Mẹ Hài trước ngôi nhà của mình - Ảnh: VŨ TOÀN |
“Tuổi đã cận kề cái chết, tui chỉ ước ao một lần được nhìn thấy mộ con trai |
Mẹ Đặng Thị Hài |
Mẹ nói: “Tuổi đã cận kề cái chết, tui chỉ ước ao một lần được nhìn thấy mộ con trai”.
Anh hi sinh, em tự nguyện vào chiến trường
|
Mẹ Hài quê ở xóm Yên Bình, xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An). Mẹ có chín người con gồm bảy trai, hai gái.
Trong bảy anh em trai có bốn người đi bộ đội, một người lái xe đoàn A chuyên chở gạo, đạn vô chiến trường Quảng Trị, một người là dân quân tự vệ trực chiến pháo 12 li 7 của Thành đội Vinh.
Hai chị em gái thì chị là thanh niên xung kích phục vụ tải đạn, vận chuyển thương binh, mai táng tử sĩ ở các trận địa pháo cao xạ giữa cánh đồng gần làng, còn em là y tá Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trong bốn anh em đi bộ đội có hai liệt sĩ, một thương binh hạng 1/4.
Con trai đầu của mẹ là Hoàng Văn Vinh (sinh năm 1935), tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 19 tuổi. Sau năm 1954 anh được xuất ngũ. Năm 1962, anh Vinh tái ngũ rồi vào Nam chiến đấu.
Anh Hoàng Văn Hiền (55 tuổi, con trai đầu liệt sĩ Vinh) kể về cái chết của cha mình. Đó là một đêm mưa dữ dội, cha anh và đơn vị bơi qua sông Thạch Hãn làm nhiệm vụ.
Cha anh mang máy bộ đàm bịt kín nilông sau lưng. Balô cũng bịt kín nilông làm phao bơi. Ra đến giữa dòng cả đơn vị bị phục kích. Cha anh bị trúng đạn, thi thể trôi giữa sông.
“Bây giờ mỗi khi nằm mơ tôi cứ thấy cha tôi đang đi trên con thuyền nhỏ chơi vơi giữa sông. Ngày vợ tôi sinh con đầu lòng, ông cũng hiện về trong giấc mơ, nói đặt tên cho cháu đích tôn là Ngọc. Biết là mơ nhưng tôi bàn với vợ đặt tên con là Ngọc” - anh Hiền nhớ lại.
Em kế của anh Vinh là Hoàng Văn Hiến. Năm anh Hiến đang học dở lớp 10, một hôm thấy con trai về xếp sách vở, buộc lại rồi cất lên gác, mẹ Hài hỏi: “Sao con lại cất sách cẩn thận rứa?”, anh Hiến trả lời: “Ngày mai con đi bộ đội”.
Năm 1965 khi nhận giấy báo tử, mẹ Hài mới biết con trai thứ hai của mình hi sinh sau ba tháng được tung vào chiến trường vì bị phục kích khi tham gia trận đánh đầu tiên tại Lào.
Năm 1974, đến lượt đứa con thứ bảy của mẹ là Hoàng Văn Công làm đơn xin đi bộ đội mặc dù anh biết trong một gia đình có hai liệt sĩ thì người thứ ba không phải đăng ký đi nghĩa vụ quân sự.
Anh Công là lính vận tải của sư đoàn 341, quân đoàn 4, chuyên vận chuyển súng đạn, lương thực cho các đơn vị chiến đấu.
Năm 1979, tại chiến trường Campuchia, anh bị địch phục kích. Bị đạn găm vào mắt anh trở thành thương binh 1/4 (mất sức 81%) nhưng anh vẫn không báo tin cho mẹ “vì sợ mẹ lại buồn và lo”.
“Có yên nước mới yên nhà”
Hôm chúng tôi đến nhà anh Công ở xóm Yên Bình thấy anh đang chuẩn bị cõng mẹ đến nhà thờ để thắp hương cho cha và hai người anh liệt sĩ.
Anh bảo: “Trước đây khi còn khỏe, mẹ tôi ở gian nhà bên cạnh nhà thờ, ngày nào cũng sang mở cửa quét dọn rồi thắp hương. Mấy năm nay mẹ tôi yếu hẳn nên vợ chồng bàn nhau đưa mẹ về nhà chăm nom. Cứ dịp lễ tết, nhất là vào tháng 7 hằng năm tôi lại đưa mẹ đến nhà thờ thắp hương”.
Trước bàn thờ với di ảnh người chồng và hai con trai đầu lòng, bàn tay già nua của mẹ Hài run run cầm nén nhang khấn vái, còn anh Công lo đỡ để mẹ đứng cho vững. Ngước nhìn lên di ảnh của chồng, mẹ Hài cho tôi biết đó là cụ ông Hoàng Văn Triều.
Rồi mẹ Hài kể: “Năm 1962, ông ấy đi dân công hỏa tuyến, một mình tui ở nhà cày cấy ngoài cánh đồng khi bom giội, khi pháo bắn để nuôi bốn đứa con ăn học. Khi ông ấy về nhà điều trị bệnh sốt rét thì thằng Vinh nhập ngũ.
Một năm sau thằng Hiến cũng lên đường. 11 năm sau thằng Công là con thứ bảy cũng đi theo hai anh nó. Rốt cuộc, trong chín anh em thì tám người đều cuốn theo cuộc kháng chiến trong Nam ngoài Bắc.
Một số người làng thấy thế gặng hỏi tui, răng mà bà cho con cái đi hết rứa, lấy ai nuôi dưỡng tuổi già. Tui nói, có yên nước mới yên nhà, đất nước cần thì có con tui. Chỉ mong sao chúng đi chân cứng đá mềm”.
Anh thương binh Hoàng Văn Công dìu mẹ Hài đến bàn thờ thắp nhang cho hai con trai liệt sĩ - Ảnh: Vũ Toàn |
Giấc mơ về những ngôi mộ
Mãi đến năm 1975 gia đình mẹ Hài mới nhận được giấy báo tử của anh Hoàng Văn Vinh dù anh hi sinh hơn 10 năm trước đó.
Mẹ bảo: “Cho đến tận bây giờ, mọi tin tức về hài cốt thằng Vinh vẫn bặt tăm bặt tích. Không biết con tôi nằm nơi mô nữa. Đêm đêm tui cứ nằm mơ nhìn thấy nấm mộ phủ đầy cỏ của con mình”.
Về phần Hoàng Văn Hiến, dù nhận giấy báo tử sớm hơn nhưng mẹ Hài cũng không biết gì về hài cốt của con mình.
Nhiều năm sau khi hòa bình lập lại, gia đình mẹ Hài mới nhận được những cuộc điện thoại từ Hà Nội của chị Ngô Thị Thúy Hằng - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) - để trao đổi về việc tìm kiếm phần mộ của anh.
Nhờ người phụ nữ này, năm 2013 mộ của anh Hiến mới được tìm ra. Dù được biết ngôi mộ của con trai là Hoàng Văn Hiến được tìm thấy, nhưng nguyện ước được viếng thăm và được thắp nhang cho ngôi mộ cũng đã không thành đối với mẹ Hài vì mẹ không còn đủ sức khỏe để có thể vào Quảng Trị, tìm đến nghĩa trang đường 9.
Ngay cả lúc Nhà nước phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng (năm 2014) thì con cháu cũng phải thay nhau cõng mẹ đi nhận.
Nhắc đến danh hiệu anh hùng, mẹ Hài thủ thỉ: “Giờ mỗi tháng cầm trên tay tiền tuất (tiền chế độ liệt sĩ) của hai con là lòng dạ tôi lại nhói lên. Tâm can người mẹ nào có thể lặng yên trước máu xương đã đổ xuống của con trai mình!”.
Sau khi tìm thấy phần mộ của một liệt sĩ ghi tên là Hoàng Văn Hiếu ở nghĩa trang đường 9 Quảng Trị, chị Hằng đã cất công đi xác minh xem liệt sĩ ấy tên Hiếu hay tên Hiến để “trả lại tên” cho con của mẹ Hài. Từ ký hiệu đơn vị ghi trong giấy báo tử của liệt sĩ Hoàng Văn Hiến và mọi thủ tục liên quan tại Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An, chị Hằng đến Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để xác minh. Kết quả cho thấy tại hồ sơ lưu trữ ba tỉnh này không có liệt sĩ nào tên là Hoàng Văn Hiếu. Chị Hằng tiếp tục tìm đến Bộ Quốc phòng để xác minh tiếp nhưng kết quả chỉ có hồ sơ mang tên liệt sĩ Hoàng Văn Hiến, quê Nghệ An. Đây chính là những căn cứ giúp chị Hằng xác định mộ của Hoàng Văn Hiếu chính là mộ của anh Hiến và đề nghị Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị làm lại bia mộ và sửa tên liệt sĩ cho con của mẹ Hài. Theo chị Hằng, rất có thể khi cất bốc, chuyển hài cốt liệt sĩ Hiến về nghĩa trang, những người làm công việc ấy đã vô tình ghi sai chữ Hiến thành Hiếu. |
>> Kỳ tới: Người phụ nữ phi thường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận