31/12/2015 23:25 GMT+7

Đêm giao thừa quần quật của 300 công nhân xây BV Nhi đồng

VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG
VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG

TTO - Khi người người đang xuống phố hay quây quần bên gia đình để chào đón thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ, hàng trăm công nhân vẫn cật lực trên những tầng cao để trong năm mới một tòa nhà khang trang sẽ thành hình.

Từ trên tầng cao nhìn xuống, từng tốp công nhân hối hả đan thép - Ảnh: Vũ Thủy
Từ trên tầng cao nhìn xuống, từng tốp công nhân hối hả đan thép - Ảnh: Vũ Thủy

Ca làm trải dài hai năm cũ - mới

Gần 22g đêm cuối cùng của năm 2015, công trường 12 hécta của công trình bệnh viện Nhi đồng TP.HCM  (huyện Bình Chánh) nằm kế cao tốc Trung Lương vẫn sáng đèn.

Tiếng sắt thép rền vang, tiếng xe chở gạch đá, máy trộn bêtông vẫn rầm rầm khắp công trường. Ca làm việc đặc biệt kéo dài từ năm cũ sang năm mới vẫn giữ nhịp như mọi ngày.

Anh Huỳnh Đức (ngụ quận 8) - phó giám đốc điều  hành công trình - và rất nhiều ban tổ của ban điều hành vẫn bám trụ cùng với hơn 300 công nhân trên công trường.

“Bệnh viện này là một công trình quan trọng của TP sẽ giảm tải cho bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 nên luôn trong trạng thái thi công khẩn trương, gấp rút”, anh Đức cho biết.

Dưới ánh sáng của những cột đèn rải khắp công trình, bệnh viện với hai khối nhà - một 4 tầng, một 8 tầng đã nên hình hài rộng lớn. Nơi đây sẽ có cả một khu y học hạt nhân để xạ trị - chức năng mà cả hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 hiện nay đều chưa có.

Trên hai sàn mái của cả hai khối nhà, máy cẩu vẫn đều đều nhả sắt thép, từng tốp công nhân miệt mài làm việc. Leo vào thang vận chuyển lên tầng 4 của khối nhà 4 tầng - nơi đội bêtông chuẩn bị cho một mẻ bê tông kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ.

Một ống dẫn bêtông đang phun bêtông vào rầm sắt. Nhóm trộn bêtông gần 20 người của anh Đỗ Nhuận Khang (27 tuổi) tập trung quanh đầu ống. Một tốp đứng giữ chắc ống, một tốp nâng đầu xịt để trải cho đều, nhóm khác lại sẵn sàng đồ cào để dàn bêtông. Xa xa phía TP đèn đuốc sáng trưng một góc trời.

Anh Khang cho biết mình làm ở công trường này được gần một năm. Trong đêm cuối cùng của năm 2015, anh vẫn chăm chỉ, cần mẫn với công việc đổ sàn bêtông của mình. 

Từ chiều, ba mẹ và mấy đứa em cũng đã về Cà Mau chơi, hỏi anh có đi đâu chơi không, anh bảo vẫn đi làm như ngày thường.

“Thật ra đi chơi thì ai không muốn. Thấy người ta đi chơi, mình đi làm thế này cũng buồn chứ. Nhưng vì công việc mà”, anh cho biết. Anh bảo làm trên công trường thế này mà lại vui. Anh em cùng xúm nhau vào làm cùng nhau để hoàn thành công trình.

Nhìn thành quả do chính anh em làm ra là những sàn bê tông láng mịn, vững chắc đó đã là niềm vui rồi. Anh Khang cho biết công việc của anh em làm sàn bêtông thường làm vào ban đêm. Anh Khang dự tính gần sáng sẽ hoàn tất công việc, lúc đấy anh em cũng tính kế hoạch rủ nhau đi giao lưu, ăn uống.

“Hôm nay làm, ngày mai được nghỉ chơi bù. Do mình chưa có người yêu nên cũng không sao cả”, anh tếu táo cho biết.

Đội bê tông sẽ mất khoảng 5 tiếng để hoàn thành công việc vào lúc 1-2 giờ sáng - Ảnh: Vũ Thủy
Đội bêtông sẽ mất khoảng 5 tiếng để hoàn thành công việc, dự kiến vào lúc 1-2 giờ sáng - Ảnh: Vũ Thủy

Công trường là nhà

Chú Đặng Văn Chiến (56 tuổi) - cán bộ giám sát an toàn - lại gắn bó với công trường gần 10 năm nay, ăn ngủ với công trường. Chú bảo với dân xây dựng nay đây mai đó thì công trường là nhà. Đêm giao thừa năm ngoái chú cũng đang ở một công trường khác.

Mái tóc bết lại vì mồ hôi lộ ra dưới vành nón bảo hộ, chú cười rất tươi bảo rằng năm nay chú thi công gần nhà. “Gọi điện về nhà kêu bà xã gà vịt sẵn rồi, 3-4 giờ đổ bê tông xong chú sẽ lái xe máy về nhà ngay”.

Hơn một năm ở công trình này, chú vẫn tranh thủ tối nào không trực chạy về nhà trong đêm thăm nhà, sáng mai lại chạy lên.  Chú khoe rằng từ đầu năm nay công trình an toàn 100%, không có tai nạn gì đáng kể, chỉ là dập tay, dập chân “thường thường”. Cái còi trong miệng chú thỉnh thoảng lại tuýt tuýt khi một anh công nhân nào đó chưa mang ủng hay chưa đội nón bảo hộ bước vào rầm sắt. 

Chân vẫn mang ủng, đầu đội nón bảo hộ, chàng trai trẻ nhất nhóm, anh Lã Văn Hùng (21 tuổi) quê Hà Nội, thành viên đội cẩu tháp tranh thủ đứng nghỉ sau khi đã pha đèn để cẩu chuyển một loạt ván và cốp pha từ dưới mặt đất lên nóc tầng 4.

Hùng kể năm ngoái giờ này vẫn còn là sinh viên xây dựng đang tụ tập cùng lũ bạn để ra hồ Gươm ngắm pháo bông. Năm nay anh lại mải miết ở một nơi cách nhà 2.000 cây số, giao thừa vẫn lẫn trong bụi cát công trường.

“Đầu giờ làm các bác đã gọi hỏi thăm. Giờ ở nhà đang rộn ràng gà, vịt. Cũng thích đi ngắm pháo hoa Sài Gòn cho biết nhưng công việc phải thế. Cứ tới công đoạn mình thì phải làm”, Hùng kể.

Chuỗi ngày nắng gió gần một năm qua trên công trường, Hùng giờ đã đen nhẻm, rắn rỏi và trở thành một anh công nhân mẫn cán trên công trường. Vài ba năm nữa, có lẽ công trường cũng sẽ trở thành mái nhà của Hùng, giống như chú Chiến và bao anh em công nhân xây dựng khác.

Giây phút nghỉ ngơi, nhấm nháp chai nước ngọt - Ảnh: Minh Phượng
Giây phút nghỉ ngơi của công nhân đêm cuối cùng của năm 2015 - Ảnh: Minh Phượng
VŨ THỦY - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp