12/04/2023 13:57 GMT+7

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 2: Bay hay đi đường bộ đầy mùi thuốc súng?

Sáng ngày đầu tuần ở thủ đô Islamabad, tôi tìm đến Đại sứ quán Afghanistan do phái đoàn ngoại giao của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan tại Pakistan phụ trách.

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 2: Bay hay đi đường bộ đầy mùi thuốc súng? - Ảnh 1.

Một gia đình vừa ra khỏi sân bay để vào thủ đô Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Vietnam, "trường hợp đặc biệt"

Sứ quán Afghanistan nằm ở góc đường Luqman Hakeem và đại lộ Ataturk, thuộc Vùng xanh (Blue Area) của thủ đô Islamabad, nơi có trụ sở Bộ Ngoại giao Pakistan và tập trung nhiều cơ quan ngoại giao đoàn khác.

Thật bất ngờ là nơi đây đã có cả trăm người đứng ngồi ở bãi cỏ công viên cây xanh đối diện sứ quán. Họ chờ đợi đến giờ làm việc để xin thị thực hoặc làm các loại giấy tờ khác.

Gần 9h, các nhân viên cảnh vệ bắt đầu cho phép đám đông bước vào khu vực chờ xin thị thực lộ thiên với đường bên ngoài. Khoảng sân nhỏ có mái che, chỉ ngăn cách với bên ngoài bằng các dãy khối bê tông có chậu cây cảnh đặt bên trên.

Chúng tôi giơ cao tay để an ninh kiểm soát xem có cất giấu hung khí hay không rồi tranh thủ bước vào lấy tờ đơn xin thị thực do nhân viên lãnh sự ngồi ở đằng sau ô cửa kính nhỏ chìa ra.

Có một khu vực được che chắn riêng dành cho phụ nữ đến làm giấy tờ, nhiều người tay bế tay bồng con đi làm thủ tục. Cạnh đó là chỗ Photostate - dịch vụ chụp hình thẻ gọn lẹ có máy in màu tại chỗ, giá cho 4 tấm hình 3x4 tôi mới được chụp chỉ 20.000 đồng.

Sau khi điền vào đơn các thông tin cá nhân cơ bản cùng đính hai hình thẻ, tôi thuộc diện... "trường hợp đặc biệt" (người nước ngoài chứ không phải công dân Pakistan) nên phải ngồi chờ gọi vô phỏng vấn, khác đám đông đa số người địa phương chỉ nộp đơn kèm hộ chiếu là ra về.

Chờ một hồi lâu, với năm lần bảy lượt sốt ruột hỏi thăm hết nhân viên lãnh sự đến anh bảo vệ cầm súng AK gác cửa ra vào chỗ thị thực, rốt cuộc tôi cũng được đưa vào bên trong để viên chức ngoại giao lâm thời phỏng vấn.

Đó là một người đàn ông có diện mạo tác phong nghiêm nghị chỉnh tề, khá cởi mở với những câu hỏi nhẹ nhàng trong lúc tay ông liên tục lật xem hộ chiếu của tôi thật kỹ. "Anh gửi kèm một bản sao visa Pakistan của anh nữa", viên chức chốt gọn cuộc trao đổi và chúng tôi chào nhau.

Tôi nộp lệ phí xin thị thực 130 USD tiền mặt và được hẹn 15h chiều mai quay lại lấy visa. Tôi trở lại sứ quán đúng hẹn và lại chứng kiến cảnh đám đông trên trăm người đứng ngồi đợi kêu tên nhận lại hộ chiếu.

Hai tiếng đồng hồ đợi visa vẫn chưa thấy tăm hơi quả là... "dài như thế kỷ". Tôi bắt đầu "nín thở" hồi hộp khi nhìn đồng hồ tay đã hết giờ làm việc (17h), chút ánh nắng le lói cuối ngày đổ bóng qua những tàn cây, khoảng sân nhỏ chỉ còn vài người.

Đến 17h10, cánh cửa sắt cổng thị thực mở ra, người nhân viên lãnh sự bước ra gọi "Vietnam" và thế là tôi nhận lại trên tay hộ chiếu. Sau khi cẩn thận kiểm tra kỹ thông tin chính xác trên visa dán trong hộ chiếu, tôi nói lời cảm ơn mọi người và ra về trong tâm trạng khá vui. "Afghanistan, tôi đang đến đây!".

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 2: Bay hay đi đường bộ đầy mùi thuốc súng? - Ảnh 2.

Sân bay Kabul vắng vẻ - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Phá sản ý định đường bộ

Tôi có hai phương án đến Afghanistan từ Islamabad: bằng đường bộ hoặc hàng không. Nếu đi đường bộ, tôi sẽ trải qua hành trình nhiều chặng từ Islamabad đi xe đò đến thành phố miền tây Peshawar dài gần 190km.

Tôi phải ở trọ một đêm tại đây chờ sáng dậy sớm bắt xe đi đến cửa khẩu đường bộ Torkham cách đó 55km để nhập cảnh vào Afghanistan, sau đó lại bắt xe taxi từ biên giới đi liên tục đến thủ đô Kabul dài 230km và có ghé thành phố Jalalabad nằm gần giữa chặng đường này. Tôi được khuyến cáo bằng mọi giá phải đến Kabul trước khi màn đêm buông xuống để đảm bảo an toàn nhất có thể.

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 2: Bay hay đi đường bộ đầy mùi thuốc súng? - Ảnh 3.

Một bến xe khách cũ kỹ ở Kabul - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Nhưng cách đi đường bộ khá phiêu lưu và có phần trắc trở. Thành phố Peshawar nơi tôi định đến mới cuối tháng 1-2023 vừa xảy ra vụ đánh bom tự sát đẫm máu giết chết 101 người (chủ yếu là cảnh sát), 200 người khác bị thương tại Nhà thờ Hồi giáo Police Line.

Vùng này là nơi hay bị tấn công bởi Tehrik-e Taliban Pakistan (TTP - một tổ chức khủng bố thành lập từ năm 2007, hiện có khoảng 3.000 đến 5.000 chiến binh).

Trong khi đó, cửa khẩu Torkham - điểm trung chuyển chính dành cho khách du lịch và hàng hóa giữa Pakistan và Afghanistan - lại có thể đóng cửa bất cứ lúc nào sau những lần xảy ra những vụ xung đột, xả súng qua lại dọc biên giới giữa quân đội hai nước.

Thật may cho tôi sau khi cân nhắc đã không chọn vào Afghanistan qua ngõ bụi đường Torkham. Nếu không, tôi đã bị kẹt lại trong đợt cửa khẩu này đóng cửa lần gần nhất dài cả tuần lễ từ ngày 19 đến 25-2-2023 sau khi có tiếng súng nổ ở đường biên giới.

Bay đến Kabul

Trên tấm bảng thông tin ở ngoài sân sứ quán Afghanistan tại Islamabad có duy nhất một tờ quảng cáo được dán lên, cho biết bạn có thể mua vé bay từ đây sang Kabul của Hãng Ariana Afghan Airlines với hai chuyến mỗi tuần vào thứ năm và chủ nhật, giá vé 100 USD chiều đi và 170 USD chiều về.

Nhưng đáng tiếc là trước khi biết đến Ariana Afghan Airlines thì tôi đã mua vé online của Hãng Kam Air một chiều Islamabad - Kabul với giá 6 triệu đồng cho chặng bay thẳng chỉ dài 372km, bay vào đúng ngày tôi muốn!

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 2: Bay hay đi đường bộ đầy mùi thuốc súng? - Ảnh 5.

Ở chiều ngược lại, hành khách từ Kabul - Afghanistan bay sang Islamabad - Pakistan với những phụ nữ có gương mặt vui vẻ và không mang rèm che kín - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Kam Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Afghanistan được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2003. Ban đầu Kam Air có các tuyến bay quốc nội giữa Kabul đến Herat và Mazari Sharif, sau đó tiến ra quốc tế với các đường bay tới một số nước Trung Đông và châu Á, đặc biệt là các đường bay Dubai/Abu Dhabi (UAE) - Kabul.

Chỉ mất một giờ bay ngắn ngủi thôi là tôi đến sân bay quốc tế Kabul - nơi từng vô cùng hỗn loạn thời binh sĩ Mỹ di tản hồi tháng 8-2021. Khi đó, hàng chục ngàn người Afghanistan xông thẳng vào đường băng sân bay, đánh đổi cả mạng sống để đu lên máy bay quân sự bằng mọi giá rời khỏi đất nước này.

Một vụ nổ bom khủng bố giữa đám đông rối ren khi ấy đã giết hơn 70 người, trong đó có 13 lính Mỹ. Gần nhất ngay ngày đầu năm mới 1-1-2023, tổ chức khủng bố IS đánh bom tấn công khu vực quân sự của sân bay Kabul, khiến 50 người thương vong.

Bay qua những rặng núi đỏ hoang vu trùng điệp, chuyến bay của tôi hạ cánh đến sân bay quốc tế Kabul trong một buổi chiều nắng vàng rực.

Vẫn có người đến Afghanistan làm việc

Chuyến bay Kam Air RQ928 sử dụng máy bay Boeing 737 rất mới (mới đưa vào sử dụng 5 năm) với hơn 140 ghế đầy kín hành khách và cất cánh rời sân bay quốc tế Islamabad rất đúng giờ. "Anh đến Afghanistan du lịch à?", tôi lân la làm quen hỏi chuyện với anh bạn Pakistan đồng hành cùng chuyến bay. Anh tên Fayyaz, 40 tuổi, đáp: "Ồ không. Tôi là đầu bếp và sang Kabul làm việc cho một nhà hàng ở trung tâm thành phố. Tôi làm ở đó khoảng 6 tháng rồi tính tiếp".

Thì ra vẫn có nhiều người tìm đến Afghanistan để mưu sinh dù địa danh này trải qua hàng chục năm chiến tranh triền miên và đang bị nhiều khó khăn.

*********************

>> Kỳ tới: Salaam, xin chào Afghanistan

Hàng chục năm qua tin tức về chiến sự, các vụ tấn công tự sát, bom xe, bắt cóc, đòi tiền chuộc, giết hại con tin... là rào cản thép chặn đứng mong muốn của bất kỳ ai định đi du lịch Afghanistan. Tôi nhủ thầm quốc gia này chính là chuyến đi thuộc loại "duy nhất một lần trong đời"...

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 1: Súng AK và Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 1: Súng AK và 'bùa hộ mệnh' visa kẹp thông hành

Từ tháng 8-2021, lực lượng Taliban nắm quyền trở lại và đổi tên đất nước thành Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan nhưng chưa được sự công nhận của thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp