03/01/2018 11:12 GMT+7

Đêm qua rơi xuống cội lòng…

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Tối 1-1-2018, một cuộc hội ngộ đặc biệt diễn ra tại tư gia nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ ở TP.HCM.

Bên ngoài, vầng trăng ngó xuống ánh đèn phố xá bên dòng sông rộng mênh mang. Sài Gòn góc này trong trẻo và yên bình. 

Bên trong có rượu, có thơ và nhạc, có sự nồng ấm với rất nhiều cung bậc cảm xúc của nhiều bạn văn và người yêu thơ.

Nhiều bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được ngâm, được đọc. Nhân vật chính ngồi yên trên xe lăn, nhìn đăm chiêu, mơ màng, cạnh bên là người vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - cũng đang mang bệnh, ngồi lặng ngây như một trẻ nít. 

Nhà văn gần như không nói, nhiều căn bệnh kinh niên khiến lời nói muốn phát ra phải thông qua rất nhiều trở lực. 

Nhưng dường như trong ông, những kỷ niệm của thời tráng niên lẫm liệt đang ùa về trong một sự xúc động đến nghẹn lòng. Sự xúc động ấy có khi chỉ biểu hiện bằng ngón tay khẽ rung...

Đêm qua rơi xuống cội lòng… - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) nắm thật chặt tay nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: THÁI LỘC

Từ Huế, nhà báo Minh Tự cũng góp giọng đọc qua điện thoại: "Thôi em cảm tạ con người / Đã thương đã ghét giữa đời vắng không / Đêm qua rơi xuống cội lòng / Vàng im ngọn lá ngô đồng thiên thu..." (Đêm qua - Hoàng Phủ Ngọc Tường). 

Những câu thơ như hắt bóng ông, một thi sĩ - triết gia, vào lòng người yêu thơ. 

Thơ nối thơ tiếp tục cất lên: "Những hành tinh ngẫm rồi thấy lạ / Bềnh bồng mà vẫn theo nhau / Anh với em, ừ thì cũng lạ / Bềnh bồng cho tới mai sau" (Bồng bềnh cho tới mai sau - Hoàng Phủ Ngọc Tường). 

Đó cũng là bài thơ mà theo nhiều người có mặt, nỗi buồn hay và lạ đến mức như thế, một ngày mai kia rất nên khắc sau bia đá...

Có nhiều khi tôi quá buồn/ Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi/ Mọc lên thật nhiều cây cỏ/ Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá/ Tôi gập người trên bóng tôi...

Và rồi tất cả cùng chăm chú theo lời thơ ấy trong Cỏ, chim sẻ và châu chấu của Hoàng Phủ cùng bài hát Nỗi buồn do Phú Quang phổ nhạc, được xướng lên bởi một giọng nam cao và ấm, những âm giai hòa điệu nhuần nhuyễn vào từng ý tứ, khẽ chạm vào tận đáy lòng sâu kín nhất của người nghe:

Nhà thơ Nguyễn Duy ôn lại nhiều kỷ niệm xưa với Hoàng Phủ. 

Nhiều người ngạc nhiên khi nghe Nguyễn Duy nhắc đến câu thơ "Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu" trong bài Nhớ bạn (Nguyễn Duy tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường) là do việc cấm nữ sinh mặc áo dài trắng của một thời ấu trĩ; còn câu "Chợ chiều Bến Ngự chưa tan/ Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình"... từng khiến Hoàng Phủ thốt lên: "Đó là tui rồi chứ còn ai vô đây nữa!".

Nhà văn Hoàng Phủ cũng rất xúc động khi "bé Lim" - Hoàng Dạ Thư, con gái ông - lần hiếm hoi từ rất lâu rồi, ôm guitar hát bài phổ thơ ông. 

Mọi cảm xúc dâng trào khi ông đưa cánh tay yếu ớt cố với lấy ly rượu. Rượu mạnh, dù chỉ vài giọt, đủ làm ông nấc sặc. Xen trong nhiều tiếng cười là những ánh mắt vừa yêu dấu, ngưỡng mộ, vừa ái ngại chen lẫn niềm thương cảm.

Trong những người có mặt, có người "ý thức" đây là lần hội tụ bạn văn cuối cùng với vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ. 

Riêng tôi, vẫn muốn tin, như lời chúc của nhà văn - võ sư Nguyễn Văn Dũng: "Anh phải khỏe để thêm lần về thăm Huế!"; rằng biết đâu chừng có một phép mầu nhiệm như phép mầu từng đưa ông vượt qua hai lần thập tử nhất sinh, để giờ này còn ngồi giữa mọi người nghe thơ, tri âm trong một niềm xúc động tận cội lòng...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp