21/12/2016 13:09 GMT+7

Đến bảo tàng Lịch sử TP.HCM xem áo vua, hoàng hậu, cung phi

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Triển lãm Vàng son nhung gấm - Trang phục cung đình triều Nguyễn vừa khai mạc sáng 21-12 tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), giới thiệu 70 hiện vật gồm trang phục và đồ trang sức.

 

Nhiều du khách nước ngoài thích thú xem triển lãm Trang phục triều Nguyễn tại buổi khai mạc - Ảnh: L.Điền
Nhiều du khách nước ngoài thích thú xem triển lãm Trang phục triều Nguyễn tại buổi khai mạc - Ảnh: L.Điền

Đây là đợt “trình diễn” những mẫu áo vua, hoàng hậu, cung phi, các quan đại thần... trong triều Nguyễn. Chuyên đề triển lãm này được kết hợp giữa hiện vật của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và một số nhà sưu tập tư nhân.

Khách tham quan và giới nghiên cứu sẽ có dịp tận mắt chứng kiến một loạt trang phục cung đình lần đầu ra mắt công chúng dưới dạng hiện vật gốc: Áo đại triều hoàng thái tử; bộ nữ phục cung đình; áo hoàng hậu (Phụng bào); áo vua (hoàng bào thường triều); áo thường triều quan võ nhị phẩm, nhất phẩm; áo đại triều quan võ nhị phẩm; áo thường triều và đại triều của quan văn nhị phẩm; áo thường triều và thường phục của quan văn tam phẩm...

Chiếc áo thường triều của vua Đồng Khánh khi ông còn là Hoàng thái tử - Ảnh: L.Điền
Chiếc áo thường triều của vua Đồng Khánh khi ông còn là Hoàng thái tử - Ảnh: L.Điền

Đặc biệt có hai chiếc hoàng bào của vua Đồng Khánh (niên đại khoảng năm 1886-1888), một chiếc hoàng bào thường triều lúc ông còn là Hoàng thái tử, và một chiếc hoàng bào thường triều lúc ông đã lên ngôi, vạt trong chiếc áo này còn có dòng chữ Hán viết tay bằng son: Đồng Khánh Ngự Lãm. Hai chiếc áo này là hiện vật của Bảo tàng Lịch sử TPHCM, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng từ trước 1975.

Chiếc áo hoàng bào thường triều của vua Đồng Khánh - Ảnh: L.Điền
Chiếc áo hoàng bào thường triều của vua Đồng Khánh - Ảnh: L.Điền

Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu chiếc mũ đại triều quan võ hàm nhất phẩm của Lê Văn Phong, được phục nguyên từ hiện vật khảo cổ học hồi trước 1975. Trong số hiện vật mũ miện còn các mũ quan võ chánh tam phẩm (phục nguyên), mũ xuân thu, và mũ quan văn chánh tam phẩm.

Du khách nước ngoài xem góc trưng bày các bộ nữ phục cung đình - Ảnh: L.Điền
Du khách nước ngoài xem góc trưng bày các bộ nữ phục cung đình - Ảnh: L.Điền

Chiếc mũ của quan võ nhất phẩm Lê Văn Phong có lai lịch đặc biệt: ông này là em trai của Tả quân Lê Văn Duyệt, phục vụ dưới triều Gia Long và Minh Mệnh, giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành. Ông mất vào năm 1824 và được an táng tại vị trí hiện nay là Bộ Tổng tham mưu Quân khu 7. 

Năm 1961, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã khai quật cải táng lăng mộ của ông. Trong quá trình khai quật, người ta tìm thấy phần di cốt còn mặc trên người bộ phẩm phục Đại triều của ông gồm: mão, cân đai, quần áo, thẻ đeo…, sau đó đưa về bảo quản tại Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn - nay là Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh.

Niên đại bộ phẩm phục được xác định vào những năm đầu thế kỷ XIX. Năm 2014, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với nhà nghiên cứu phục chế mũ mão cổ Vũ Kim Lộc thực hiện phục nguyên chiếc mão này.

Chiếc mũ của quan võ nhất phẩm Lê Văn Phong - Ảnh: L.Điền
Chiếc mũ của quan võ nhất phẩm Lê Văn Phong - Ảnh: L.Điền

Ngoài ra, nhóm hiện vật đồ trang sức giới thiệu các loại trâm cài tóc bằng bạc và bằng ngọc; vòng tay và nhẫn vàng cẩn đá quý...

Bộ trâm bạc và ngọc - Ảnh: L.Điền
Bộ trâm bạc và ngọc - Ảnh: L.Điền

Chuyên đề triển lãm này một mặt tái hiện phần nào những dấu vết trang phục cung đình triều Nguyễn. Một không gian bảo tàng thấp thoáng bóng hoàng bào, phẩm phục hoàng hậu cung phi... là ấn tượng đặc biệt đối với du khách ngày nay. Các hiện vật tinh xảo được làm nên từ bàn tay khéo léo của người Việt vẫn còn mang nhiều ý nghĩa xã hội và lịch sử.

Triển lãm mở cửa từ 21-12-2016 đến hết tháng 3-2017.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp