11/08/2019 08:27 GMT+7

Đề xuất sử dụng xe đạp công cộng ở TP.HCM

NGỌC ẨN thực hiện
NGỌC ẨN thực hiện

TTO - Theo đề án các doanh nghiệp đưa ra, giai đoạn đầu dự án dịch vụ xe đạp đô thị do doanh nghiệp đề xuất được thực hiện ở khu vực quận 1, tiếp đến là quận 3.

Đề xuất sử dụng xe đạp công cộng ở TP.HCM - Ảnh 1.

Nhiều người đi làm bằng xe đạp ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Dự án Mobike - dịch vụ xe đạp đô thị - do doanh nghiệp đề xuất sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân đi từ nhà, người đi làm ở các công sở đến các trạm xe buýt hoặc địa điểm cần đến trong phạm vi 3km” - ông Trần Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nói trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

Vừa qua, có một số doanh nghiệp đề nghị mở dịch vụ sử dụng xe đạp, xe máy điện công cộng tại TP.HCM như Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam, Công ty Mobike, Công ty TNHH công nghệ IOT thông minh Việt Nam...

Ông Trần Chí Trung cho biết: "Theo đề án các doanh nghiệp đưa ra, giai đoạn đầu được thực hiện ở khu vực Q.1, tiếp đến là Q.3".

Đề xuất sử dụng xe đạp công cộng ở TP.HCM - Ảnh 2.

Du khách Pháp đi dạo một vòng Sài Gòn bằng xe đạp thuê ở khách sạn - Ảnh: T.T.D.

* Tại sao đề án muốn bắt đầu ở Q.1, thưa ông?

- Vì đây là quận trung tâm có nhiều cơ quan nhà nước, có nhiều trường học, bệnh viện và có đến 31 tuyến xe buýt đưa khách đến các nơi và ra vào cửa ngõ TP.HCM.

Dự kiến trong giai đoạn đầu đưa vào sử dụng 800 - 1.000 xe đạp công cộng được bố trí ở 70-80 vị trí bãi xe đạp.

Các bãi đậu xe đạp công cộng có diện tích 5-10m2 với số lượng 10-20 xe được bố trí trên vỉa hè gần các trạm xe buýt, địa điểm du lịch, trường học, ký túc xá, chung cư và ở các cơ quan đơn vị có mật độ người sử dụng đông.

* Nhà nước có trợ giá vé cho xe đạp công cộng hay không?

- Nhà nước sẽ không trợ giá vé. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp tìm vị trí làm bãi đậu xe và xây dựng khung giá vé.

Doanh nghiệp đề xuất miễn tiền thuê vỉa hè trong giai đoạn thí điểm của dự án để cung cấp cho người dân giá thuê xe hợp lý và nhằm thu hút người sử dụng.

Đề xuất sử dụng xe đạp công cộng ở TP.HCM - Ảnh 3.

Chị Trần Thị Linh đạp xe đi làm từ nhà (quận Gò Vấp) đến công ty (quận 1). Chị Linh cho biết: "Đạp xe không chỉ giúp mình rèn luyện bản thân, sống thân thiện với môi trường, mà còn cho mình nhiều trải nghiệm thú vị dọc đường mà xe máy không có được" - Ảnh: THANH YẾN

Theo đề nghị của doanh nghiệp, giá vé sử dụng xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút.

Doanh nghiệp cho biết dự kiến trong thời gian đầu từ 1 đến 3 tháng sẽ miễn phí 15 phút sử dụng đầu tiên để khuyến khích nhiều người sử dụng.

Chúng tôi cũng đề nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu mở rộng thêm các khung thời gian để tính giá vé như 15 phút, 30 phút, 60 phút để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Nhà đầu tư cho biết sẽ nghiên cứu đa dạng các loại vé theo ngày, tháng, quý hoặc năm.

* Thực tế TP.HCM còn quá ít đường dành riêng cho xe đạp, như vậy dịch vụ này khả thi tới đâu?

- Đúng, hiện nay hạ tầng giao thông TP.HCM vẫn thiếu đường dành riêng cho xe đạp.

Có thể bố trí cho xe đạp chạy trên vỉa hè, trong đó vỉa hè ở Q.1 còn tương đối tốt hơn các quận khác. Nhưng vẫn còn những vỉa hè quá hẹp... cũng không thuận lợi lắm cho xe đạp.

Đề xuất sử dụng xe đạp công cộng ở TP.HCM - Ảnh 4.

Đồ họa: NHƯ KHANH

* Nhiều người còn lo ngại xe đạp có giá trị dễ xảy ra mất cắp?

- Trên xe gắn những thiết bị điện tử như thiết bị định vị GPS, thiết bị tính tiền. Với công nghệ mới, doanh nghiệp có thể giám sát từng chiếc xe.

Hiện nay dự án do doanh nghiệp thực hiện đang trong giai đoạn khảo sát sơ bộ. Do đó, sau khi được cơ quan thầm quyền chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp sẽ thực hiện khảo sát chi tiết để thực hiện dự án.

Ông Lê Hồng Việt (phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM):

Cho xe đạp chạy trên vỉa hè không đơn giản

Tôi rất ủng hộ việc cần tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng vì phù hợp với chủ trương của TP.HCM về hạn chế xe lưu thông vào trung tâm.

Dịch vụ xe đạp công cộng sẽ đáp ứng nhu cầu và giúp người dân làm quen với phương tiện đi lại này.

Hiện nay ở nhiều nước, người ta dành một phần vỉa hè cho xe đạp chạy bằng cách hạ thấp một phần mặt đường vỉa hè hoặc sơn trên mặt vỉa hè và gắn biển báo cho phépxe đạp lưu thông.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật VN, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, không cho bất kỳ loại phương tiện nào lưu thông.

Trong khi đó, TP.HCM hiện chỉ có một đoạn đường Pasteur và Trần Hưng Đạo nhờ có hàng cây xanh làm dải phân cách cho xe đạp lưu thông, trong khi việc mở thêm đường cho xe đạp là rất khó khăn.

Việc cho phép xe đạp lưu thông trên vỉa hè cũng không đơn giản vì có tuyến đường vỉa hè chật hẹp, không bằng phẳng do trên đường có nhiều hẻm.

Do đó để phát triển xe đạp công cộng cần phải tính toán đầu tư nâng cấp vỉa hè.

Ông Võ Khánh Hưng (phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM):

Hoan nghênh song xem xét tính khả thi

Chúng tôi rất hoan nghênh và ghi nhận doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư thực hiện dịch vụ này.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã mở dịch vụ xe đạp công cộng và thu hút rất nhiều người sử dụng.

Tuy nhiên, sở sẽ xem xét kỹ về tính khá thi thực hiện đề án này bởi thời tiết ở VN khác với các nước ôn đới.

Đồng thời xem xét liệu dịch vụ này có phù hợp với người sử dụng ở VN có nhiều ngành nghề khác nhau.

Ngoài ra, cũng cần xem xét thêm về góc độ quản lý xe đạp công cộng như chuyện trộm cắp để tránh thiệt hại. Trong tháng 8 này sở sẽ xem xét cẩn thận về đề xuất trên trước khi trình UBND TP.

TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế):

Phải làm đúng cách mới hiệu quả

Xe đạp công cộng được áp dụng rất hiệu quả ở các nước trên thế giới như Singapore, Trung Quốc...

Người dân được giáo dục sử dụng xe đạp để đi lại trong cự ly ngắn từ 3 - 5km không chỉ giảm ùn tắc, mà còn nhằm bảo vệ môi trường.

Thực tế ở các nước này, người dân họ chấp hành rất nghiêm chỉnh, văn minh.

Tuy nhiên, để triển khai xe đạp công cộng ở TP.HCM trong thời điểm này thì còn phải cân nhắc nhiều vấn đề.

Trước hết, hạ tầng nước ta chưa thể đáp ứng, hầu hết các tuyến đường nội ô hiện nay nhỏ hẹp, không có làn đường riêng cho xe đạp.

Trong khi lượng ôtô, xe máy quá đông đúc. Chỉ riêng tình trạng ôtô và xe máy tăng vọt đã khiến hạ tầng giao thông TP quá tải, khó quản lý.

Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, metro... vẫn chưa phát triển đồng bộ.

Người dân muốn đi xe đạp công cộng sẽ di chuyển như thế nào để đến điểm thuê xe. Nếu chúng ta phát triển đồng bộ được các loại hình xe công cộng thì xe đạp công cộng mới có thể tồn tại và phát triển.

Ngoài ra, còn tồn tại các vấn đề như tâm lý người Việt vẫn thích sử dụng tiền mặt, đồng thời không chấp nhận bỏ tiền ra thuê xe đạp để đi. Ngoài ra, tình trạng mất cắp, phá hoại sẽ xảy ra gây thiệt hại cho nhà đầu tư...

NGỌC ẨN - THU DUNG ghi

Chỉ phục vụ du lịch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số bạn trẻ là nhân viên văn phòng, giáo viên... cho biết đây là ý tưởng khá hay. Tuy nhiên, theo họ, để ý tưởng này thành hiện thực trong điều kiện ở TP.HCM không dễ dàng.

Anh Huỳnh Tấn Tài (nhân viên văn phòng) nói: "Theo tôi, dựa vào điều kiện hạ tầng đường sá, vỉa hè, đặc điểm dân cư tại TP.HCM, việc triển khai mô hình cho thuê xe đạp công cộng sẽ không hiệu quả. Người dân có xu hướng đi lại bằng xe máy để đi nhanh hơn, di chuyển cự ly xa.

nn_xe đạp  (4) 2(read-only)

Chị Nguyễn Thị Oanh đạp xe đi làm trên làn dành riêng cho xe đạp ở đường Pasteur, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI

Do vậy, xe đạp công cộng chỉ có thể áp dụng quanh các điểm vui chơi, giải trí nằm trong trung tâm Q.1 để phục vụ khách du lịch.

Các điểm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, dinh Độc Lập... có thể áp dụng loại hình này để thu hút du khách tự khám phá phố phường bằng xe đạp.

Thực tế ở TP.HCM chưa nhiều người dân sử dụng xe đạp để đi lại hằng ngày. Các phương pháp này không góp phần giảm xe cá nhân được, chúng ta phải tập trung đầu tư hạ tầng xe buýt, xây dựng metro...".

Anh Nguyễn Thành Vinh (viên chức ở Q.3) chia sẻ: "Tôi đã đi một số nước ở châu Âu như Hà Lan, Pháp... và chứng kiến rất nhiều khách du lịch sử dụng xe đạp công cộng.

Tuy nhiên, ở các nước đó, họ có điều kiện giao thông thuận tiện, tiết trời mát mẻ, đi dạo bằng xe đạp thật lý tưởng.

Còn thời tiết ở TP.HCM chủ yếu là nóng và mưa rất nhiều vào mùa mưa. Nên việc sử dụng xe đạp công cộng đi đến trạm xe buýt hay dạo quanh TP.HCM trong điều kiện thời tiết này khá bất tiện".

THU DUNG - K.B. ghi

Thăm dò ý kiến

Một số doanh nghiệp đề nghị mở dịch vụ sử dụng xe đạp, xe máy điện công cộng tại TP.HCM. Theo bạn dịch vụ này có khả thi?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

NGỌC ẨN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp