Theo cử tri thành phố Cần Thơ, thành phố có hầu hết hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, trên 5% hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tăng khi lương cơ sở tăng
Như vậy còn hàng nghìn người lao động, nông dân chưa tham gia lưới an sinh lâu dài. Việc này không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống bà con, mà còn tạo gánh nặng ngân sách trong tương lai khi hàng nghìn người hết tuổi làm việc, không có lương hưu.
Hiện mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội đối với hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, còn đối tượng khác là 10%. Song từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở tăng 30% kéo theo mức đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập vốn ít ỏi của nông dân, lao động tự do.
Cử tri thành phố Cần Thơ đề xuất tăng mức hỗ trợ để nông dân và lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong tương lai.
Về việc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay chủ trương chung là tiếp tục cải cách, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo cơ hội tham gia cho nhiều người lao động.
Ngoài chính sách đã có, Chính phủ khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia tự nguyện.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ trong quá trình xây dựng nghị định về bảo hiểm xã hội tự nguyện trình Chính phủ trong năm 2025.
Trước mắt, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, ví dụ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lợi gì?
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hết tháng 9-2024 nêu cả nước có hơn 1,99 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 39,35% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 1-7-2025 có nhiều sửa đổi, bổ sung, gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đó là điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm số năm đóng tối thiểu), trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội…
Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm xã hội còn được hỗ trợ tín dụng nếu bị mất việc làm.
Ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế khi hưởng trợ cấp hằng tháng.
Hiện người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng), còn mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Từ 1-7-2024, lương cơ sở là 2,34 triệu đồng nên mức đóng hằng tháng tính như sau:
- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 22% x 1,5 triệu đồng = 330.000 đồng/tháng
- Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất là 22% x 20 x 2,24 triệu đồng = 10,296 triệu đồng/tháng.
Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
- Hộ nghèo (30%): 1,5 triệu đồng x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo (25%): 1,5 triệu đồng x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
- Người tham gia khác (10%): 1,5 triệu đồng x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận