Phóng to |
Ông Nguyễn Quân - bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Mai Hương |
Theo phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, về công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, hiện vẫn còn chưa rõ về khái niệm, thực trạng cũng như hướng phát triển. TP.HCM là trung tâm công nghiệp của cả nước, số doanh nghiệp cao nhất cả nước, ngành nghề đa dạng nhưng công nghiệp của TP, kể cả công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ còn chưa mạnh, chủng loại chưa phong phú và chất lượng chưa cao.
Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM cho thấy ngành cơ khí TP phải nhập khẩu gần 3 tỉ USD phụ tùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Ngành da giày có tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu sản xuất chỉ đạt khoảng 40-45%. Các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày đều phải nhập khẩu. Còn ngành điện, điện tử doanh nghiệp trong nước vẫn sản xuất với phương thức gia công, nhập khẩu linh kiện.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban quản lý các KCX-KCN TP đề xuất Chính phủ xem xét cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được giao đất, cho thuê đất trong thời hạn 70 năm để có thời gian thu hồi vốn, khuyến khích đầu tư. Đề xuất cho công ty phát triển hạ tầng được miễn tiền thuê đất 20 năm. Công ty phát triển hạ tầng có trách nhiệm chuyển tiền thuê đất được miễn vào giá cho thuê đất với các nhà đầu tư thứ phát.
Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đề xuất cho doanh nghiệp hỗ trợ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Kiến nghị cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài khoản cố định của dự án; miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để sản xuất của dự án trong vòng 5 năm.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân đánh giá: “Chúng ta đã có 30 năm đổi mới, đang trên đường công nghiệp hóa đất nước, thế nhưng công nghiệp hỗ trợ của ta phát triển quá chậm, còn công nghệ cao thì chưa đáp ứng được kỳ vọng của đất nước”.
Ông Quân cho biết Bộ Khoa học - công nghệ đang được Chính phủ giao xây dựng quy hoạch các khu công nghệ cao của cả nước, trong đó Khu công nghệ cao TP.HCM là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia. Bên cạnh đó còn có các khu nông nghiệp công nghệ cao, các khu phần mềm và khu công nghệ sinh học, công nghệ thông tin tập trung. Dự kiến đến năm 2015 bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
“Chúng tôi rất kỳ vọng vào Khu công nghệ cao TP.HCM - nơi dẫn đầu về thu hút đầu tư và giá trị sản xuất công nghiệp. Công nghệ cao phải thật sự được xem là mấu chốt sống còn cho sự phát triển của một quốc gia. Đã qua cái thời chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá, thu hút để lấp đầy các khu công nghiệp. Đây phải là lúc nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước”, ông Quân nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận