Nhiều doanh nghiệp lo lắng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ làm giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: sản xuất đồ chơi tại một doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: T.V.N. |
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đều thừa nhận chính người tiêu dùng cuối cùng mới bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi giá xăng dầu tác động lên giá cả của hầu hết sản phẩm. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia và DN.
Ông Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Có thể nói, việc kiến nghị tăng thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là vì đây là cách thu dễ dàng nhất để tăng nguồn thu cho ngân sách. Bởi xăng dầu bán ra là thu được ngay, Nhà nước có tiền tươi thóc thật ngay.
Trong khi đó, với kiến nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít, chắc chắn sẽ tác động nặng nề đến chỉ số giá tiêu dùng, đẩy chi phí của tất cả mặt hàng và dịch vụ khác, nhất là cước vận tải. Điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế VN nói chung và DN VN nói riêng.
Do đó, theo tôi, Quốc hội nên xem xét và không chấp nhận mức tăng quá đáng như kiến nghị của Bộ Tài chính. Thay vào đó, Bộ Tài chính xem xét lại thuế đối với các mặt hàng khác như thuốc lá, rượu, bia..., những mặt hàng này không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng để hạn chế sử dụng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phải làm rõ tiền thu thuế bảo vệ môi trường trong các năm qua, như năm 2016 thu được hơn 40.000 tỉ đồng thì việc chi cho bảo vệ môi trường như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao.
Bản thân tôi là một người dân nhưng tôi lo ngại việc tăng thuế này là để bù đắp cho các nhiệm vụ chi thường xuyên khác mà không phải cho bảo vệ môi trường. Và thuế cứ nhằm vào xăng dầu mà đánh thì chi phí của người dân sẽ tăng.
Ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Vissan):
Không hợp lý
Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như mức mà Bộ Tài chính đề xuất, đối tượng bị tác dụng nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng. Đặc biệt, sẽ làm chi phí xã hội tăng lên, mà điều này sẽ không hay lắm trong điều kiện hiện nay khi sức mua còn đang thấp.
Tôi hiểu cơ sở tăng thêm thuế là nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Nhưng mục đích chỉ được thuyết phục khi nó có công cụ kèm theo. Ví dụ tăng phí xăng dầu thì phải khuyến khích được việc sử dụng phương tiện công cộng.
Hay như ở các nước tiên tiến, khi đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường lên chi phí xăng dầu, người ta khuyến khích sử dụng xe điện, hoặc cho thuê xe điện với giá thấp.
VN chưa có, cũng như chưa làm được tốt các đề xuất liên quan, dẫn đến việc thiếu giải pháp xử lý thì sẽ làm biến động xã hội. Chưa kể, chi phí tăng lên quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển xã hội, cũng như không kích thích kinh tế tiêu dùng, nếu không muốn nói sẽ góp phần làm trì trệ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Muốn tăng thuế bảo vệ môi trường cũng không thể tăng một cách đột ngột như vậy.
Ông Nguyễn Thanh Trung (tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á):
Phải có lộ trình tăng thuế môi trường
Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên 8.000 đồng/lít như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tác động rất lớn đến chi phí logistics, chiếm tỉ lệ rất lớn trong giá thành sản xuất hiện nay của các DN.
Theo tôi, cần có sự xem xét một cách hài hòa, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh của DN. Nếu bắt buộc phải tăng, tôi cho rằng Bộ Tài chính phải có lộ trình, chia làm nhiều đợt để DN còn có phương án chủ động ứng phó.
Bà Đặng Minh Phương (CEO Minh Phương Logistics):
Coi chừng bị tác động ngược
Dưới góc độ là một người tiêu dùng, tôi rất sốc khi nhận được thông tin đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu. Bởi với mức tăng quá cao như vậy, chưa kể giá xăng dầu cũng vừa điều chỉnh tăng cách đây chưa lâu, chắc chắn giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ tăng tương ứng hoặc tăng cao hơn.
Khi đó, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà bản thân các DN cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Chưa kể chi phí lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, xã hội cũng đã được tính theo mức tính mới càng đẩy chi phí đầu vào của DN ngày một phình to ra.
Cũng là người sử dụng lao động, chắc chắn chúng tôi phải tính toán lại chi phí nhiên liệu cho nhân viên, vì rõ ràng với quãng đường di chuyển như trước, hằng tháng họ phải bị trả thêm chi phí để đến công ty.
Trong khi hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thời gian qua chưa được cải thiện, việc phát sinh thêm chi phí mới càng khiến sức chịu đựng của DN bị cạn kiệt.
Ông Ngô Đức Hòa (chủ tịch HĐQT Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi):
Doanh nghiệp... khổ quá!
Nếu đề xuất này của Bộ Tài chính được thông qua, chỉ riêng DN ngành sản xuất dệt may, chi phí vận chuyển cộng với chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 5-7% so với trước, khó lòng cạnh tranh được với các quốc gia cùng có thế mạnh như VN, chẳng hạn Myanmar, Campuchia, Indonesia hay Sri Lanka. Ngay tại thị trường nội địa, sản phẩm trong nước lại càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với hàng của Trung Quốc và Thái Lan.
Theo tôi, làm gì cũng cần nhìn đến “sức khỏe” của các DN trong nước. Ngành dệt may hiện bị áp lực rất lớn từ nhiều phía. Chỉ cần giá xăng tăng thôi, chi phí của từng sợi chỉ, cái cúc cũng tăng theo vì mọi thứ đều liên quan đến nhau. Huống gì mức đề xuất lần này tăng đến hàng ngàn đồng/lít nhiên liệu thì không thể nào DN chịu nổi.
TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế): Người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên thêm nữa, DN sẽ càng khó khăn hơn, nhưng người chịu thiệt thòi nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người dân. Song, bản chất của việc kiến nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu không phải chỉ là câu chuyện giá xăng dầu sẽ tăng cao hay thấp mà là đặt lợi ích trong thu ngân sách hay đặt lợi ích của người tiêu dùng là người dân lên trên? Giá xăng dầu hiện là giá chung trên thị trường thế giới rồi, nhưng tại sao ở Mỹ giá xăng khi quy đổi theo tỉ giá là hơn 16.000 đồng/lít, thấp hơn giá xăng ở VN là vì thu thuế của họ ít hơn chúng ta. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận