13/03/2017 11:22 GMT+7

Đêm náo động ở Rotterdam 

VÂN PETRISOR (TỪ HÀ LAN)
VÂN PETRISOR (TỪ HÀ LAN)

TTO - Những căng thẳng ngoại giao đã có dấu hiệu chuyển hướng xấu đi khi ngoài đáp trả ngoại giao, đã có đụng độ trên đường phố.

Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Rotterdam rạng sáng 12-3 - Ảnh: Reuters
Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Rotterdam rạng sáng 12-3 - Ảnh: Reuters

Rotterdam là một thành phố cảng sầm uất nhưng yên bình của Hà Lan. Tối 11-3, nơi này bỗng nổi dông bão khi xảy ra đối đầu giữa những người Thổ xuống đường biểu tình với lực lượng chống bạo động của chính quyền.

Căng thẳng tăng từng giờ

Cuộc đối đầu ngoại giao những tưởng chỉ diễn ra giữa các phát ngôn của chính khách. Vậy mà nó đã tràn xuống phố.

Người biểu tình đã dùng đá và gậy gộc tấn công. Cảnh sát đáp trả bằng vòi rồng. Đến rạng sáng 12-3, cuộc tụ tập của cả ngàn người mới kết thúc.

Thật ra, việc các bộ trưởng và quan chức chính quyền Ankara bị một số nước châu Âu như Đức, Áo, Thụy Sĩ... từ chối cho gặp gỡ cộng đồng người Thổ đã xảy ra từ nhiều ngày trước, nhưng không có nơi nào xảy ra nghiêm trọng như tại Hà Lan.

“Chúng tôi không từ chối các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi chỉ từ chối những bộ trưởng đến đây nói chuyện nội bộ và chuyện quốc gia của họ

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte

Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng thông báo kế hoạch đến Hà Lan tham dự một cuộc mittinh quy mô lớn, do người dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức.

Đây là cuộc tụ tập để vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về dự luật sửa đổi hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra ngày 16-4, giúp tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Tuy nhiên, cả hai quan chức này đều đã bị từ chối nhập cảnh vào Hà Lan. Từ ngày 9-3, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã tuyên bố từ chối ủng hộ các chuyến thăm của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tới Hà Lan để vận động chính trị.

Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cũng từ chối gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh Amsterdam không hỗ trợ các chuyến thăm cấp bộ trưởng vì mục đích vận động chính trị như trên.

Động thái cứng rắn của Hà Lan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày 11-3, cảnh sát đã phong tỏa lối vào Đại sứ quán Hà Lan tại thủ đô Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại thành phố Istanbul vì... “lý do an ninh”.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Cavusoglu vẫn khẳng định sẽ tới Rotterdam theo đúng hẹn.

Thậm chí người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn nhấn mạnh Ankara sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế và chính trị đối với Hà Lan, nếu Amsterdam cản trở chuyến thăm này.

Thế rồi chính quyền Hà Lan không lùi bước, không cho phép máy bay của ông Cavusoglu đáp xuống, buộc ông phải bay sang Pháp.

Chính quyền thành phố Rotterdam cũng đã thông báo hủy bỏ cuộc mittinh vận động có sự tham gia của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng dẫn đến việc đụng độ với cảnh sát chống bạo động khi người gốc Thổ nghe tin cảnh sát Hà Lan trục xuất Bộ trưởng Fatma Betul Sayan Kaya.

Bà này đi bằng xe hơi từ biên giới Đức vào Hà Lan để đến thành phố Rotterdam tối 11-3. Sau đó, bà bị cảnh sát áp giải trở lại biên giới của Đức và phải thuê một máy bay tư nhân để bay từ Cologne của Đức về lại Istanbul trong ngày 12-3.

Người Thổ đòi quyết tử

Trong ngày 12-3, khoảng 200 người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan ở thủ đô Ankara, hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan và phản đối lệnh cấm của Amsterdam.

Có những người đã mang theo khẩu hiệu viết rằng sẵn sàng quyết tử vì danh dự của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Tổng thống Erdogan yêu cầu. Thậm chí đã có những người ném trứng về phía cơ quan ngoại giao của Hà Lan.

Tình hình chưa biết sẽ đi tới đâu, khi các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ không ngớt dùng những từ ngữ vốn rất nhạy cảm ở châu Âu là “phát xít” và “phân biệt chủng tộc” để chỉ trích các chính trị gia Hà Lan.

Ở Hà Lan hiện có khoảng 420.000 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, chiếm 2,5% dân số Hà Lan.

Chính quyền Ankara đang tìm cách vận động để thu hút phiếu của cộng đồng người Thổ ở Đức và Hà Lan, nhằm ủng hộ việc trao thêm quyền cho tổng thống trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.

Đức và Áo đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đi vận động cộng đồng Thổ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp.

Vụ việc này đã dẫn đến căng thẳng giữa hai nước Đức và Thổ Nhĩ Kỳ mấy ngày trước, sau khi Tổng thống Erdogan gọi cách hành xử của Đức là “phát xít”.

Sau vụ việc ở Hà Lan, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã nhanh chóng lên tiếng đe dọa về “những biện pháp trả đũa nghiêm khắc nhất”...

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Yildirim nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối tình hình trên và đã truyền đạt tới giới chức Hà Lan rằng sẽ có hành động đáp trả mạnh tay... Chúng tôi sẽ đáp trả hành vi không thể chấp nhận này”.

Bước lùi nguy hiểm

Từ hôm 10-3, một nhóm chuyên gia pháp lý của Ủy hội châu Âu đã tuyên bố đề xuất thay đổi hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng thêm quyền hạn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là một bước lùi nguy hiểm đối với nền dân chủ tại nước này.

Theo nhóm chuyên gia, đề xuất sửa đổi hiến pháp theo hướng cho phép tổng thống có quyền giải tán quốc hội trong bất kỳ tình huống nào là điều đi ngược lại hệ thống dân chủ.

Tuy nhiên, ý kiến pháp lý của Ủy hội châu Âu không có tính ràng buộc đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 47 thành viên của tổ chức này.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại nói rằng ông muốn thực hiện quyền lực tuyệt đối với lý do đảm bảo sự ổn định đất nước.

Mặc dù vậy, tại Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập lên án rằng những thay đổi này sẽ đưa nước này đến sự độc tài và làm xói mòn quyền cơ bản và tự do.

VÂN PETRISOR (TỪ HÀ LAN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp