụt đô thị, triều cường, gió mạnh trên biển, dông, sét, gió giật...
* Vì sao xảy ra hiện tượng mưa lớn và liên tục tại khu vực Nam Bộ thời gian gần đây, thưa ông?
- Thông thường mùa mưa Nam Bộ sẽ xảy ra từ tháng 5 tới tháng 11, trong đó tháng 7 là thời điểm mưa tăng dần.
Tuy nhiên thời gian gần đây đã xảy ra đợt mưa lớn diễn ra diện rộng, hầu khắp các tỉnh thành Nam Bộ.
Trong các ngày từ 25-6 đến 3-7, miền Nam có mưa liên tục và được xem là đợt mưa kéo dài nhiều ngày nhất từ đầu năm tới giờ.
Nguyên nhân chủ yếu do thời kỳ này gió tây nam hoạt động mạnh.
Bên cạnh đó, xuất hiện vùng thấp tạo hội tụ gió, ẩm ngay trên khu vực. Hai yếu tố này gây nên mưa lớn kéo dài. Do vậy, nhiều khu vực có lượng mưa khá lớn.
Một số nơi có lượng mưa nhiều như Dĩ An (Bình Dương) 330mm, Thuận An (Bình Dương) 317mm, Bù Nho (Bình Phước) 317mm, TP Thủ Đức (TP.HCM) 284mm, Hóc Môn (TP.HCM) 178mm.
Tại TP Thủ Đức, một số ngày xảy ra mưa to liên tục như ngày 30-6 mưa đạt 65mm, ngày 1-7 đạt 65mm và ngày 2-7 đạt 87mm. Thậm chí tại một số nơi, nhiều ngày lượng mưa xấp xỉ 100mm như Dĩ An ngày 30-6 đạt 91mm, 1-7 đạt 57mm, 2-7 đạt 94mm...
Tương tự, tổng lượng mưa của miền Tây trong đợt này cũng dao động 150 - 250mm. Như vậy, chỉ một đợt mưa đã có tổng lượng tương đương cả tháng.
* Thưa ông, có phải là thời tiết bất thường hay không khi mưa xuất hiện cả ban ngày và kéo dài tới tối?
- Nếu bị ảnh hưởng bởi gió mùa tây nam, thời tiết chủ yếu sẽ là buổi sáng trời nắng, trưa có nắng mạnh. Từ khoảng sau 15h hằng ngày, mây dông phát triển, chiều tối khi lượng ẩm do gió tây nam thổi từ biển vào đất liền nhiều, nhiệt độ không khí giảm dần, hội tụ ẩm tăng và đạt mức bão hòa sẽ xảy ra mưa.
Tuy nhiên, những ngày miền Nam có rãnh thấp (chứa các điều kiện gây mưa) vắt ngang qua, hoặc có vùng thấp ngay trên khu vực thì hội tụ ẩm hình thành cả ngày. Do đó, trời nhiều mây, nắng yếu, mưa sẽ xảy ra bất kỳ sáng, trưa, chiều, tối, đêm.
Xét các yếu tố trên, đợt mưa vừa qua không bất thường. Nhưng xét về độ kéo dài ngày, đây là một trong những đợt mưa hiếm.
* Năm nay dự báo El Nino chi phối thời tiết nhưng khu vực Nam Bộ vẫn mưa nhiều và có các đợt mưa to kéo dài, vì sao thưa ông?
- El Nino tác động trên quy mô lớn, các nước vùng gần xích đạo ảnh hưởng rõ nhất. Cường độ El Nino càng mạnh, mức độ ảnh hưởng càng rõ. Những năm El Nino hoạt động mạnh sẽ tác động phần lớn các tỉnh thành của nước ta. Biểu hiện rõ nhất là mưa giảm, thiếu hụt nguồn nước, nguy cơ hạn hán tăng.
Tuy nhiên, các nơi chịu tác động không giống nhau, mức độ cũng khác và còn tùy vào vị trí địa lý, điều kiện địa hình, mặt đệm... Theo quy luật hoạt động của chuyển động mặt trời, thời kỳ cuối tháng 6, đầu tháng 7 nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều ở miền Bắc. Còn miền Nam nắng nóng cực đại của năm thường rơi vào tháng 4, tháng 5.
Sang tháng 6 và tháng 7, miền Nam chỉ thỉnh thoảng có ngày nhiệt độ cao nhất đạt 35oC và rất hiếm trên 36oC. Do vậy, thời tiết những ngày qua là diễn biến đúng quy luật, không có sự bất thường.
* Vậy Nam Bộ sẽ có đợt nắng nóng nào trong thời gian tới hay không?
- Tại miền Nam, mưa sẽ tập trung nhiều vào các tháng 9 và tháng 10. Sẽ xuất hiện một số trận mưa trên 50mm, thậm chí trên 100mm. Mưa dông tập trung chủ yếu vào chiều tối, đêm và khả năng cao xuất hiện những đợt mưa kéo dài 3 - 5 ngày.
Một số ngày trong tháng 7 và tháng 8, buổi trưa nắng mạnh, trời oi bức. Tuy nhiên, mức nhiệt không vượt quá 36oC, tần suất ngày nắng cũng không thường xuyên. Từ tháng 11 là thời kỳ kết thúc mùa mưa, sang tháng 12, khi gió đông bắc hoạt động mạnh và gió tây nam chấm dứt, miền Nam chuyển sang thời kỳ mùa khô.
Miền Tây sẽ có nhiều trận mưa vào cuối ngày
Những ngày qua, các tỉnh miền Tây liên tiếp xuất hiện những trận mưa lớn, kéo dài. Ngành nông nghiệp các địa phương tận dụng "nguồn nước trời cho" này để chuẩn bị ứng phó với đợt El Nino sắp tới.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, từ ngày 6-7 mưa tiếp tục gia tăng vào buổi chiều. Mưa vừa, có nơi mưa to và dông phổ biến trên 2/3 diện tích của tỉnh Bến Tre.
Ông Đặng Hoàng Lam - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre - cũng đưa ra cảnh báo trong những ngày tới mưa dông, lốc xoáy, sét có thể gây gãy đổ cây cối, thiệt hại hoa màu và con người, tài sản nên người dân cần theo dõi để phòng tránh.
Tương tự, các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long cũng đưa ra dự báo sẽ xuất hiện những trận mưa lớn vào buổi chiều và đêm trong những ngày tới.
Tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 cơn lốc xoáy làm 2 căn nhà bị sập, 228 căn nhà bị tốc mái và gần 15.000 cây ăn quả các loại bị ngã, đổ. Tổng thiệt hại ước tính trên 15,5 tỉ đồng.
"Những trận mưa gần đây tuy lớn, kéo dài nhưng không xảy ra lốc xoáy nên không có thiệt hại", ông Nguyễn Đức Thịnh, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, cho hay.
Mưa lớn trong những ngày qua chủ yếu chỉ gây ngập cục bộ tại một số khu vực đô thị như TP Cần Thơ, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Đặc biệt, trận mưa vào ngày đầu tiên của tháng 7 đã gây ngập nặng trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ gây khó khăn cho người dân qua lại.
Những trận mưa lớn những ngày qua không những giúp "giải nhiệt" cho toàn khu vực mà còn là món quà trời cho để người dân khu vực miền Tây chuẩn bị bước vào một mùa khô được dự báo là sẽ gay gắt trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre - cho biết địa phương đã kêu gọi người dân tận dụng những trận mưa lớn trong những ngày qua để tích trữ nước, chuẩn bị cho đợt El Nino sắp tới.
"Bởi địa phương chưa có điều kiện để trữ nước quy mô lớn nên mỗi người dân tự tích trữ nước là một giải pháp hay để ứng phó với đợt khô hạn sắp tới", ông Đức nói.
MẬU TRƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận