Phóng to |
Phi công Phạm Tuân năm 1972 - Ảnh: LÊ MINH HUỆ |
Các đồng chí cán bộ bảo: bước đầu ta đã trả được món nợ với Trung ương Đảng. Nhớ hôm Thủ tướng đến thăm quân chủng, Thủ tướng bảo: tôi đến, thay mặt BCT, khen ngợi và cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí đánh tốt lắm. Khi biết không quân đánh có khó khăn, Thủ tướng bảo: Mong các đồng chí bắn rơi dù chỉ một chiếc B-52 cũng tốt. Hơn lúc nào hết, bây giờ ta rất cần chiến thắng.
Từ dạo mình về đây (đã gần năm năm) năm nào ta cũng lùng B-52 để đánh. Các sân bay Đồng Hới, Vinh, Anh Sơn phải sửa mấy chục lần để máy bay ta cất cánh đi đánh. Nhiều đồng chí hi sinh vì việc này.
Trong chiến tranh, những bất ngờ thường vượt quá trí tưởng tượng của con người. Đến sáng nay, 31 chiếc B-52 đã bỏ mạng. Mà 30 chiếc lại do tên lửa bắn rơi.
Chiếc của Tuân bắn rơi ngay ở gần Phú Thọ. Nó phát hiện bằng mắt vì bọn B-52 phải bật đèn để lũ F.4 bay theo yểm hộ. Rađa thông báo cự ly đến mục tiêu. Bọn F.4 nhìn theo luồng lửa của chiếc MIG tăng lực bắn với theo. Nhưng không kịp rồi. Cả khối sắt thép nặng đến 220 tấn ấy đã cháy bùng và cắm xuống miền núi phía tây của Tổ quốc (?) bởi hai quả tên lửa nhiệt P-3C chỉ nặng 160kg.
Cảm ơn Tuân vô cùng. Mày đã nhấc hộ bọn tao gánh nặng mà lịch sử sẽ mãi mãi treo lên đầu cả lũ lái máy bay tiêm kích.
(Trích Nhật ký Nguyễn Đức Soát)
Phóng to |
Chiếc MIG-21 mang số hiệu 5121, do Phạm Tuân lái, đã bắn rơi pháo đài bay B-52 đêm 27-12-1972. Chiếc máy bay này vừa được công nhận là một trong những báu vật quốc gia- Ảnh tư liệu |
Phạm Tuân hạ B-52 thế nào?
Khoảng 4-5 giờ chiều 27, tôi cất cánh lên trực tại sân bay Yên Bái. Trước đó, đêm nào địch cũng đánh bom sân bay Yên Bái nhưng đêm 27 không biết vì sao mà nó không đánh, chỉ thấy thỉnh thoảng F-4 vù qua đầu. Khoảng 21g, tôi được lệnh mở máy xuất kích.
Trên ra lệnh là cơ động tránh F mà đi, sau đó thông báo là B-52 cách 200 cây, 150 cây rồi 100 cây. Máy bay MIG-21 cứ một phút là 40, 50 cây nên cách 200 cây thì chỉ mấy phút là tôi tiếp cận mục tiêu. Đến độ cao khoảng 6 cây, tôi xin phép ném thùng dầu phụ và kéo lên cao.
Sáng 27-12, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, chia sẻ với nhân dân đang khắc phục hậu quả ở Khâm Thiên. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đến thăm Bệnh viện Bạch Mai và khu lao động An Dương. Từ 13g30 ngày 27-12, Mỹ vẫn tiếp tục cho trên 50 lần chiếc máy bay chiến thuật vào Hà Nội và Hải Phòng. Đêm 27-12, phi công Phạm Tuân bắn rơi một máy bay B-52 trên vùng trời tỉnh Sơn La. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi kể từ đầu chiến dịch. Chỉ tính riêng ngày và đêm 27-12 có 13 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có năm chiếc B-52 (hai chiếc B-52 rơi tại chỗ). Trong hai chiếc B-52 bị hạ tại chỗ thì một chiếc rơi trên đường Hoàng Hoa Thám và hồ Hữu Tiệp. Đây là chiếc B-52 duy nhất bị bắn rơi tại chỗ khi nó chưa kịp cắt bom. |
Đang vòng thì tôi phát hiện thấy một tốp B-52, hai dãy đèn. Tôi nói: “Phát hiện hai chiếc”. Ở dưới nói: “Phía trước 10 cây”, tôi nói: “Nghe tốt”, và tôi bắt đầu bám vào sau B-52. Ba sở chỉ huy chính ở Hà Nội, Thọ Xuân, Mộc Châu và một đài phụ trợ nữa ở Yên Phong đều thông báo là mục tiêu phía trước. Số hiệu của tôi là 361, thế là cứ thay nhau: “361, mục tiêu đằng trước mấy cây”…
Về sau anh Trần Hanh phải nói tất cả các sở chỉ huy dừng không liên lạc, để sở chỉ huy quân chủng dẫn dắt. Lúc đó tôi cách địch khoảng 8-9 cây. Lần đầu tiên phi công chúng ta tiếp cận trong điều kiện như vậy nên các anh nhắc: nào là bật tên lửa ở vị trí hai quả, rồi thì mở nút phóng tên lửa quan sát…
Đến cự ly khoảng 4-5 cây, sở chỉ huy lại tiếp tục nhắc, tôi nói: “Các anh cứ yên trí, tôi nhất quyết bắn rơi máy bay”. Sau các anh mới thôi, không nói nữa. Sau, tôi thấy hô: “4 cây”, anh Hanh lệnh: “361 bắn, thoát ly bên trái”.
Tôi trông thấy nó còn xa xa đèn chưa rõ lắm, nên bảo là chờ tí. Khẩu lệnh thứ hai, anh Hanh lại hạ lệnh: “Bắn, thoát ly ngay bên trái”. Ông ấy sợ mình ham quá đâm vào nó. Tôi bảo chờ tí. Đến khẩu lệnh thứ ba: “361 bắn, thoát ly ngay”.
Thế thì tôi mới kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt rồi, tôi phóng hai quả tên lửa, đạn bay ra, sáng lòe trước mặt. Lần đầu tiên mình bắn tên lửa ban đêm, thấy một vạch đi trước, quả thứ hai lao vút đi sau, tạo thành một đường sáng rực.
Tôi kéo máy bay và lật ngửa lại thì nhìn thấy nó nổ, điểm nổ rất to trước mặt, nhưng đồng thời lúc bấy giờ cũng là lúc máy bay tôi vượt qua điểm nổ, tốc độ một nghìn tư. Tôi nói: “Cháy rồi”.
Đến sáng thì được quân chủng thông báo là đã xác định bắn rơi một B-52 và đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi điện khen Không quân nhân dân Việt Nam. Tôi chính thức được công nhận bắn rơi chiếc B-52 trận đêm 27-12-1972.
Thiếu đạn, tên lửa vẫn hạ B-52 rơi ngay trên phố Hà Nội
Tuy đã huy động tất cả các tiểu đoàn lắp ráp tên lửa hoạt động 24/24 giờ, và điều động đạn trong kho dự trữ ở Lạng Sơn về các trận địa bảo vệ bầu trời thủ đô, đạn cho tên lửa vẫn là vũ khí chiến lược mà các chỉ huy đơn vị được lệnh phải dè sẻn để đặc trị B-52.
Thêm vào đó, trong suốt 12 ngày đêm, máy bay Mỹ đã 45 lần ném bom trúng các trận địa tên lửa, 53 lần họ phóng tên lửa trúng các đài điều khiển rađa, đài rađa dẫn đường cho không quân VN. Tuy vậy, những người lính phòng không VN vẫn đứng vững và cứ B-52 xuất hiện là họ lại bắn hạ, hằng đêm.
Đến ngày 27, tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 363 đóng ở Bắc Ninh chỉ còn ba quả đạn. Tối hôm ấy, cấp trên báo B-52 lại tiếp tục đánh Hà Nội. Chập tối, hàng bầy F111, F105 đã đánh dọn đường, tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt đã phải ra lệnh cho anh em không đánh F, để dành tên lửa đánh B-52. Lúc B-52 vào, 3 trắc thủ bám chính xác một mục tiêu, sĩ quan điều khiển phóng kịp thời, hai quả lao lên đón trúng B-52. Chiếc pháo đài bay khổng lồ cháy ngay trên bầu trời Hà Nội và lao xuống Ba Đình, thân rơi xuống hồ Hữu Tiệp, đuôi cánh rải rác trên đường Hoàng Hoa Thám, vườn Bách Thảo.
Chiến công này còn có ý nghĩa to lớn ở chỗ: đây là lần đầu tiên ta bắn rơi một chiếc B-52 khi nó chưa kịp cắt bom.Và B-52 rơi ngay trên đường phố Hà Nội, cùng với một tổ lái sáu người bị bắt sống. Nhân dân Hà Nội tận mắt chứng kiến mảnh xác máy bay rơi, tận mắt nhìn thấy phi công Mỹ bị bắt sống đi trên đường phố. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống làng Ngọc Hà ngay sáng 28-12 và không kìm được lời khen ngợi: “Đây là trận đánh đặc biệt xuất sắc của bộ đội tên lửa”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: " Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6: Kỳ 7:
---------------------------------------------------------
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận