Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đã quá tải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo tờ trình, dự án có mục tiêu đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các công trình trên tuyến với chiều dài khoảng 24km lên 8 làn xe. Riêng cầu Sông Tắc đầu tư lên 10 làn xe, cầu Long Thành lên 9 làn xe (5 làn chiều TP.HCM đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại).
Dự án có điểm đầu sau nút giao An Phú thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM), điểm cuối tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 12.969 tỉ đồng (566,8 triệu USD). Dự án được đề xuất vay vốn ODA của JICA dự kiến là 10.217,5 tỉ đồng (tương đương 446,6 triệu USD), còn vốn đối ứng trong nước gần 2.752 tỉ đồng. Dự kiến, thời gian thực hiện 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến 2025).
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính về đề xuất dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km đã đầu tư giai đoạn 1, với quy mô 4 làn xe cao tốc, đưa vào khai thác từ năm 2015. Sau 6 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã quá tải, đặc biệt là các dịp lễ, tết thường xuyên xuất hiện tình trạng kẹt xe.
Nếu không sớm đầu tư mở rộng kịp với thời gian cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác (dự kiến năm 2025), tình trạng kẹt xe trên cao tốc này sẽ ngày càng trầm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận