Ngày 16-10, tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tổ chức hội thảo tham vấn "Phân vùng chức năng vịnh Nha Trang gắn phát triển sinh kế bền vững cho Bích Đầm", thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và các đơn vị liên quan.
Từ nền tảng điều chỉnh phân vùng chức năng vịnh Nha Trang
Tại hội thảo, TS Hồ Văn Thệ - viện phó Viện Hải dương học - báo cáo phương án điều chỉnh phân vùng chức năng vịnh Nha Trang gắn phát triển sinh kế bền vững cho đảo Bích Đầm.
Theo ông Thệ, phân vùng chức năng vịnh Nha Trang phải bảo đảm tương thích với các quy hoạch quốc gia có liên quan tới không gian vịnh, tương thích với quy hoạch tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang.
"Phân vùng chức năng vịnh Nha Trang phải kết hợp hài hòa lợi ích của các ngành kinh tế và của địa phương. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái biển, từ đó thống nhất các mục đích du lịch, kinh tế, an ninh quốc phòng" - ông Thệ nói.
Trong điều chỉnh phân vùng chức năng vịnh Nha Trang có 6 phân khu chính, bao gồm: khu bảo vệ và phục hồi rừng, khu phát triển nông nghiệp xanh, khu phát triển dân cư và đô thị, khu bảo vệ và phát triển đất, khu dịch vụ du lịch và khu hành lang bảo vệ bờ biển.
Dựa trên việc điều chỉnh phân vùng chức năng trên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam - cho rằng việc điều chỉnh các phân vùng chức năng trên sẽ là nền tảng cho việc thực hiện đề án phát triển du lịch tại đảo Bích Đầm.
Theo ông Hồi, các đơn vị liên quan phải tiếp thu các ý kiến để có một dự thảo phân vùng tối ưu nhằm hướng đến phát triển sản phẩm du lịch cho đảo Bích Đầm.
Phát triển du lịch cộng đồng ở đảo Bích Đầm
Tham luận tại hội thảo, ông Phan Đình Phùng - phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho biết đảo Bích Đầm là khu vực kín gió, có cảnh quan đẹp, môi trường, vệ sinh sạch sẽ, an ninh tốt, có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.
Về những lợi thế để phát triển du lịch, ông Phùng chỉ ra đảo Bích Đầm có khu vực bãi cát rộng cắm trại qua đêm, có khả năng phục hồi nghề gia công mỹ nghệ sản phẩm quà lưu niệm từ vỏ sò, ốc.... Đảo còn có các điểm tham quan như đình Bích Đầm, chùa Bích Sơn và ngọn hải đăng Hòn Lớn - một trong năm ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam.
"Tâm tư, nguyện vọng bà con nơi đây là mong muốn chính quyền địa phương quan tâm xây dựng, đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng để thu hút khách đến với Bích Đầm, từ đó tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân" - ông Phùng nói.
Tuy nhiên, hiện khu vực đảo chưa được tiếp cận lưới điện quốc gia để cung cấp cho các hộ dân, cơ sở hạ tầng giao thông trên đảo đến các điểm tham quan còn khó khăn. Đình Bích Đầm cần đầu tư, tôn tạo vì đã xuống cấp nặng nề.
Trước tình hình trên, các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa đã có những đề xuất thúc đẩy phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm.
Trong đó có việc tiếp cận lưới điện để cung cấp cho các hộ dân, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên đảo đến các điểm tham quan, tổ chức lực lượng hỗ trợ du khách, huy động các nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các hộ gia đình, khai thác các giá trị ẩm thực, ngành nghề truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Minh - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết sau khi ghi nhận các ý kiến từ các đơn vị liên quan, TP sẽ hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững đầu tiên tại đảo Bích Đầm.
"Chúng tôi sẽ hướng tới một mô hình du lịch cộng đồng xanh và bền vững, nơi người dân địa phương là chủ thể chính, được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa của đảo" - ông Minh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận