21/04/2018 12:10 GMT+7

Đêm ầm ĩ ở chung cư của 5 nữ sinh viên và cái kết

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Chung cư chỉ nhìn ở góc độ khắt khe có thể cho rằng bất tiện trong sinh hoạt, tổ chức tiệc tùng tại nhà, sử dụng hành lang chung, rủi ro hỏa hoạn, trả phí quản lý và giữ xe…

Đêm ầm ĩ ở chung cư của 5 nữ sinh viên và cái kết - Ảnh 1.

Trước khi thành vườn hoa đẹp như thế này thì nơi đây từng là bãi rác ở một lô khu chung cư Thanh Đa - Ảnh: TTO

Song thực tế ở hầu hết các thành phố hiện đại, chung cư tạo vóc dáng cho đô thị văn minh. Ở chung cư, an ninh thì có bảo vệ tuy không thể tuyệt đối nhưng vẫn an toàn hơn nhà riêng lẻ, chi phí mua căn hộ rẻ hơn, xe có người giữ, xét về hỏa hoạn vẫn an toàn hơn loại hình nhà ở khác nhờ có đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy (trừ sự cố hay hư hỏng không kịp khắc phục). 

Ở chung cư còn được tận hưởng ánh sáng tự nhiên và không khí mát mẻ trên tầng cao, tránh ô nhiễm khói bụi cũng như hạn chế côn trùng như kiến, gián, ruồi, muỗi. 

Ở những chung cư chất lượng còn có không gian sống đi kèm với các tiện ích như công viên, hồ bơi, trường học, sân chơi cho trẻ em, bóng đá, bóng rổ,  phòng tập thể dục...

Về văn hóa ứng xử với môi trường chung, bên cạnh những chung cư có không gian sống tốt đi kèm với ý thức người cư ngụ, còn nhiều chung cư mà người cư ngụ cảm thấy phiền lòng như cảnh vứt rác bừa bãi, xả nước từ tầng trên xuống tầng dưới, chiếm dụng lối đi để chất đống đồ đạc, bấm giữ thang máy để di chuyển liên tục, cùng nhiều thói quen xấu khác. 

Những trường hợp này, ngoài lỗi ở ban quản lý thỏa hiệp cho qua, còn có lỗi ở người cư ngụ trong chung cư ngại va chạm, lâu ngày thành thói quen. Là người sống nhiều năm ở chung cư, tôi thấy việc này có thể khắc phục nếu cộng đồng cùng quan tâm.

Ba câu chuyện phiền lòng ở ba chung cư và cái kết đẹp

Chung cư Lão Tử (Q.5) là nơi tôi sống cùng bố mẹ trong nhiều năm, lối đi khá rộng bị một hộ dân lấn chiếm để đồ đạc, bố tôi lớn tuổi nhất ở đó đại diện cho các hộ dân cư ngụ đến góp ý thì lối đi được trả lại hiện trạng ban đầu. 

Có hộ dân ở tầng trên mỗi khi lau nhà, xả nước bẩn xuống tầng dưới, nhiều lần như vậy lặp đi lặp lại, chị bạn ở tầng dưới cảm thấy phiền lòng nhưng lại ngại góp ý và sau đó chia sẻ câu chuyện này với tôi. 

Là chỗ thân quen với hộ dân ở tầng trên, tôi góp ý thì sau đó không còn xả nước xuống tầng dưới. 

Có lần thấy người dân tầng trệt đổ thức ăn thừa xuống hố ga, tôi đến góp ý rằng việc này làm bít cống thoát nước dễ gây ngập thì bị cho là nhiều chuyện. 

Lúc đó, một chú lớn tuổi nhà bên cạnh lên tiếng và giải thích, thế là đã ngăn chặn một hành vi đổ rác xuống cống.      

Tôi nghĩ ở chung cư có nhiều người sơ suất, nếu có sự góp ý kịp thời trên tinh thần xây dựng thì những phiền lòng sẽ được khắc phục. 

Chung cư Nhân Phú (Q.9), nơi chị bạn tôi cư ngụ chia sẻ rằng thang máy là phương tiện di chuyển chung nhưng một vài bà mẹ trẻ tận dụng cho con nhỏ ăn trong đó rồi bấm di chuyển lên xuống đã gây thời gian chờ lâu. 

Có lần con trai bị bệnh nên chị về đứa cháu đi khám, vừa nóng lòng vừa đợi thang máy. Lúc cánh cửa thang máy mở ra, thấy một bà mẹ trẻ đang cho con ăn, sẵn đang bực mình nên chị góp ý luôn "Em cho cháu ăn nên kiếm nơi khác, công viên phía dưới, ghế đá. Sử dụng thang máy là không cần thiết, làm người khác chờ lâu". 

Sau đó, chị báo với ban quản lý cử bảo vệ nhắc nhở, thế là từ đó không còn tình trạng cho con nhỏ ăn trong thang máy.

Sau khi lập gia đình, tôi từng ở chung cư Thanh Đa. Kế bên căn hộ gia đình tôi cư ngụ là căn hộ có 5 nữ sinh viên thuê trọ. Nhiều đêm dẫn bạn bè về vui chơi quá khuya, tiếng gõ chén ly và tiếng cười nói gây ồn ào, ảnh hưởng những người xung quanh. 

Có lần các bạn sinh viên vui chơi gây ồn đến 12 giờ, làm con gái tôi mới 2 tuổi khó ngủ. Tối hôm sau, chờ các bạn sinh viên có mặt đông đủ và ăn cơm xong, tôi qua góp ý: "Các em vui chơi hạn chế quá khuya vì ảnh hưởng xung quanh, nhiều người đi làm cần nghỉ ngơi sớm, trẻ em không ngủ được. Vui chơi thì nên kết thúc trước 10 giờ đêm". 

Từ đó các bạn sinh viên không tổ chức tiệc tùng ban đêm ở chung cư, tìm hiểu tôi biết họ hẹn nhau ra quán.                 

Ở chung cư có nhiều người sinh sống, giống một xóm làng thu nhỏ. Chắc chắn không có chung cư nào cũng bố trí đủ người để đi khắp kiểm tra từng cư dân, quét dọn, nhặt từng bịch rác, vệ sinh môi trường, kịp ngăn chặn những hành vi gây ảnh hưởng cộng đồng.

Tôi thấy ở chung cư mà cộng đồng cùng quan tâm không gian công cộng, giải thích, góp ý trước các thói quen xấu và hành vi "lệch chuẩn" thì nơi đó không hẳn chỉ là chỗ ở mà còn là không gian sống tốt, an ninh, sạch sẽ, vệ sinh, hàng xóm thân thiện. 

Hiểu rằng giải thích hay góp ý để sửa chữa khắc phục, bỏ thói quen không còn thích hợp, ai cũng chú ý mỗi hành vi của mình luôn có người giám sát, nâng ý thức bảo vệ không gian chung.

Với những chung cư cũ, ngoài nội quy phải cụ thể và rõ ràng, mỗi người khi phát hiện nên góp ý điều chỉnh các thói quen hay tập quán sống không còn phù hợp. Một người lên tiếng góp ý, người khác sẽ hưởng ứng rồi nhiều ủng hộ, cá nhân biết mình thiếu tự giác và mặc cảm bởi hành vi đáng phê phán rồi dần thay đổi thói quen, hiện tượng xấu sẽ giảm.

Chung cư mới đưa vào sử dụng, không chờ nên "hình hài", ngay từ đầu ban quản lý và chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động cư dân xây dựng nếp sống văn minh.

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên Tuổi TrẻTuổi Trẻ Online. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.

Ý kiến gửi về email: [email protected] (từ nay đến hết ngày 31-5).

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp