Quyền lợi của người dân sẽ thay đổi nếu Luật bảo hiểm y tế sửa đổi được thông qua - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Theo dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa bằng 6% lương hằng tháng của người lao động, trong đó doanh nghiệp đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Tuy nhiên, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình có điều chỉnh khi người thứ nhất đóng ở mức 6% mức lương cơ sở, từ người thứ hai trở đi sẽ bằng 80% mức đóng của người đầu tiên.
Hiện nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, người thứ nhất trong hộ gia đình đóng bằng 4,5% lương cơ sở. Người thứ hai chỉ đóng bảo hiểm y tế bằng 70% mức đóng của người thứ nhất, người thứ ba, người thứ tư và người thứ năm đóng giảm dần bằng 60%, 50% và 40% của người thứ nhất.
Như vậy nếu dự thảo được thông qua, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình với người thứ nhất tăng thêm 1,5%, người thứ hai sẽ đóng tăng thêm 10%, người thứ ba, tư và năm trở đi sẽ tăng lần lượt 20%, 30% và 40% mức đóng so với quy định hiện hành.
Dự thảo cũng khuyến khích một số đối tượng có thể đóng trước tiền tham gia bảo hiểm y tế tối đa 3 năm. Khi mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế thay đổi, người đã nộp tiền không phải nộp thêm.
Về quyền lợi, dự thảo nêu rõ người tham gia bảo hiểm y tế được chi trả thêm một số dịch vụ như điều trị dự phòng bệnh tật; dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; sàng lọc trước và sau sinh, bệnh lây truyền từ mẹ sang con; sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh mãn tính; khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em sinh non, trẻ suy dinh dưỡng nặng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận