14/01/2017 11:13 GMT+7

Đêm nhạc Phạm Tuyên: 'Hãy nghĩ những điều trắng trong'

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

TTO - Đêm nhạc Phạm Tuyên diễn ra tối 14-1 mang tên gây tò mò Nhớ và quên. Chắc hẳn người nhạc sĩ của 700 ca khúc có nhiều điều để quên và nhớ.

NSND Trần Hiếu và ca sĩ nhí Jayden Trịnh chúc mừng sinh nhật 88 tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên (giữa) - Ảnh: VÂN NGỌC
NSND Trần Hiếu và ca sĩ nhí Jayden Trịnh chúc mừng sinh nhật 88 tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên (giữa) - Ảnh: VÂN NGỌC

 Còn với khán giả, những bài hát của Phạm Tuyên đã là một hành trang từ thuở thơ bé.

Khi tôi còn đi học mẫu giáo, những bài hát đầu tiên chính là của Phạm Tuyên. Hát nhiều đến nỗi tưởng như viết cho chính trường mầm non của mình.

Tôi nhất quyết tin rằng bài Trường của cháu đây là trường mầm non với chữ Mầm Non viết hoa chính là dành cho trường mình.

Một tuần học đánh dấu bằng bài Cả tuần đều ngoan. Những điều gần gũi như “Cô là mẹ và các cháu là con", “Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”, chỉ loanh quanh vài câu thôi mà đúng là đi suốt một đời vẫn nhớ.

Những chân lý giản dị

Phạm Tuyên như một người cần mẫn dõi theo cuộc đời lớn lên của mỗi đứa trẻ. Những bài hát thiếu nhi như Chiếc đèn ông sao, Chú voi con ở Bản Đôn, Tiếng chuông và ngọn cờ hòa bình đến giờ vẫn được các thế hệ sau yêu thích, cho dù thời điểm lịch sử bài hát ra đời đã hết tính thời sự.

Thính giả trẻ em không bận tâm đến bối cảnh của bài ca, mà giữ lại những ấn tượng về vẻ đẹp trong trẻo của những niềm vui Tết Trung thu, của sự hấp dẫn ở con vật rừng xanh, của một thế giới bè bạn rộng lớn.

Chúng đều là những đầu mối của một hệ thống ký hiệu văn hóa làm nên nhận diện của một xã hội rộng lớn, bắt đầu từ những cá thể nhỏ bé non tơ.

Những bài ca của Phạm Tuyên giống như bài giảng của một người thầy khơi gợi những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên.

Từ Đêm pháo hoa đến Cánh én tuổi thơ đều mang đến cho trẻ nhỏ một thế giới nhiều khoảng rộng rãi cho trí tưởng tượng. Mảng ca khúc thiếu nhi với gần 200 bài là một thế mạnh của Phạm Tuyên.

Những bài học đạo đức được đưa vào rất nhẹ nhàng, từ tốn trong những ca khúc dễ hát, dễ thuộc.

Nếu các ca khúc người lớn sắc thái tuyên truyền quá đậm nét và phục vụ thời sự, thì những bài hát như đồng dao cho các em như lời ăn tiếng nói hằng ngày, dạy từ việc ứng xử trong gia đình đến khi vào lớp, cũng như sớm cung cấp cho trẻ nhỏ những ý niệm về cộng đồng, quê hương.

Phạm Tuyên rất lão luyện trong việc sử dụng các thức nhạc đơn giản dễ lôi cuốn người nghe.

Chẳng hạn như bài hát Cô và mẹ chỉ có bốn câu: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” nhưng đã tóm gọn cả ý nghĩa và thiên chức của việc chăm sóc trẻ em của gia đình và nhà trường như một mối liên hệ không tách rời.

Không một từ ngữ hô hào phải thế này, phải thế kia. Chỉ là một chân lý giản dị, vô cùng dễ hiểu với tâm hồn trẻ thơ, mà cũng như nhắc nhở những nhà sư phạm: “Cô là mẹ và các cháu là con”!

Ký thác nỗi nhớ và ước vọng

Dường như cuộc sống tập thể đầy lý tưởng từ tuổi thiếu niên đã ghi đậm dấu ấn lên cách tiếp cận đối tượng thẩm mỹ của Phạm Tuyên (ông tham gia hoạt động Thiếu sinh quân và giảng dạy âm nhạc từ năm 1949-1954), và những bài hát đầu tiên cũng dành đất cho sinh hoạt tập thể như Em vào Thiếu sinh quân, Lớp học vui, Đường về trại...

Điều này luôn được ông trung thành trong cả sự nghiệp lâu dài về sau. Dù viết cho hoàn cảnh nào, Phạm Tuyên cũng dành những lời tốt đẹp để ca ngợi con người.

Điều này không hề dễ dàng với một người từng bị xếp thành phần xuất thân “giai cấp phong kiến áp bức”, và phải gánh cả bi kịch của người cha - học giả Phạm Quỳnh. Nhưng bằng âm nhạc, Phạm Tuyên đã sống và cống hiến vượt lên những thành kiến của cả nhiều phía.

Với 700 ca khúc trong cuộc đời 88 năm, mà trong đó dễ kể ra cả một loạt những bài đã được quần chúng thuộc lòng, Phạm Tuyên giống như một ký giả cần mẫn và nhạy bén theo chân các dòng chảy sự kiện.

Về mặt tạo dựng nên không gian nghị luận chính trị trong ca khúc phổ thông, thậm chí nói chuyện chính trị trong ca khúc như “viết báo bằng nhạc”, có lẽ ông là người hoàn chỉnh phong cách này nhất.

Điều đọng lại ở một phong cách Phạm Tuyên là khả năng “chơi” với những khẩu hiệu, mềm hóa những lời tuyên truyền có phần khô cứng, biến hóa thành những ca từ hát lên để nhập tâm được.

Các thế hệ sau không sống trong thời chiến tranh để chia sẻ trực tiếp không gian của những bài ca ra trận mà Phạm Tuyên góp công sức động viên con người vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng có một sự hoài niệm đương diễn ra trong xã hội ngày nay về một quá khứ đọng nhiều mơ ước, nơi mà con người trong âm nhạc Phạm Tuyên là con người đĩnh đạc, đường hoàng gần như siêu thực, vị lai: “Từ một ngã tư nhỏ bé, đã thấy tương lai đang về, trong mỗi dáng người ngẩng đầu cao bước nhanh đi trên hè” (Từ một ngã tư đường phố - 1971).

Mỗi đối tượng, mỗi chủ thể phát ngôn đều được Phạm Tuyên tìm ra vị trí để cất tiếng nói, và trong hầu hết trường hợp, tác giả lùi lại đằng sau. Các cá nhân đều là đại diện cho lớp người cùng thế hệ.

Các bạn nhỏ luôn là “chúng em”, “chúng cháu”, những người trẻ tuổi luôn là một tập hợp của xóm làng hay khu phố: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân” (Chiếc gậy Trường Sơn - 1966) và trong mọi trường hợp, cái tôi luôn đứng trong một tập thể lớn, từ “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi" (Bám biển quê hương - 1966) đến “Con kênh ta đào có em và có anh” (Con kênh ta đào - thơ Bùi Văn Dung, 1978), và rộng ra cả một đất nước: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới” (Chiến đấu vì độc lập tự do - 1979).

Khi hồi tưởng lại, những bài ca của Phạm Tuyên giống như một trạm trung chuyển ký thác những nỗi nhớ, những ước vọng về một cuộc đời mà người mẹ trẻ khát khao “Rồi mai khôn lớn, con ơi hãy nghĩ, những điều trắng trong(Khúc hát ru của người mẹ trẻ - thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Điều còn lại với hôm nay, có lẽ là nỗi khát khao ấy không khi nào vơi cạn.

Nghệ sĩ Trần Hiếu hát mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên 88 tuổi

Trước khi chương trình diễn ra, vào tối 12-1, NSND Trần Hiếu và ca sĩ nhí Jayden Trịnh vừa trở về từ New Zealand đã cùng có mặt trong lễ mừng sinh nhật tuổi 88 của nhạc sĩ Phạm Tuyên tại tư gia.

Các thế hệ nghệ sĩ cùng nhau hòa giọng trong những ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đó NSND Trần Hiếu hát Chú voi con ở Bản Đôn, ca sĩ nhí Jayden Trịnh ôm đàn hát ca khúc còn ít người biết tới của nhạc sĩ Phạm Tuyên là Nơi ấy Trường Sa.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên bộc lộ rõ sự hân hoan, xúc động trong buổi sinh nhật. NSND Trần Hiếu bày tỏ mong đợi được đứng trên sân khấu của đêm nhạc Phạm Tuyên Nhớ và quên để hát những ca khúc từng gắn bó với ông trong suốt nhiều năm qua.

Tham gia trình diễn trong chương trình còn có những giọng ca vang bóng một thời, có nhiều gắn bó với những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đó là NSND Trung Kiên và NSND Thanh Hoa.

Trong đêm nhạc (đạo diễn âm nhạc: Lưu Hà An, đạo diễn sân khấu: Phạm Hoàng Nam), ở mảng các ca khúc "Những nốt nhạc theo dòng lịch sử" có sự xuất hiện của ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh.

Mảng ca khúc "Những nốt nhạc từ trái tim" sẽ hé lộ những sáng tác viết về tình yêu - bí mật sâu kín trong con người nghệ sĩ của Phạm Tuyên mà phần đông khán giả chưa được biết.

Đồng hành với đề tài tình yêu của nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ là những giọng ca hứa hẹn yếu tố bất ngờ: Thanh Lam, Tùng Dương, Thắng Lợi.

Không thể thiếu những ca khúc thiếu nhi đã đi vào lòng biết bao thế hệ người yêu nhạc, qua những dàn hợp xướng thiếu nhi lên tới hàng trăm em, và đại diện là hai giọng ca Nhật Minh (quán quân The Voice Kid 2016) và Jayden Trịnh (top 4 Vietnam Idol Kid 2016).

DANH ANH

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp