Tọa đàm khoa học Di tích lịch sử nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám với các nhà nghiên cứu, các vị lão thành cách mạng và nhân chứng lịch sử - Ảnh: TRẦN MẶC
Sáng 20-12, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm khoa học Di tích lịch sử nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM) để làm cơ sở trình UBND TP.HCM xem xét việc quyết định xếp hạng di tích.
Theo phát biểu của bà Nguyễn Thị Thúy Hường - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám trước là tiệm sửa xe ô tô của ông Dương Văn Đức, còn được dân địa phương gọi với tên là Garage Hai Diện, Garage Tự Lực.... Cơ sở được xây dựng từ những năm 1950.
Đây là nơi các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn liên lạc, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú.
Cũng tại căn nhà này, chiến sĩ Trần Văn Lai - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - thường xuyên mang hai chiếc xe ô tô số hiệu NCE-345 và EC-6045 đến cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để đưa đón lãnh đạo quân khu ra vào nội đô Sài Gòn.
Hai chiếc xe trên cũng được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.
Ngoài ra, ông Đức còn làm phòng bí mật trên mái garage để các cán bộ ẩn nấp, cũng như giúp cán bộ trốn thoát ra phía nghĩa trang sau garage khi bị truy xét.
Tại buổi tọa đàm, ông Dương Bửu Chánh (con trai ông Dương Văn Đức), phó giáo sư - tiến sĩ Phan Xuân Biên, ông Nguyễn Quốc Độ - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng, bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM - lần lượt trình bày các bài tham luận khẳng định ý nghĩa lịch sử của Garage 499/20 trong hoạt động cách mạng, phục vụ chiến đấu cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Xuân Biên trình bày bài tham luận - Ảnh: TRẦN MẶC
Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Xuân Biên cho rằng: "Tên di tích đầu tiên phải mang tính lịch sử. Nếu nói đây là Garage Tự Lực thì phải có di tích Garage Tự Lực hay di tích Garage Hai Diện.
Thứ hai, chức năng và công lao của di tích là đối với Biệt động Sài Gòn, cho nên nó là Garage Biệt động Sài Gòn.
Theo tôi, chúng ta có thể lấy tên Garage Tự Lực - Garage Biệt động Sài Gòn, vì như thế vừa phản ánh lịch sử vừa phục vụ cho Biệt động Sài Gòn, nằm trong chuỗi di tích của Biệt động Sài Gòn. Việc nằm trong chuỗi di tích phục vụ cho du lịch, giáo dục cho truyền thống cách mạng".
Ông Lâm Thiếu Kỳ - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, cho biết Sở Văn hóa - Thể thao và Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM sẽ ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhân chứng lịch sử, đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND quận 10 để hoàn thiện hồ sơ khoa học, trình Hội đồng Xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thành phố công nhận di tích nhà số 499/20.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận